| Hotline: 0983.970.780

Có ai còn đốt lá nấu cơm không?

Thứ Sáu 11/12/2020 , 10:38 (GMT+7)

Khi ánh chiều hắt lên những tia vàng vọt cuối ngày, khi mùi cơm trên bếp nhà ai vừa chín tới thoảng bay theo gió khiến tôi nhớ quá tuổi thơ tôi.

Khói bếp một thời thương nhớ.

Khói bếp một thời thương nhớ.

1.

Cánh bèo trôi nổi đưa tôi trôi dạt nhiều nơi, khắp chốn rồi neo lại ở một góc nhỏ của thị trấn miền biển cuối trời Tổ quốc. Nhiều lúc tôi cứ chạnh lòng, tủi thân vu vơ khi nhìn đám nhỏ chơi nhởi trước nhà rồi tự hỏi: “Sao mình không có một tuổi thơ yên bình hơn một chút?”Tự hỏi rồi ngay lập tức tự trách mình cầu toàn, tham lam. Tuổi thơ tôi không bay bổng thần tiên nhưng chẳng phải tôi đã được sống trong hơi ấm của tình yêu thương đấy sao? Dù cho hơi ấm ấy không trọn vẹn theo cái nghĩa của một gia đình!

Chiều nay, những cánh cò miền Tây đậu trắng bờ vuông tôm đưa tôi về vùng Kinh Bắc xa xôi, nơi tuổi thơ tôi từng trôi qua nhẹ êm như nhịp thở, ngọt ngào và ấm áp như câu chuyện cổ tích bà kể cho chị em tôi mỗi khi mẹ vắng nhà tần tảo ngược xuôi theo những chuyến buôn may rủi.

Bà tôi lưng còng mắt mờ, da trổ đồi mồi, mái tóc màu sương nhưng vẫn tinh anh, minh mẫn vô cùng.Ở tuổi bà rấthiếm người được như thế.Nhà bà tôi giữa xóm, căn nhà gỗ cổ có tứ đại đồng đường. Lối vào nhà bà rất nhỏ, hai bên là hai hàng xoan mùa xuân xanh lá ken đầy hoa tím ngắt, mùa hạ thả những chùm quả xoan chi chít,mùa thu vàng lá rụng rơi,mùa đông cây xoan như một nhà tu hành trầm mặc đứng giữa trời.

Mẹ hay vắng nhà, ba chị em đi học về hay lủi thủi kéo nhau sang nhà bà. Bà thương mấy đứa cháu bị bố bỏ rơi nên hết dạ thuơng yêu, thức gì cũng để dành cho:Quả na vừa mở mắt chín thơm tho; quả hồng xiêm vừa kịp mềm, kịp ngọt; quả ổi lòng đào hay quả trứng gà vừa vàng ửng…Bà hái chúng đặt vào cái rá tre rồi lọc cọc chống gậy sang cháu, gọi ới ời từ cổng:“Ới cái Hà, cái Hằng, thằng Trung ra đây bà chia quà.”Tuổi thơ chúng tôi đã được dưỡng nuôi từ những trái cây ngọt lành của bà. Bà chia quà từ đứa bé nhất đến đứa lớn nhất. Tuổi nhỏ nào đâu tôi đã kịp hiểu được chị lớn phải nhường em nhỏ, nên tôi hay phụng phịu, rấm rứt khóc hờn,bởi bà chia quà ít nhất lại nghĩ là bà thuơng mình ít nhất.

Vườn nhà bà rộng lắm, có bao nhiêu là cây trái. Nào bưởi, nào na, nào hồng, nào táo và có cả một cây mận quả tím lấy giống tận miền Nam. Chị em tôi hay chơi dưới gốc mận toả tán xanh râm mát. Bà có nhiều cháu chắt, nhưng bà dành tình cảm cho ba chị em tôi nhiều nhất, tôi nhận ra rất rõ điều ấy. Mỗi khi có quả chín cây bà lại bảo cháu chắt:“Nhà các cháu có đầy rồi, nhường cho bọn thằng Trung.” Từ bé tôi đã vốn còi cọc, yếu đuối, hay giận dỗi, mau nước mắt, còn Hằng và Trung bụ bẫm, rất đáng yêu. Hai em hay cười hay nói, hiếu động chạy nhảy khắp vườn rồi thoắt cái trèo lên cây ổi, cây na, cây hồng tìm quả chín, còn tôi thì tách ra một mình lủi thủi nhặt hoa cau kết thành vương miện, vòng đeo cổ, đeo tay. Bà nhìn các cháu đùa chơi, miệngmóm mém cười hiền hậu rồi gọi đứa cháu đang lui cui kết hoa cau góc vườn:“Ởi, cái Hà trèo lên cây ổi mà vặt ổi chín không chúng nó vặt hết mất phần.” Tôi ngóc cổ bảo: “Bà ơi cháu chẳng ăn đâu”. Rồi tiếp tục tỉ mẩn với hoa cau, kết những chiếc vương miện,hồi bé tôi đã ước mình là công chúa trong truyện cổ tích, ước ao ấy len lỏi cả vào những giấc mơ tôi. Bà chép miệng thở than:“Con bé này lớn lên rồi khổ mất thôi…”

2.

Tôi nhớ bà lắm, nhớ làng Dục Quang của tôi lắm.Nhớ cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà bà hai bên lối đầy cây xoan. Nhớ ngôi nhà nhỏ của mẹ con tôi có mảnh vườn mẹ trồng bao nhiêu là thứ rau xanh: rau đay, rau mồng tơi, rau ngót và một ít cây kinh giới, tía tô…Tôi hay tranh một khoảnh đất nhỏ trong vườn rau của mẹ mà xới tung lên, ghim vào đấy bao nhiêu là hoa hoặc là tôi xin giống được, hoặc là tôi lén nhổ trộm ở vườn hoa gần nghĩa trang, hoặc là một ít cây hoa dại tôi thấy hay hay bên vệ đường. Chen chúc khoảnh đất nhỏ ấy có biết bao là hoa: Hồng, thược dược, cúc đại đoá, xuyến chi, violet, hắc quỳ…Góc vườn bé tí của tôi bốn mùa nở hoa dù ngày đông tháng giá hay mùa hè rực lửa…Có lẽ do tôi trồng đủ loại hoa của cả bốn mùa…

Mẹ hay chải tóc trước hiên nhà, tóc mẹ mượt mà lụa là trộn lẫn hương hoa. Ngồi học trong nhà mỗi lúc nhìn mẹ chải tóc tôi cứ ngẩn ngơ. Mẹ tôi đẹp lắm, mắt to tròn với hàng mi vút cong, môi thắm đỏ nhỏ nhắn, dáng cao cao thon thon…Tôi cứ ước mình giống mẹ. Tôi và Hằng giống cha, còn út Trung giống mẹ…

Tôi chưa thấy ai khổ như mẹ tôi. Cuộc đời bé mọn của mẹ bị sóng gió cuộc đời xé cho tơi tả như cái tàu lá chuối sau cơn bão động. Mẹ tần tảo sớm nắng chiều mưa ngược xuôi với những chuyến buôn ngô, khoai, sắn, lạc…Cuộc mưu sinh vất vả mẹ lặn lội như cái cò, cái vạc, cần mẫn như con ong, cái kiến.Cách mẹ dạy chúng tôi cũng lạ lùng hơn các bà mẹ khác. Mẹ treo một ngọn roi mây ở góc nhà nhưng chưa bao giờ mẹ đánh chúng tôi.Mẹ dạy chúng tôi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh và sự tự lập.

Có lần tôi và Trung đi kiếm rau lợn ở cánh đồng ngô trên bãi Sông Lô. Cánh đồng tới mùa ngô mẩy hạt căng sữa. Nghĩ đến những bắp ngô ngát hương, ngọt bùi, nóng hổi vừa chín tới tôi bỗng thèm không chịu được và nảy ra lòng tham ăn trộm ngô. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn trộm thứ không phải của mình: Tôi đã bẻ 6 bắp ngô! Cánh đồng ngô rộng lớn ấy bọn trẻ con vẫn hay ăn trộm như thế. Mang ngô về nhà tôi hí húi lột vỏ bỏ vào nồi, hai chị em định nhúm lửa thì mẹ về. Mẹ hỏi:“Ai cho con ngô?”. Tôi chưa kịp nói dối thì út Trung đã líu lo: “Chị Hà bẻ trộm của người ta đấy mẹ ạ. Mẹ yên tâm không ai nhìn thấy chị ấy ăn trộm”. Mẹ quát như muốn khóc: “Ai cho con làm thế hả Hà? Ai cho con tập cho em ăn trộm. Cái thứ ăn trộm xấu xa lắm con biết không?”. Mẹ cầm roi mây vung lên, tôi oà khóc, mẹ buông thỏng chiếc roi… 

Mẹ vớt mấy bắp ngô bỏ vào một cái rá tre, rồi bảo tôi theo mẹ. Mẹ dắt tôi đến nhà chủ đồng ngô xin lỗi người ta rồi trả tiền mấy bắp ngô. Chủ nhà tốt bụng sởi lởi chẳng nỡ mắng mỏ còn bênh tên ăn trộm là tôi. Họ còn cho thêm độ mươi bắp ngô nhưng mẹ nhất định không nhận mà xin mua mấy chục ngô, mẹ bảo:“Cảm ơn các bác, tôi phải dạy lại cháu. Các bác thông cảm con dại cái mang”.

Về nhà mẹ không mắng nữa mà chụm lửa luộc ngô gọi 3 chị em ngồi trên chiếc chiếu hoa dưới dàn thiên lí râm mát kể chuyện cho chúng tôi nghe chờ ngô chín. Mẹ vừa kể vừa khóc, 3 đứa tôi vừa nghe vừa khóc, tôi cứ bó gối khóc rấm rứt mãi… Chuyện kể về một chú bé mồ côi.

Ngô chín mẹ chọn những bắp ngon nhất bóc vỏ, thổi cho bớt nóng rồi phát cho từng đứa rồi rót nước luộc ngô vào một cái ca to, mẹ bảo uống nước ngô vừa mát vừa ngọt. Buổi trưa hôm ấy tôi đã được ăn những bắp ngô ngon nhất trong đời. Đó cũng là bài học đầu tiên về lòng tự trọng mà mẹ dạy cho chúng tôi.

3.

Tuổi thơ tôi thích mùa thu lá rụng. Chẳng phải mơ mộng lãng mạn gì cho cam.Có tí tuổi đầu đã biết thế nào là lãng mạn. Đơn giản vì mùa lá rụng chị em tôi tranh thủ xách chổi, xách bao ra ngoài đường đi vơ lá, quét lá trên đường cái quan. Nhà tôi không làm ruộng, không có rơm rạ để làm chất đốt nên cái đốt nhà tôi khan hiếm lắm, toàn phải tiết kiệm từng tí một. Quét lá cả mùa thu nhà chúng tôi có chất đốt cho cả mùa đông.

Mùa ấy còn là mùa các anh chị Phụ Trách Đội thành lập các Đội Thiếu Nhi ra đình làng tập văn nghệ, nghi thức đội để thi giữa các làng với nhau. Ai đã từng trãi qua những ngày ấu thơ ở miền quê Bắc Bộ chắc chẳng ai quên “mùa thiếu nhi” ấy. Hằng xinh xắn nên được chon rước ảnh Bác Hồ, đó là vị trí mà bất kì đứa bé nào cũng ước muốn được đứng nhưng nơi ấy chỉ dành cho những đứa bé bụ bẫm, đáng yêu thôi. Thú thực ngày ấy tôi cũng có khát khao bé xíu ấy, thích đến nổi đêm về nằm mơ thấy mình mặcváy hồng, tóc cột nơ hồng, chân đi đôi hài trắng, đầu đội tràng hoa cau cùng một đứa trẻ xinh xắn khác rước ảnh Bác Hồ… Nhưng vì hồi ấy tôi còi cọc lắm, lại đen nhẻm xấu xí nên toàn bị đứng cuối hàng. 

Tôi yêu mùa thu cũng bởi mùa ấy bưởi nhà và mấy cây bưởi lòng đào trong vườn nhà tôi chín rộ. Mùa ổi chín gọi chim về ríu ran náo động cả ban trưa. Tôi cứ rình lúc mẹ ngủ là tót ra vườn ngồi xuống thảm lá lặng im ngó lên vòm cao cây khế ngọt giữa vườn có đôi chim đang mớn mồi cho bầy con nhỏ. Tôi say sưa ngắm mà không biết mình đã khóc, đã ước mình là chú chim ở giữa tổ kia có đủ cha, đủ mẹ… Những chú chim non trong cái tổ nhỏ xíu mà ấm áp, an toàn kia…

Mùa trăng trong veo gối đầu lên đùi mẹ cả 3 chị em rúc rích cười thò ngón tay bé xíu vào lòng tay mẹ chơi “Chi chi chành chành”.

Mùa thu làm tôi nhớ nhiều thứ lắm…Nhớ cả cái bức tường rêu xanh nhà cụ Quý có đám dây leo tốt um cả 4 mùa xanh lá trổ những bông hoa li ti đỏ rực…Nhớ đám bạn thuở nhỏ chơi trò ú tim, tôi dại dột rúc vào đống rơm để kiến đỏ bấu vào cắn sưng người khóc ầm lên tức tưởi…

4.

Chiều nay khi cánh cò trắng đậu lại bên bờ vuông tôm miền Tây, khi ánh chiều hắt lên những tia vàng vọt cuối ngày, khi mùi cơm trên bếp nhà ai vừa chín tới thoảng bay theo gió khiến tôi nhớ quá tuổi thơ tôi. Nhớ làng tôi hiền lành như cổ tích, nhớ ngôi nhà có khu vườn nhỏ mẹ thường chải tóc bên hiên… Mẹ tôi một mình nằm lẻ loi bên dòng sông uốn quanh ngôi làng đã hơn 5 năm nay… Như chạm vào kỉ niệm, như chạm vào phần đời trong trẻo của tôi ngỡ đã phủ bụi thời gian…

Bà tôi lưng còng da trổ đồi mồi, tóc cước đã đến cái tuổi gần đất xa trời vẫn minh mẩn, mỗi lúc nghe điện thoại của đứa cháu trôi dạt như lục bình vẫn bảo:“Hà ởi, mày có chiêm bao mẹ mày về không?”…Mẹ vẫn về trong những giấc mơ, mẹ vẫn đẹp xinh tóc dài chấm gót, vẫn nâng chúng tôi dậy sau những vấp ngã, vẫn mỉm cười khi chúng tôi thành công, vẫn dạy chúng tôi tự lòng tự trọng, kiêu hãnh mà sống giữa cuộc đời…Tự nhiên thèm quá một bắp ngô căng sữa nóng hổi mẹ luộc mà tôi vừa ăn vừa khóc vì thương mẹ, thương mình. Đó là lần ăn trộm duy nhất đời tôi…Tự nhiên thèm quá quả na vừa mở mắt bà đem lại.

Bây giờ tôi miên man những dòng đầu tháng Năm mà chợt ước đó là mùa lá rụng. Dù bây giờ có ai còn đốt lá nấu cơm đâu!?

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.