| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về ngôi chợ vùng biên '3 nhất'

Thứ Tư 22/02/2023 , 10:26 (GMT+7)

Trong tiết trời se lạnh những ngày xuân, chúng tôi về thăm xã biên giới Thiện Hưng (Bình Phước), xã được phong tặng danh hiệu 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân'.

Ngôi chợ cổ nhất

Trong tiết trời se lạnh những ngày xuân, chúng tôi về thăm lại xã biên giới Thiện Hưng (huyện Bù Đốp, Bình Phước). Nơi đây giờ đã thực sự chuyển mình, khác xa những gì được biết về một xã biên giới vùng sâu, vùng xa trước đây. Không chỉ sầm uất, náo nhiệt ở khu vực trung tâm mà dọc các tuyến đường thôn, xóm, nhiều ngôi nhà xây khang trang mọc lên xen lẫn những vườn cao su, tiêu, điều xanh mướt, trải dài bất tận.

DSCN0199

Một góc chợ biên giới Thiện Hưng ngày nay. Ảnh: Trần Trung.

Điểm nhấn đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là dù ở biên giới xa xôi nhưng chợ Thiện Hưng được xem là ngôi chợ lớn xã lớn nhất, khang trang, hiện đại bậc nhất tỉnh Bình Phước. Theo ký ức người dân địa phương, ngôi chợ này còn từng là ngôi chợ cổ nhất, thời gian xây dựng lâu nhất và đến nay hoạt động ổn định nhất, không chỉ phục vụ người dân địa phương, chợ còn là trung tâm giao thương hàng hóa, phục vụ cho người dân của các huyện giáp ranh của nước bạn Campuchia.

Sinh năm 1932, từng kinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hơn ai hết cụ Huỳnh Thế Thiện (Tư Thiện), đảng viên trên 70 năm tuổi đảng ở thôn 6 xã Thiện Hưng là người gắn bó và trực tiếp chứng kiến sự đổi thay của xã và chợ Thiện Hưng.

Nói về lịch sử hình thành xã Thiện Hưng nói chung và chợ Thiện Hưng nói riêng, cụ Tư Thiện cho biết: Vào những năm 20 của thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn thiết lập cơ cấu hành chính và hệ thống đồn ải để quản lý, kiểm soát dân cư, lãnh thổ, cùng với những người Việt đầu tiên, mà trước hết là những binh lính đồn trú và gia đình họ đặt chân lên vùng đất này. Nhà Nguyễn đã thiết lập hệ thống cai trị ở đây với hai tổng thuộc phủ Bình Dương, tỉnh Gia Định là tổng Hưng Phước và tổng Phước Long. Phần lớn địa bàn xã Thiện Hưng hiện nay nằm trong tổng Hưng Phước, và chợ Thiện Hưng cũng bắt đầu hình thành từ đó nhưng chủ yếu mang tính tự phát chỉ với vài chục hộ ở khu trung tâm.

cho

Chợ Thiện Hưng những năm đầu thế kỷ XXI. Ảnh: Trần Trung.

Đầu thế kỷ XX, sau thời gian thăm dò khảo sát vùng đất biên giới, thực dân Pháp chính thức thiết lập bộ máy cai trị ở đây với sự ra đời của đồn binh Bù Đốp (năm 1906). Lúc này, Bù Đốp thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Năm 1912, thực dân Pháp cho tách một phần đất của tỉnh Gia Định và Biên Hòa để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một với diện tích 250.000ha, dân số 108.000 người. Bù Đốp lúc đó là tổng Phước Lễ, thuộc huyện Cần Lê, tỉnh Thủ Dầu Một.

Từ năm 1927, bộ máy cai trị quân sự dần dần được thực dân Pháp thay bằng bộ máy dân sự do các chủ đồn điền quản lý. Đơn vị hành chính cấp tổng, cùng với các đại lý hành chính và đồn binh vì thế cũng được thay bằng xã và quận Bù Đốp. Lúc này, khu vục chợ Thiện Hưng đã sầm uất hơn với những dãy nhà xây kiên cố do các chủ đồn điền xây dựng để định cư.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, năm 1961, quận Bù Đốp đổi thành quận Bố Đức, cơ cấu hành chính này giữ cho đến ngày giải phóng Bù Đốp (7/4/1972). Đầu năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/2/2003 thành lập huyện Bù Đốp thuộc tỉnh Bình Phước gồm 5 đơn vị hành chính xã là Hưng Phước, Thiện Hưng, Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/5/2003 đến nay. Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/NĐ-CP thành lập thị trấn Thanh Bình và thành lập xã mới là xã Phước Thiện từ một số ấp của xã Hưng Phước. Như vậy, huyện Bù đốp hiện có 6 xã và 1 thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên 37.926ha, dân số trên 54 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 17,9%. Khi đó, chợ Thiện Hưng trở thành trung tâm thương mại của cả huyện.

cụ thiện

Cụ Tư Thiện chia sẻ với PV Báo NNVN. Ảnh: Trần Trung.

“Trải qua hàng trăm năm lịch sử, từ một vùng đất hoang vu với rừng rậm bạt ngàn và thú dữ, đến nay Bù Đốp nói chung, xã Thiện Hưng nói riêng đã có nhiều sự thay đổi cả diện mạo và hành chính. Chợ Thiện Hưng vẫn được xem là ngôi chợ có thâm niên lâu đời nhất và hiện là trung tâm thương mại của một huyện vùng biên đang trên đà phát triển về kinh tế - xã hội, có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng”, cụ Tư Thiện nhấn mạnh. 

Thời gian nâng cấp lâu nhất

Để có được ngôi chợ như hôm nay, ít ai biết rằng đó còn là sự nỗ lực của cả tập thể, chính quyền, nhân dân, đặc biệt là sự đồng lòng của tất cả các tiểu thương trong chợ bởi trước đây chợ Thiện Hưng rất xập xệ, hệ thống ki-ốt chật chội, ẩm thấp, phân bố không hợp lý và xuống cấp, đường nội bộ trong chợ bong tróc, lầy lội vào mùa mưa. Chợ “ 3 không” , không có lối thoát hiểm, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không nước sạch…, nguy cơ rủi ro cháy nổ nguy hại đến tính mạng và tài sản người dân rất cao. Mặc dù được quy hoạch xây dựng nâng cấp từ năm 2009, phải đến gần chục năm sau chợ mới chính thức đi vào hoạt động với hạ tầng như hôm nay.

DSCN0014

Khung cảnh buôn bán nhộn nhịp tại chợ biên giới Thiện Hưng vào buổi sáng tinh mơ. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Trần Chí Công, nguyên Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, hiện là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thiện Hưng cho biết, trong việc xây dựng chợ vấp phải muôn vàn khó khăn, thứ nhất, việc xây dựng chợ theo hướng xã hội hóa nên việc mời gọi, thẩm định chủ đầu tư đủ năng lực mất nhiều thời gian, không ít nhà thầu không mặn mà dự án, thứ 2, hàng trăm tiểu thương trong chợ đang buôn bán phát đạt, việc bố trí nơi buôn bán mới trong thời gian xây dựng để họ yên tâm dời đi cũng là bài toán khó, nhưng điều trăn trở nhất là công tác giải phóng mặt bằng vì hầu hết tiểu thương đã hết hạn hợp đồng thuê lô sạp từ lâu, nên sau khi chợ hoàn thành họ lo ngại không được quay vào chợ buôn bán.

DSCN0027

Đường chợ ngày nay đã thông thoáng với bề ngang 6m, thuận tiện lưu thông. Ảnh: Trần Trung.

“Do số hộ kinh doanh bị ảnh hưởng lớn (66 hộ trong nhà lồng chợ cũ và dọc hai bên đường vào chợ) nên UBND xã phải mời các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng hàng chục lần để tuyên truyền, vận động và thống nhất phương án xây dựng. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương tiếp tục kinh doanh, xã đã chuẩn bị một khu vực làm chợ tạm. UBND xã sẽ có chính sách cụ thể cho bà con, trong đó ưu tiên những tiểu thương đang kinh doanh chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương khi ra chợ tạm cũng như về lại chợ mới.

Nhờ chủ trương hợp lòng dân, hầu hết các tiểu thương đều đã đồng tình ủng hộ, nhưng sau khi có thông báo của UBND xã (tháng 10/2013) về việc di dời đến vị trí mới thì có một số hộ không đồng ý, cá biệt có một hộ đòi nhiều yêu sách vô lý khiến thời gian thi công kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và gây khó khăn cho đơn vị thi công, sau thời gian kiên trì thuyết phục bất thành, UBND xã phải sử dụng biện pháp “mạnh tay” thì họ mới thỏa hiệp”, ông Trần Chí Công nhớ lại.

DSCN0050

Chợ ngày nay còn được đầu tư xây dựng các hạng mục về nước sạch, phòng cháy chữa cháy... Ảnh: Trần Trung.

"Sau thời gian dài triển khai xây dựng, ngày 31/1/2018 chợ Thiện Hưng chính thức bàn giao và đi vào hoạt động trong sự hân hoan của hàng trăm tiểu thương và chính quần nhân dân toàn xã. Chợ Thiện Hưng xây dựng trên nền chợ cũ với kinh phí trên 13 tỷ đồng. Theo thiết kế, chợ xây dựng trên diện tích 0,5ha, gồm 3 khu vực nhà lồng, khu sạp bán lương thực - thực phẩm, khu hải sản tươi sống, với 170 ki-ốt. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... được xây dựng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn về chợ nông thôn mới”, ông Trần Chí Công cho biết thêm.    

Hoạt động sầm uất bậc nhất

Đến chợ Thiện Hưng những ngày này, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước không khí mua bán tấp nập không chỉ của người dân địa phương mà còn có sự hiện diện của những người dân nước bạn Campuchia.

DSCN0169

Một góc chợ biên giới Thiện Hưng. Ảnh: Trần Trung.

Chị Nguyễn Thị Lụa, từng nhiều năm chở hàng sang bỏ mối bên nước bạn Campuchia tâm sự, do dịch Covid-19, sau gần 2 năm tạm nghỉ, chuyển sang nhiều công việc khác nhau, khi Campuchia bắt đầu mở cửa trở lại, chị cũng như hàng chục người chung hoàn cảnh rất phấn khởi, cố gắng chở được càng nhiều hàng hóa càng tốt.

“Nghề này cũng vất vả lắm, thức khuya dậy sớm đã đành, mà muốn có lời nhiều thì phải chất hàng càng nhiều càng tốt, chất hàng cao hơn người. Và càng chở đi xa, về các vùng nông thôn bên đó bán càng lời nhiều. Bình quân 1 ngày kiếm được từ 300 - 500 ngàn đồng”, chị Nguyễn Thị Lụa nói.

Empty

Chị Lụa chuẩn bị hàng hóa để bỏ mối bên nước bạn Campuchia. Ảnh: Trần Trung.

Dạo một vòng vào chợ mới thấy nhiều điều thú vị mà những ngôi chợ thuần nội địa khác không có. Đầu tiên là những chiếc xe máy biển số Campuchia dính đầy đất đỏ, cực dã chiến. Tất cả chúng đều đã được “độ” lại, gia cố thêm phần phuộc sau, bánh xe được quấn thêm những sợi dây thép nhằm tăng độ bám khi chạy trên đường đất đỏ, trơn trượt. Phía sau xe là một thùng chứa hàng cao vượt đầu người ngồi, rộng đến 2m. Bên trong chứa hàng trăm loại hàng hóa, như một cửa hàng tạp hóa di động. Điều thú vị khác nữa là người mua kẻ bán trao đổi với nhau bằng cả 2 ngôn ngữ Việt Nam và Campuchia, họ thanh toán bằng cả 2 loại tiền Việt và Campuchia. Ngay tại chợ cũng có chỗ đổi tiền Việt sang tiền Campuchia và ngược lại.

Bắt chuyện với một người đàn ông tên Lâm Chok, anh là một trong những thương lái người Campuchia chuyên sang chợ Thiện Hưng nhập hàng về để bán.  Anh Lâm Chok cho biết, hầu hết các phum sóc giáp với huyện Bù Đốp còn kém phát triển, địa hình trắc trở, giao thông khó khăn, người dân chủ yếu làm nương rẫy, chợ đò không có nên mọi đồ dùng sinh hoạt đều phụ thuộc vào những thương lái đưa hàng từ Việt Nam sang.

DSCN0068

Anh Lâm Chok phấn khởi khi giao thương hoạt động trở lại. Ảnh: Trần Trung.

“Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, hầu hết người dân đã chủ động nuôi trồng để tự cung tự cấp, khi trở lại bình thường mới sau dịch, chúng tôi rất cần nguồn hàng từ Việt Nam để cải thiện cuộc sống”, anh Lâm Chok nói.

Theo lời người đàn ông này, mỗi ngày anh sang chợ Thiện Hưng mua 2 đến 3 chuyến hàng chở về Campuchia bỏ mối lại cho các chợ ở tỉnh Mondulkiri và tỉnh Carache. “Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, chúng tôi còn sử dụng đồng tiền của nhau, nếu mua hàng Việt Nam chúng tôi trả bằng tiền Việt Nam và ngược lại để đảm bảo cho hàng hóa 2 bên trao đổi công bằng, ngoài mua bán chúng tôi còn trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giao lưu qua lại”.

DSCN0173

Những chiếc xe gắn máy được "độ" lại để tải hàng hóa chuẩn bị rời chợ biên giới Thiện Hưng. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Sỹ Quốc, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, việc thông thương tại chợ đã có từ rất lâu, do đó tiểu thương 2 bên đa phần đều biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia nên việc mua bán vô cùng thuận lợi, hàng hóa của bạn đưa đến đây chủ yếu là cá trê, xoài, nước giải khát. Còn các bạn hàng Campuchia sang đây cũng mua rất nhiều mặt hàng Việt Nam, từ dầu ăn, bột ngọt đến bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm.

“Trung bình mỗi ngày giá trị giao giao dịch hàng hóa của chợ khoảng trên 2 tỷ đồng, có thể khẳng định, chợ đã thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế vùng biên mậu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở vùng đất biên cương của Tổ quốc, tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của xã biên giới, góp phần xây dựng vững mạnh thế trận xã biên giới gắn với xây dựng NTM của huyện Bù Đốp”, ông Nguyễn Sỹ Quốc nhấn mạnh.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.