| Hotline: 0983.970.780

Agritechnica Asia Live 2022

Cơ giới hóa đồng bộ giải quyết 'mắt xích': Nông dân cần gì?

Thứ Tư 24/08/2022 , 15:18 (GMT+7)

Nông dân là đối tượng chính của quá trình cơ giới hóa đồng bộ. Doanh nghiệp cần xác định nông dân cần máy móc gì phù hợp với đồng ruộng để phát huy hiệu quả.

Cần xác định nông dân cần gì?

Hiện nay, số lượng, chủng loại máy và thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp đang tăng nhanh và đạt tỷ lệ khá cao. Cụ thể, trong trồng trọt tỷ lệ cơ giới hóa đã đạt 70 - 100%, lĩnh vực chăn nuôi đạt 55 - 90%, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các máy móc, thiết bị đã được ứng dụng sâu rộng. Hỗ trợ xu hướng cơ giới hóa là trên 7.800 doanh nghiệp cơ khí hiện có cả nước hiện nay, và hơn 270 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động cơ khí, trên 4.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Những kết quả trên được công bố tại Hội thảo "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững" tổ chức sáng 24/8 tại TP Cần Thơ. Hội thảo này nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện cơ giới Châu Á - Agritechnica Asia Live 2022.

Ảnh 1

Hiện nay thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp đang tăng nhanh, đạt tỷ lệ khá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Riêng tại ĐBSCL, là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, với giá trị sản xuất nông lâm thủy sản chiếm 45% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của quốc gia, đòi hỏi phải đẩy mạnh cơ giới hóa góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá trị cho người nông dân.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ tín dụng, giúp nông dân có điều kiện ứng dụng máy móc vào nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cũng đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, làm cơ sở pháp lý để triển khai trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Ảnh 3

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định cơ giới hóa đồng bộ không chỉ là máy móc, mà toàn bộ quá trình đồng bộ ở các khâu sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

10 năm trở lại đây, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt thực hiện một số dự án khuyến nông Trung ương về lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, với mong muốn thúc đẩy phát triển lĩnh vực này phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, gia tăng chuyển giao, sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp để đạt các mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2050. Đặc biệt phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 nước hàng đầu thế giới.

Cơ chế chính sách đã có, vấn đề được Thứ trưởng Nam đặt ra là làm thế nào để đẩy cơ giới hóa đồng bộ ở khu vực ĐBSCL? Theo Thứ trưởng, công nghệ nhiều, nhưng quan trọng là phương pháp thực hiện công nghệ sao cho hiệu quả, phù hợp với sản xuất nông nghiệp của vùng.

Thứ trưởng định hướng, cơ giới hóa đồng bộ không chỉ là máy móc, đó chỉ là công cụ sản xuất. Cơ giới hóa đồng bộ cần được hiểu rộng hơn là toàn bộ quá trình ở các khâu từ sản xuất tới thu hoạch, sơ chế, chế biến, cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó có sự tích hợp công nghệ thông minh, công nghệ số. Đây là một quá trình đòi hỏi phải có sự tham gia của các thành phần Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, HTX, nông dân.

Ảnh 2

Tỷ lệ cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt đạt từ 70 - 100%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, đối tượng chính của quá trình cơ giới hóa đồng bộ là nông dân, vì vậy cần xác định nông dân cần máy móc, thiết bị gì để phù hợp với đồng ruộng để phát huy hiệu quả. Thứ trưởng khẳng định bản thân các doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết nông dân đang cần gì. Vì thế, mỗi doanh nghiệp cần hợp lực lại để xây dựng chuỗi giá trị, tổng lực tổ chức lại sản xuất qua hình thức HTX để có quy mô lớn.

“Hiện nay công nghệ máy móc trên lãnh thổ Việt Nam rất nhiều, hiện đại, nhưng quan trọng làm thế nào để nông dân sử dụng hiệu quả. Từng khâu trong sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực

Theo thông tin từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), mức độ cơ giới hóa hiện chỉ mới tập trung ở một số khâu, áp dụng với một số sản phẩm chủ lực, chưa đồng bộ chuỗi quá trình sản xuất. Có thể khẳng định, mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp đã bao trùm các khâu trong sản xuất, lợi ích cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, tốc độ tăng này lại đang “nghịch” với chỉ số chung về tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp.

Ảnh 4

Cần có chính sách thu hút sinh viên theo học chuyên ngành cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, các loại máy được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 20 - 30% thị trường.

Nhìn thực tiễn từ máy gặt đập lúa liên hợp, trong tổng số hơn 15.000 chiếc đang hoạt động ở khu vực ĐBSCL đa phần là máy “ngoại”. Thiết bị được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... đồng nghĩa chi phí mua máy móc sẽ tăng cao, khiến nông dân khó, thậm chí e ngại đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, đào tào nguồn nhân lực phục vụ tiến trình cơ giới hóa đóng vai trò quan trọng. Thực tế, cả nước chỉ có 2 khoa Cơ khí thuộc hai trường Đại học Nông nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM đào tạo và có sinh viên theo học chuyên ngành cơ khí nông lâm. Bức tranh đào tạo kỹ sư và sau đại học chuyên ngành cơ khí nông nghiệp nếu nhìn tổng thể còn rất hạn chế.

Thêm vào đó, nhu cầu đào tạo ngành chưa cao và nhiều bất cập. Công nghệ thay đổi nhanh trong khi chương trình và thiết bị giảng dạy hầu như ít cập nhật, do đó các thiết bị trở nên lạc hậu, không theo kịp sản xuất ngoài thực tế.

Với thực trạng ngành cơ khí nông nghiệp, trình độ cơ giới hóa nông nghiệp đang thấp, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và yêu cầu phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Huy Bích cho rằng, cần thiết phải có một chính sách hợp lý để hỗ trợ người học ngành cơ khí nông nghiệp, thu hút sinh viên vào ngành cơ khí nông nghiệp.

Mở rộng ra, PGS.TS Nguyễn Huy Bích kiến nghị nên có một đầu mối đóng vai nhạc trưởng chỉ huy toàn bộ công tác cơ giới hóa nông nghiệp tại những vùng trọng điểm nông nghiệp và cả nước, xây dựng được chính sách thống nhất để phát triển ngành cơ khí máy nông nghiệp, tạo đà cho việc áp dụng cơ giới hóa và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Huy Bích băn khoăn, trong năm 2011 không có thí sinh nào đăng ký học ngành cơ khí nông nghiệp. Nguyên nhân ngành học này “ế” là do chưa hấp dẫn và công tác hướng nghiệp ngành nghề chưa tốt. “Nhiều bậc phụ huynh và học sinh đều có tâm lý cho rằng học Nông - Lâm ra trường sẽ xuống ruộng, lội bùn, làm các công việc chân lấm tay bùn”, PGS.TS Nguyễn Huy Bích phân tích.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.