| Hotline: 0983.970.780

'Chuyện tình cổ tích' và cuộc sống khốn khó của cặp vợ chồng chênh nhau 43 tuổi

Chủ Nhật 09/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Họ từng là cặp đôi nổi tiếng được ngợi ca bằng những mỹ từ có cánh. Thế nhưng, khi đã nên duyên vợ chồng họ phải đối diện với thực tế "cơm áo gạo tiền" và hiện tại họ đang sống những ngày hết sức khó khăn.

"Bác cưới em đi"

Tròn 10 năm trước, chuyện tình của ông Ngô Thanh Học và chị Nguyễn Thị Bích đã gây "chấn động" cả vùng quê yên bình ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bởi lúc đó ông Học đã 70 tuổi, còn chị Bích mới 27 tuổi.

img-3411132341959
Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Học.

Chị Bích kể, lúc chị quyết định đến với ông Học chị vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, bạn bè. Họ nói chị vất vả từ nhỏ, giờ nếu lại lấy ông Học thì cả đời "không ngóc đầu lên được"; "lấy ông già 70 tuổi sinh con đẻ cái kiểu gì"… Thôi thì đủ mọi lời dèm pha.

Đó là người thân, còn với người ngoài, họ đồn đoán thêu dệt đủ thứ chuyện trên đời. Nhiều đêm tủi thân chị Bích nước mắt nhạt nhòa ướt gối nhưng vì tình yêu chị dành cho ông Học quá lớn nên chị lại gạt bỏ tất cả và quyết tâm sẽ cùng người tình nên duyên đôi lứa.

Chị Bích sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ tàn tật, bản thân chị cũng bị dị tật ở chân nên không làm được việc nặng. Hai mẹ con chị sống nương tựa vào nhau và chủ yếu trông chờ vào khoản trợ cấp 300 nghìn tiền khuyết tật của người mẹ.

Ông Học và chị Bích sống cùng thôn không hề biết nhau cũng bởi 2 người cách nhau cả thế hệ. Hoàn cảnh của ông Học cũng rất khó khăn. Sau khi đi lính, ông Học trở về quê nhà và sống trong căn nhà lá lụp xụp và chẳng lập gia đình. Ông mưu sinh bằng nghề lượm ve chai và ai thuê gì làm nấy.

Một lần tình cờ chị Bích gặp ông Học, biết được hoàn cảnh đáng thương của ông nên từ đó hay giúp đỡ. "Gần bên bác Học thấy bác là người thật thà, chân thành nên tôi càng thương bác ấy hơn", chị Bích kể lại.

Về phần ông Học, cũng quý mến chị Bích lắm nhưng ông đâu dám mở lời. Sau khi nhận thấy "bác Học" cũng cảm mến mình nên chị Bích đánh bạo tỏ tình "hay là bác cưới em đi". Ông Học nghe xong mà không tin vào tai mình. Hạnh phúc vỡ òa của người đàn ông ở tuổi 70 lần đầu cảm nhận được tình yêu.

Đầu năm 2010, ông Học và chị Bích dẫn nhau đi đăng ký kết hôn. Một đám cưới giản dị diễn ra sau đó. Cô dâu không trang điểm, không váy cưới. Chú rể không com lê cà vạt. Thế nhưng, trên nét mặt của họ vẫn toát lên niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Năm 2013, chị Bích mang song thai, một trai một gái, nhưng vì điều kiện khó khăn nên chị vẫn đi làm, khi thai được tròn 8 tháng chị bất ngờ đau bụng nên đẻ non, hai bé sau khi sinh ra rất hay ốm vặt. Cuộc sống vốn đã khó khăn, 2 con của chị Bích lại ốm đau đi viện liên miên nên họ càng khốn khó.

2132341684
Ông Học dù đã 80 tuổi nhưng vẫn phải sống trong cảnh chăm con mọn.

Vất vả là thế nhưng đến năm 2016 chị Bích lại "vỡ kế hoạch" và chị Bích tiếp tục sinh con. Lúc này, sức khỏe ông Học giảm sút, dư luận vốn đã đàm tiếu về những đứa con của chị Bích nay họ càng đồn thổi nhiều hơn. "Ông ấy già yếu thế làm sao có con được", những lời nói đó khiến vợ chồng chị Bích cảm thấy bị xúc phạm nhưng họ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc câm nín trước mọi đồn thổi.
 

Không mua nổi cho con bộ quần áo mới

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, chúng tôi về thôn Ngô Khê thăm vợ chồng ông Học. Lúc này ông Học đã ở tuổi 80 tuổi, còn chị Nguyễn Thị Bích 37 tuổi.

Cuối năm, không khí Tết tràn ngập đường quê, nhà thịt trâu, nhà thịt lợn, nghèo nhất cũng thịt gà để chuẩn bị đón năm mới. Các con đường được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí cờ, hoa, đèn lồng. Đám trẻ con trong xóm nô đùa ríu rít trong tiếng nhạc xuân rộn ràng.

Trái ngược với không khí Tết vui tươi ấy, ngôi nhà tình thương của ông Học, chị Bích vẫn tiêu điều, luộm thuộm như bao ngày khác. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt vứt vương vãi, lộn xộn. Trong nhà chẳng có tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và chiếc xe đạp cà tàng.

Nhắc đến Tết, chị Bích buồn bã: “Nhà nuôi được 3 con gà định để đến gần Tết bán đi mua cho các con bộ quần áo mới, nhưng mấy hôm trước bị trộm vào bắt hết rồi còn đâu”, nói xong hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm của người mẹ 3 con.

Ngồi bên cạnh, ông Học đỡ lời: "Nhà tôi không sắm sửa gì, có sao dùng vậy. Các con thì mặc quần áo cũ được mọi người cho chứ vợ chồng tôi không có tiền mua. Mấy hôm trước con gái lớn (6 tuổi) đòi mua quần áo mới, dép mới nhưng… làm gì có tiền”, ông Học thở dài ngao ngán.

3132341814
Nghĩ đến Tết mà đôi mắt ông Học đỏ hoe

Nhìn các con năm nào cũng phải mặc quần áo cũ đón Tết, đôi dép đã mòn cả đế, đi từ năm này qua năm khác mà không có tiền mua, vợ chồng ông Học xót lắm, nhưng cũng đành chịu. Bởi ông Học mấy năm nay sức khỏe yếu, không đi nhặt ve chai như trước được nữa.

Cũng giống như chồng, chị Bích giờ đây chẳng còn tâm trạng nào để nghĩ đến Tết, vì năm nào chẳng như năm nào, nhà nghèo nên không sắm sửa gì. Từ ngày lấy chồng chị Bích chưa được ăn một cái Tết đúng nghĩa.
 

Tương lai mờ mịt

Ở tuổi 80, sức khỏe ông Học không còn được như trước nữa, ông ốm đau liên tục. Dù đau yếu, bệnh tật nhưng gia đình cũng không thuốc thang hay đưa ông Học vào bệnh viện vì không có tiền.

Nhà có 5 người giờ chỉ trông chờ vào khoản lương trợ cấp hơn 1 triệu đồng: “Nhà tôi nhiều vấn đề lắm, chồng thì ốm đau suốt. Sang năm hai đứa con lớn vào lớp 1 rồi, không biết lấy gì cho các con ăn học đây”, chị Bích buồn bã nói.

Con còn nhỏ, chồng già yếu, cuộc sống gia đình bây giờ trông cả vào chị Bích. Thế nhưng, nhà cũng chỉ có mấy sào ruộng nên lúc nào cũng rơi vào cảnh “chưa ráo mồ hôi thì đã hết tiền”.

Nhìn vợ quanh năm tất bật công việc đồng ruộng, chăm 3 đứa con, trong khi mình đau ốm không đỡ đần gì được, bản thân ông Học từng mong ước, giá như có thêm sức khỏe, đi làm phụ thêm vợ nuôi các con, cho các con cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày. Trong thâm tâm ông Học cũng mong muốn các con có một cuộc sống đầm ấm như những gia đình khác nhưng bất lực.

Bây giờ, lo cho các con có bữa cơm no đã là tốt lắm rồi còn chuyện "bữa cơm có thịt" là điều quá xa xỉ với gia đình chị Bích. Chị Bích cay đắng tiết lộ, có lần gạo chỉ còn một nắm, cả gia đình chỉ nấu được nồi cháo ăn cầm hơi. Đêm nhìn mấy đứa con đói bụng trằn trọc không ngủ được chị Bích lại ứa nước mắt.

4132341875
Mấy đứa con nhà ông Học năm nào cũng phải mặc quần áo cũ

Chị Bích thừa nhận không lường hết được cuộc sống với chồng quá chênh lệch tuổi lại vất vả đến như vậy. Giờ đây, chị chỉ mong các con lớn khôn, sức khỏe chồng tốt hơn, để chồng chăm sóc con, còn mình đi làm kiếm thêm thu nhập.

Chia tay gia đình chị Bích khi bóng tối đã ùa về che mờ con ngõ nhỏ. Tiễn chúng tôi ra về, ông Học bảo: “Giờ gần hết đời rồi tôi sống sao cũng được chỉ sợ một ngày khi mình không còn nữa không biết vợ con sẽ ra sao”.

(Kiến thức gia đình số 6)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm