| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa nông nghiệp và tiền đề từ những cánh đồng đi mượn

Thứ Ba 19/12/2023 , 06:30 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giảm sức lao động và nâng cao hiệu quả canh tác cho bà con.

Nông dân Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nông dân Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch nông sản, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả canh tác, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Điển hình có thể nhắc đến mô hình hoạt động của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa (huyện Phú Bình) mượn ruộng đất của các hộ dân để tạo vùng sản xuất quy mô lớn, đưa máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm.

Với mong muốn xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, năm 2022, ông Đào Xuân Hòa (xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã đứng ra tập hợp một số hộ dân để thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa và đặt trụ sở tại xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Hoạt động chính của HTX là sản xuất, cung ứng dịch vụ và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp.

Ngay sau khi thành lập, HTX đã phối hợp với địa phương vận động các hộ gia đình có đất trồng lúa trên địa bàn xã Thanh Ninh cho mượn hơn 10ha ruộng. Đồng thời liên kết với các hộ dân tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh để sản xuất lúa, ngô, rau màu với tổng diện tích gần 300ha.

Ông Đào Xuân Hòa cho biết, vụ xuân năm 2023 là vụ lúa đầu tiên HTX triển khai sản xuất trên diện tích 10ha đất mượn của người dân. HTX đã đầu tư trồng giống lúa Dự Hương 8. Việc sản xuất được áp dụng theo nguyên tắc “3 cùng” là cùng giống, cùng trà, cùng phương pháp canh tác. HTX cũng liên kết với các cá nhân, HTX khác trong và ngoài tỉnh để đưa các loại máy móc vào sản xuất (như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật...) vào làm dịch vụ nhằm giảm chi phí đầu tư mua máy móc, thiết bị.

“Nhờ canh tác trên diện tích lớn, áp dụng đồng bộ các biện pháp tiên tiến vào sản xuất, năng suất lúa vụ đầu tiên của HTX đạt 2,7 tạ thóc tươi/sào (360m2). Với việc cho HTX mượn ruộng để sản xuất, bà con nông dân vẫn thu được 150kg thóc tươi/sào/vụ”, ông Đào Xuân Hòa thông tin.

Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa đã giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giảm sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.

Nếu như trước kia, mỗi khi vào vụ thu hoạch, gia đình bà Ma Thị Thơm (xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để thuê người về gặt 1 mẫu ruộng lúa thì vài năm trở lại đây, nhờ sử dụng máy gặt đập liên hợp, chỉ sau 1 giờ, toàn bộ diện tích ruộng của gia đình bà Thơm đã được thu hoạch xong.

“Kể từ khi ứng dụng máy móc, người dân chúng tôi có thể tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí sản xuất. Ngoài ra, không chỉ ở khâu thu hoạch, khâu làm đất cũng có thể sử dụng máy cày, máy bừa để đẩy nhanh tiến độ sản xuất cho kịp khung thời vụ. Nhờ có máy móc, bà con cũng giảm được công việc đồng áng nặng nhọc”, bà Thơm bộc bạch.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, để tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hiện nay, bà con nông dân ở các địa phương đã và đang tập trung canh tác trên cánh đồng lớn, cấy cùng trà, cùng giống, thu hoạch cùng thời điểm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất.

Ngành chức năng cũng tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm, xây dựng nền nông nghiệp ngày càng hiện đại...

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.