| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình Nguyễn Tất Nhiên với mối duyên con gái Bắc

Thứ Bảy 01/07/2023 , 07:07 (GMT+7)

'Chuyện tình khó quên' lúc 20h tối nay 1/7 trên Nông nghiệp Radio kể về những giăng mắc của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên một thời 'thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá'.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) qua nét vẽ Đinh Cường.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) qua nét vẽ Đinh Cường.

“Chuyện tình khó quên” tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên sau 30 năm ông rời xa cõi tạm, giúp công chúng hiểu thêm số phận thi nhân. Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chỉ sống trên dương gian vỏn vẹn 40 năm. Khoảng thời gian ngắn ngủi của một cuộc đời ấy, ông đã nếm trải không ít gian khó và ngậm ngùi. Thế nhưng, những tác phẩm ông để lại cho cộng đồng vẫn tiếp tục được nhiều thế hệ thụ hưởng và trân trọng.

Chuyện tình khó quên” về nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhắc lại những bài thơ được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng như “Thà như giọt mưa”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”, “Chỉ chừng đó thôi”, “Hai năm tình lận đận”, “Ngọn trúc đào”… Và phía sau mỗi bài thơ được chắp cánh giai điệu bay xa, là một cuộc tình nhiều mơ mộng nhưng không ít não nề của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên có cảm hứng đặc biệt với con gái Bắc, mà hai mối tương tư khó phai là Bùi Thị Duyên và Hoàng Thị Kim Oanh. Nếu như Bùi Thị Duyên được miêu tả “Em mùa thi khua đôi guốc cao/ Bàn chân Nam Định rất chiêm bao/ Ta sợ bùn đen vây nếp chỉ/ Bởi vì tháng bảy có mưa mau”, thì Hoàng Thị Kim Oanh được định vị “Anh chắc rằng cô sinh trong Nam/ Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng/ Khi nghe ai luyến thương Hà Nội/ Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng”.

Những người cùng thời với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đều là những nhân chứng khẳng định, Nguyễn Tất Nhiên đã say đắm nữ sinh Bùi Thị Duyên khi cả hai cùng học chung trường Ngô Quyền ở Đồng Nai. Người chớm yêu, người đang yêu và người… hụt yêu đều thấy tâm tư của chính mình trong bài hát: “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa, khô trên mặt Duyên/ Để ta nghe thoáng, tiếng mưa vội đến, những giọt run run, ướt sợi lông măng/ Khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn/ Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên”.

Một người con gái tên Duyên, chỉ nhón chân vào bài hát mà để lại một dư ảnh ngập tràn nhớ nhung. Kỳ lạ hay, bài thơ “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy dựa theo để phổ nhạc thành ca khúc “Thà như giọt mưa” lại không hề có một cái tên Duyên nào. Vậy, nguyên cớ nào một người con gái tên Duyên xuất hiện trong bài hát, mà chính nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng hài lòng?

Tập thơ 'Thiên tai' của Nguyễn Tất Nhiên.

Tập thơ "Thiên tai" của Nguyễn Tất Nhiên.

Nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời đã hé lộ rằng, sở dĩ ông đưa cô Duyên vào bài hát vì ông đọc tập thơ “Thiên tai” và cảm nhận được tình cảm sâu nặng mà Nguyễn Tất Nhiên dành cho người con gái tên Duyên. Rõ ràng, cô Duyên không phải do nhạc sĩ Phạm Duy tưởng tượng ra rồi đưa vào ca khúc “Thà như giọt mưa” phổ theo bài thơ “Khúc tình buồn” cúa Nguyễn Tất Nhiên. Ngay trong tập thơ “Thiên tai”, Nguyễn Tất Nhiên có hai bài thơ khác nhắc trực tiếp đến người con gái tên Duyên là “Đi trong mưa nhớ Duyên” và “Bài hối trên tay Duyên”.

Sự vương vấn của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên với cô gái Bắc thứ hai Hoàng Thị Kim Oanh cũng góp phần tạo tác một ca khúc lừng lẫy. Thế nhưng, có một nghịch lý thú vị là bài hát “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, không phải dựa trên bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà lấy cảm hứng từ bài thơ “Đám đông”. Cả hai bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đều được sáng tác vào năm 1973, nhưng bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” viết bằng thể thơ tự do phóng túng, còn bài thơ “Đám đông” viết theo thể thơ năm chữ tuân thủ nhịp điệu: “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ/ Tóc demi-garçon/ Cười ngây thơ hết nụ/ Tình cờ thấy anh trông/ Khi không đường nín gió/ Bụi hết thời bay rong/ Khi không đường nín gió/ Anh lấy gì lang thang?”.

Không chỉ tán tụng Hoàng Thị Kim Oanh như một ẩn số mông lung “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ/ Mắt như trời bao dung/ Hãy nhìn anh thật rõ/ Trước khi nhìn đám đông” mà Nguyễn Tất Nhiên còn làm hẳn bài thơ lấy tựa đề “Oanh” đích danh người đẹp, với nguyện cầu cháy bỏng: “Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu giọt sương/ Sớm vẫn ngủ quên trên cánh hoa hường/ Sương kết hơi mù mơn man lá cỏ/ Chàng kết tình vui hơi thở em nồng/ Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu luống mạ/ Say gió chiều nghiêng kể chuyện thanh bình/ Mạ đơm lúa đầy trẻ thơ mau lớn/ Chàng đơm tình đầy trong ngực em, xinh”. Thật hữu tình, bài thơ “Oanh” cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Hãy yêu chàng” được ưa chuộng một thời!

Sau hai mối tình với hai cô gái Bắc chỉ lãng đãng kiểu mây trôi nước cuốn “chiều xưa có ngọn trúc đào, mùa thu lá rụng bay vào sân em”, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên theo đuổi bạn học Nguyễn Thị Minh Thủy - vốn cũng là cô gái làm thơ trong bút nhóm ở Biên Hòa. Thuở hẹn hò của họ, cũng được nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên viết thành bài thơ “Hai năm tình lận đận” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Hai năm tình lận đận/ Hai đứa cùng xanh xao/ Mùa đông, hai đứa lạnh/ Cùng thở dài như nhau/ Em bây giờ có lẽ/ Toan tính chuyện lọc lừa/ Anh bây giờ có lẽ/ Xin làm người tình thua/ Chuông nhà thờ đổ mệt/ Tượng Chúa gầy hơn xưa/ Chúa bây giờ có lẽ/ Rơi xuống trần gian mưa”.

'Chuyện tình khó quên' lúc 20h ngày 1/7 trên Nông nghiệp Radio

"Chuyện tình khó quên" lúc 20h ngày 1/7 trên Nông nghiệp Radio

“Chuyện tình khó quên” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ngỡ kết thúc có hậu vào năm 1978, khi ông và Nguyễn Thị Minh Thủy làm đám cưới, sau đó sang Mỹ Mỹ định cư. Thế nhung, dù họ có với nhau hai đứa con trai, thì hạnh phúc gia đình không gìn giữ được bao lâu. Hôn nhân đổ vỡ, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên trút buồn vào thơ: “Em hết thương ta rồi phải không/ Thôi thế cho ta bớt não nùng/ Thôi thế cho đời ta ngậm đắng/ Còn nghe vị ngọt của tình nhân”.

Năm 1992, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên qua đời tại California, khi vừa tròn 40 tuổi, để lại không ít dư âm ngậm ngùi: “Lâu rồi… không biết bao nhiêu/ Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời/ Hôm em êm ả điệu ngồi/ Sau lưng là những tình ơi hỡi tình”.

Mời quý vị đón nghe “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 1/7, với “Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên thà như giọt mưa rơi trên đường yêu”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.