| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về rừng cấm nghìn tuổi và 'hùm xám' đại ngàn Cốc Ly

Thứ Bảy 22/12/2018 , 13:15 (GMT+7)

Ở vùng cao Lào Cai, cho đến nay vẫn còn tồn tại những khu rừng già, rừng cây gỗ quý không hề bị xâm hại, được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân gọi đó là những khu “rừng cấm”, “rừng thiêng”, hay còn gọi là rừng tín ngưỡng.

Rừng thiêng

Ngôi nhà gỗ của anh Bàn Văn Bình, Dân tộc Dao, Trưởng thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly nằm bên sườn núi, từ đây có thể nhìn ra phía trước là đỉnh núi xanh thẫm với những cây cổ thụ cao vượt hẳn lên, cắt hình xanh đen trên nền trời.

09-58-33_1
Nhờ tín ngưỡng bảo vệ rừng mà những rừng nghiến ở xã Cốc Ly được bảo vệ nghiêm ngặt

Chỉ tay về phía đỉnh núi, anh Bình bảo những cây cổ thụ đó là cây trai, cây nghiến đã có hàng trăm năm tuổi, còn khu rừng đó cũng không biết có từ bao giờ, gọi là khu rừng cấm của thôn. Mặc dù tồn tại đã lâu nhưng rừng nghiến ở thôn Cốc Sâm được đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Mông bảo vệ rất nghiêm ngặt. Trong rừng có hai bàn thờ đá là nơi diễn ra các nghi thức cúng rừng và cúng các vị thần linh, vừa để tạ ơn các vị thần, vừa cầu mong thần linh phù hộ cho quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân có cuộc sống bình yên.

Theo lời anh Bình thì từ nhiều đời trước, với tín ngưỡng thờ cúng thần rừng và các vị thần linh, người Dao ở thôn Cốc Sâm đã lập nên một bàn thờ đá trong rừng nghiến và thường xuyên tổ chức các nghi lễ cúng tạ ơn thần rừng. Còn từ khi người Mông chuyển đến Cốc Sâm định cư cũng lập một bàn thờ đá khác trong rừng cấm và cúng thần rừng theo nghi lễ chung của thôn.

Đầu năm có lễ cúng rừng vào ngày mùng 1 Tết và ngày Rằm tháng Giêng, tiếp đó có thêm lễ cúng vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch, cuối năm cũng có lễ tạ ơn thần rừng vào cuối tháng 12 âm lịch. Trong các nghi lễ cúng đó, các hộ dân đều chuẩn bị đầy đủ lễ vật là các sản vật gia đình làm ra đem vào dâng cúng trong bàn thờ đá.

Theo quan niệm của đồng bào Dao, Mông ở đây, rừng cấm là nơi linh thiêng, ai xâm phạm sẽ bị thần rừng trừng phạt. Theo hương ước của thôn, ai tự ý vào rừng cấm chặt cây, kể cả cây khô cũng sẽ bị làng phạt thật nặng với 50 kg thịt lợn, 20 kg gạo, 20 lít rượu, 2 con gà… để làm lễ tạ tội với thần rừng.

Tín ngưỡng thờ thần rừng đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống và trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân ở đây, vừa góp phần bảo vệ rừng, vừa là sợi dây vô hình cố kết các thành viên trong cộng đồng. Từ nhiều năm nay, đồng bào Dao, Mông đều nhất mực “chung thủy” với rừng, vì thế rừng trai, nghiến ở thôn Cốc Sâm được bảo vệ ngày càng xanh tốt.

09-58-33_3
Đồng bào Dao tuyển thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly luôn có ý thức bảo vệ và phát triển rừng

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn khu vực Cốc Ly, cho biết, trên địa bàn xã Cốc Ly hiện có trên 259ha rừng gỗ trai, nghiến, với 828 cây nghiến cổ thụ có đường kính từ 40cm trở lên được đánh số để theo dõi, bảo vệ. Rừng nghiến Cốc Ly không tập trung ở một chỗ, mà phân tán thành nhiều khu vực khác nhau như ở Cốc Sâm, Làng Đá - Sín Chải, Làng Bom, Làng Pàm, Nậm Ké, Thẩm Phúc.

Gắn bó với xã Cốc Ly 4 năm qua, tôi biết nhiều rừng gỗ quý ở đây chính là những khu “rừng cấm”, “rừng thiêng” của đồng bào các dân tộc, nên được cả cộng đồng chung tay bảo vệ. Kẻ xấu dù gian manh đến mấy, cũng không thoát được tai mắt của bà con ở khắp nơi. Trong những năm trước vẫn xảy ra một số vụ kẻ xấu vào khai thác lâm sản trái phép, nhưng tin vui là năm 2018 chưa xảy ra vụ vi phạm nghiêm trọng nào.
 

Gặp “hùm xám” của đại ngàn

Nghe anh Toàn nói chuyện, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: “Rừng núi Cốc Ly mênh mông vậy, ngoài những khu rừng cấm “bất khả xâm phạm” thì còn những khu rừng khác nữa, làm thế nào để bảo vệ hết được những “kho báu” giữa đại ngàn này?”.

Anh Toàn chia sẻ thêm: Chính vì địa bàn rộng, rừng núi cheo leo, hiểm trở, nên công tác bảo những khu rừng này vô cùng gian nan. Gỗ nghiến, gỗ trai là những loại gỗ quý, luôn bị kẻ xấu rình rập, tìm cách “xẻ thịt” để bán kiếm tiền. Mặc dù lực lượng kiểm lâm ngày đêm không quản khó khăn, căng hết sức ra cũng khó lòng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho từng cây nghiến. Cùng với sức mạnh từ tín ngưỡng thờ thần rừng của bà con, thì năm 2017, Tổ Bảo vệ rừng gỗ trai, gỗ nghiến xã Cốc Ly được thành lập với 16 thành viên, là những người luôn tận tâm, tận lực, dám “xả thân” bảo vệ đại ngàn.

Qua giới thiệu của anh Toàn, chúng tôi tìm gặp ông Bàn Văn Sinh, người Dao Tuyển, vẫn được mệnh danh là “hùm xám” của rừng nghiến Cốc Ly. Mấy năm qua, chỉ nghe tên ông, nhiều đối tượng lăm le khai thác gỗ nghiến đều phải e ngại. Năm nay 51 tuổi, tóc đã bạc, một mắt đã mờ, nhưng ông Sinh vẫn khỏe chẳng khác gì trai tráng, dáng người thấp, đậm, chắc nịch như một khúc gỗ nghiến già. Nhiều năm trước, ông Bàn Văn Sinh tham gia Tổ công tác bảo vệ rừng xã Cốc Ly, từ năm 2017, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ phó Tổ Bảo vệ rừng gỗ trai, gỗ nghiến xã Cốc Ly.

09-58-33_5
Ông Bàn Văn Sinh luôn tận tâm với công việc bảo vệ rừng

Là người sinh ra và lớn lên gắn liền với đại ngàn Cốc Ly, ông Sinh thông thạo địa hình, nắm rõ vị trí từng cây nghiến trong những khu rừng mênh mông. Trên chiếc xe máy cũ nát là “người bạn” rong ruổi trên các chặng đường dốc đá cheo leo đi kiểm tra các thôn, bản, ông Sinh đưa tôi đi thăm cây nghiến “tổ” 1.000 năm tuổi, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2014. Vừa lái xe trên con đường mòn vào rừng, ông Sinh vừa kể những kỷ niệm trong nhiều lần một mình tuần tra, săn đuổi kẻ xấu vào rừng cưa gỗ nghiến.

“Lần ấy đã 1 giờ sáng tôi được bà con thông báo có bóng người lạ xâm nhập vào rừng nghiến Cốc Sâm. Mặc dù đêm tối và sương mù, tôi vẫn một mình cầm đèn pin theo con đường mòn ngược dốc vào rừng. Sau một hồi tuần tra, nghe ngóng, tôi rình phát hiện và “tóm gọn” đối tượng Ma Seo Dơ đang chuẩn bị dùng cưa cắt rễ nghiến để bán thớt. Một lần gần nhất vào năm 2017, khi đang tuần tra trong rừng nghiến ở thôn Thẩm Phúc, tôi cũng phát hiện và bắt giữ đối tượng Tráng A Sếnh đang cắt nu nghiến bằng cưa tay. Có lần tôi truy đuổi một số đối tượng khai thác gỗ nghiến ở khu vực Làng Pàm phía bên kia hồ Cốc Ly, bọn chúng bỏ chạy nhưng vẫn còn lên tiếng hù dọa sẽ trả thù tôi vì dám cản trở công việc của chúng”.

09-58-33_6
Ông Bàn Văn Sinh vẫn được mệnh danh là “hùm xám” của rừng nghiến Cốc Ly

Những câu chuyện có thật mà ông Sinh kể về việc một mình truy bắt lâm tặc bảo vệ rừng nghiến thật ky kỳ, hấp dẫn chẳng khác gì trong phim. Khu vực rừng nghiến ở Làng Bom, Làng Pàm, Làng Đá - Sín Chải bên kia hồ Cốc Ly, địa hình hiểm trở, đường đi gian khó, ít dấu chân người, nhưng tuần nào ông Sinh cũng tuần tra từ 3 - 4 lần, không cho bọn lâm tặc có cơ hội “xẻ thịt” những cây nghiến quý. Từ năm 2013 đến nay, ông Sinh đã bắt được 5 vụ khai thác lâm sản trái phép, giao gần chục đối tượng vi phạm cho lực lượng kiểm lâm và công an xử lý. Sự dũng cảm và những nỗ lực không mệt mỏi của ông cùng những thành viên trong Tổ Bảo vệ rừng gỗ trai, gỗ nghiến xã Cốc Ly” đã góp phần giữ cho rừng nghiến thêm xanh.

Hôm nay, đứng bên gốc nghiến cổ thụ 1.000 năm tuổi đã được chứng nhận là “Cây Di sản Việt Nam”, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống của đại ngàn và sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên hùng vĩ.

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).