| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nuôi tôm ở Đồng Nai: [Bài 3] Tạo 'bệ phóng' cho người dân

Thứ Ba 15/11/2022 , 14:24 (GMT+7)

Để ngành tôm phát triển bền vững mang lại giá trị kinh tế cao, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, đi vào cuộc sống.

Sức bật từ chính sách

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án “Khu nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch” giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030 được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện Nhơn Trạch, thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đề án, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho huyện Nhơn Trạch làm đầu mối kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thủy sản tập trung (khoảng 226 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp gần 1,1 tỉ đồng), kinh doanh, khai thác qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đối tượng được tham gia bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên đối với các nhà đầu tư có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật, nhân lực và thị trường sẵn có.

“Trong 682 ha quy hoạch nuôi tôm, dự án dành đến 602 ha để nuôi tôm theo công nghệ cao. Cụ thể tôm được nuôi siêu thâm canh theo công nghệ C.P và công nghệ nhà màng, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này cũng phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết.

Từ chính sách phù hợp, ngày càng nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi tôm CNC. Ảnh: Trần Trung.

Từ chính sách phù hợp, ngày càng nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi tôm CNC. Ảnh: Trần Trung.

Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, từ đề án, đến nay trên địa bàn huyện có hơn 1,5 ngàn ha diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất bình quân 3 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Khoảng 330 ha diện tích nuôi tôm thâm canh, trong đó, thâm canh bình thường năng suất đạt 6 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng; thâm canh tôm thẻ chân trắng theo công nghệ C.P năng suất đạt 60-80 tấn/ha/vụ, lợi nhuận có thể đạt 3 tỷ đồng nếu thực hiện được 4 vụ.

“Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ C.P giúp người nuôi kiểm soát được mật độ, tỷ lệ hao hụt giống, chất lượng nguồn nước, nguồn thức ăn, chất thải nên lợi nhuận cao. Huyện tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình này nhằm giải quyết bài toán về kinh tế, dịch bệnh, môi trường”, đại diện Phòng Kinh tế huyện chia sẻ.

Để hỗ trợ nông dân chuyển sang mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ C.P, huyện Nhơn Trạch đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác nuôi tôm tại các xã; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP. Cùng với đó kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật trong vùng nuôi tôm, đầu tư phát triển các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn. Phối hợp với Sở KH-CN xây dựng thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm trên ao nuôi có sẵn ở xã Phước An, sau đó nhân rộng mô hình ra các vùng nuôi khác.

Trong 330 ha diện tích nuôi tôm thâm canh có khoảng 100 ha diện tích nuôi tôm thâm canh theo công nghệ C.P tại các xã Vĩnh Thanh, Phước An. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An Phạm Thanh Tuấn cho biết, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn xã đạt khoảng 1,1 ngàn ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao khoảng 200 ha. “Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được nông dân đầu tư nhiều. Đặc biệt, tại ấp Bà Trường đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình nuôi này. Mỗi tháng có cả chục ha được đầu tư mới nên chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích nuôi tôm thâm canh ao nổi phủ bạt tại đây đã đạt hơn 60 ha”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh chính sách linh hoạt, người nuôi tôm còn được tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh chính sách linh hoạt, người nuôi tôm còn được tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới. Ảnh: Trần Trung.

“Mô hình nuôi tôm theo công nghệ C.P là mô hình do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao cho nông dân. Mô hình này yêu cầu người nuôi phải tuân thủ quy trình xử lý ao nuôi, nguồn nước, chất thải để môi trường nuôi luôn sạch; đảm bảo nguồn thức ăn, con giống; duy trì cho lượng cám, thuốc phòng bệnh theo khuyến cáo để tôm phát triển tốt, không bị tồn dư các kháng chất khi bán nhằm hình thành vùng sản xuất chuyên canh tôm có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Nhân – Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết thêm.

 Tiếp tục dồn lực

Theo Phòng kinh tế huyện Nhơn Trạch, địa phương đang trong quá trình thực hiện các tiêu chí thành phố mới theo hướng công nghiệp - dịch vụ, một phần diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang làm hạ tầng. Do vậy, định hướng của địa phương là phát triển các mô hình nông nghiệp phù hợp với tiêu chí đô thị: sử dụng diện tích đất ít, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm đạt tiêu chí an toàn, đáp ứng nhu cầu hậu cần tại chỗ.

Con tôm đã và đang mạng lại kinh tế cho người dân Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Con tôm đã và đang mạng lại kinh tế cho người dân Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

“Năm 2021, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ các vùng sản xuất trước đây; hình thành và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chí VietGAP, hữu cơ, trong đó, tôm công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sự điều chỉnh này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho nông dân mà còn giúp ngành nông nghiệp huyện thích ứng với tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn do biến đổi khí hậu”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Nhân chia sẻ.

Để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.

Con tôm đã và đang mạng lại kinh tế cho người dân Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Con tôm đã và đang mạng lại kinh tế cho người dân Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, mục tiêu chung là nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng thúc đẩy lĩnh vực thủy sản của tỉnh, trong đó ngành tôm phát triển mạnh theo hướng an toàn, sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh lên 45 ha, sản lượng 202 tấn; Duy trì diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 430 ha, trong đó diện tích khu quy hoạch nuôi tôm tập trung đạt 360 ha, diện tích ngoài quy hoạch 70 ha, sản lượng đạt 19.200 tấn.

Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh có hệ thống sông, hồ phong phú nên bên cạnh thế mạnh nuôi thủy sản nước ngọt thì Đồng Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Riêng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại Nhơn Trạch đã mang lại được hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.

“Với thế mạnh để phát triển nuôi thủy sản nước lợ, nhất là nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, các huyện cần quan tâm, vận dụng chính sách tập trung đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi tôm như đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi. Từ đó thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện về đầu tư nuôi tôm công nghệ cao nhằm khai thác hết giá trị, tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương”, ông Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.