| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 20/03/2021 , 08:32 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 08:32 - 20/03/2021

Chuyện về phim

Một mình, vẫn đi xem phim. Không cưa sừng làm nghé, không trào lưu không chạy theo thị hiếu gì cả.

 Ấy là thói quen, xem phim điện ảnh là phải đến rạp, còn đến rạp được gì so với thuê phim về xem ở nhà qua ti-vi màn hình lớn, miễn tranh luận. Ấy là miễn bàn với những người không đánh giá đúng lợi ích mọi nhẽ của cái rạp phim.

Váy áo lịch sự, từ nhà đến cụm rạp gần nhất bằng xe máy, quá tiện còn mong gì hơn. Một vé cộng với bắp và Coca Cola, bằng hai tô phở Pasteur, vẫn rất rẻ. Mùi Mỹ ở trong rạp, có lẽ do bắp rang bơ, âm thanh đỉnh, cam đoan rạp phim ở Việt Nam giờ hơn đứt các nước châu Âu già cỗi, là vì rạp mới, quá mới, vậy thôi.

Nên luôn thích đến rạp dù một mình. Ký Sinh Trùng nhé, xem xong ngậm ngùi ngẫm nghĩ mãi. Hai Phượng của Ngô Thanh Vân nhé, mãn nhãn hành động và chát chúa âm thanh, trong dòng phim này, nó có tố chất Hollyood. (Nhớ Dòng Máu Anh Hùng, hương vị hay của nó còn mãi đến giờ).

Mắt Biếc nhé, xem xong, biết các con cũng đã xem, chỉ để nói rằng “Với mẹ, mắt không biếc gì cả!”. Vẫn kiên trì đi rạp.

Tiệc Trăng Máu trước Tết âm lịch của Nguyễn Quang Dũng nhé, dù là kịch bản remake của Ý và Hàn, nhưng kịch bản như thể đo ni đóng giày của dàn diễn viên đáng tin cậy của đất Sài Gòn: Thái Hòa, Hứa Vỹ Văn, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn…Được à nha, hay kiểu Việt Nam à nha.

Bố Già thôi thúc. Không phải vì cả tháng Giêng ai cũng nhịn phim, nằm nhà bởi Covid. Bởi vì bắt đầu có cảm tình lớn với điện ảnh made in Việt Nam.

Như hóng gạo ST 25, như nhìn thấy bông bần ai đó post lên facebook, như được tin kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa vừa thêm giành giải Quốc tế, như bức tranh của họa sĩ Việt nào đó vừa được khuân với giá hàng triệu đô, như cầu thủ của ta được mời đi làm ăn ở nước ngoài, như cuốn sách văn chương của bạn bè vừa được dịch ở đâu đó.

Nỗi khắc khoải có thật bởi vì đất nước chúng ta lẹt đẹt không ra làm sao hầu như mọi lĩnh vực. Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ, ấy là câu khấn, câu than, câu nài và cả câu nguyện của những người biết sốt ruột với quê hương, đất nước.

Trấn Thành đáng để kỳ vọng vì cậu ấy đa tài, luôn luôn tự học để nâng mình lên. Cùng với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, tôi tin đôi này nhất định sẽ làm nên chuyện.

Bối cảnh Sài Gòn hẻm chao ơi, đặc trưng không thể tả, con hẻm cạn, nhà cửa không theo trật tự nào, con nít hồn nhiên như chim như sóc và triều cường ngày hai cữ viếng thăm, xe máy vọt qua có thể té nước lên một người đang ngồi xổm trên thềm nhà.

Không đâu có cảnh này như hẻm Sài Gòn. Một bữa tiệc của gia tộc ngang nhiên chiếm hẻm, ăn uống bia bọt hồn nhiên như chim như sóc và rồi, một nhân vật sốc xuất hiện, quậy quạng tan tành.

Bây giờ thì không khí gia tộc kiểu bình dân Nam bộ bắt đầu cuốn khán giả đi trong bi kịch xà quần: yêu và ghét; bao bọc và quẫy đạp; ôm đồm và xâu xé; can gián và bạo hành; riết róng và khoan dung, hy sinh và vị kỷ…

Khán giả im lặng ra về. Sự im lặng do cảm xúc kéo dài, không thể nói bằng lời và cũng không vội nói ra làm chi. Một câu hỏi cho mỗi người vì ai cũng có cha, có gia tộc để nghĩ ngợi.

Nhiều bạn bè của tôi một mực hoài nghi khi số tiền của phòng vé cho Bố Già lập kỷ lục chưa từng có với phim Việt. Họ nhất định không chịu đến rạp. Và họ nhất định phải phán, phải chê như thể, có làm như vậy thì mới chứng tỏ ta đây đẳng cấp, kén chọn, đáng tin.

Lạ thật, như với một cuốn sách, với văn chương Việt trong nước, thật sự ít ai dễ dàng mở lòng khen sớm một tác phẩm nào. Để đến khi sách ấy bị tai nạn (cấm phát hành hay cấm in) họ mới tìm đọc và ngớ ra: sách hay thật mà (hoặc là, sách có gì đâu mà cấm nhỉ?).

Xin hiểu rằng, nên có hiều dòng phim cho mọi đối tượng khán giả. Lấy Song Lang làm ví dụ, ê kíp của phim này từ trong ý nghĩa đã kiên định mục tiêu đắng cấp kiểu Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng.

Tôi đặt họ ở tầm khác để ngưỡng mộ, loaị kén khán giả này cứ đi vòng vòng ngoài biên giới quốc gia nhặt giải thưởng và rồi quay lại trong nước, có thương hiệu rồi sẽ nhấc khán giả lên.

Có muộn cho khán giả Việt không? Có lẽ không thể nôn nóng với số đông đến rạp chỉ để giải trí, đành vậy, một biển người không đọc sách lấy đâu văn hóa cao, nói gì đến văn minh?

Có thiệt cho những người yêu nước bằng điện ảnh không, đặt chữ thiệt hơn ở xứ này e sẽ giống như nắng như gió ở đây, nó tồn tại và không cần biết người ta có để ý đến nắng và gió hay không, vì người ta mãi để tâm việc khác.

Cái gốc buồn ở là ở chỗ này, nếu cứ mãi khệnh khạng chê mãi khệnh khạng buồn.