Sáng 20/12, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị "Thị trường Halal khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội" với sự tham gia của nhiều đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hiệp hội và một số Đại sứ các nước ở Việt Nam cũng như Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.
Khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới).
Các nước Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới, khoảng 470 tỷ USD năm 2018, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á - Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Quy mô thị trường thực phẩm Halal thế giới dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1%, dự kiến đạt 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới. Có nhiều người không theo đạo Hồi có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal do các sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, thị trường Halal đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh ở khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông, châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.
Theo diễn đàn Halal thế giới, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD và nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này sẽ đạt từ 1.200 - 2.000 nghìn tỷ USD/năm.
"Theo dự báo, quy mô của thị trường Halal sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những năm tới, có thể đạt 15 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Tuy nhiên, hiện còn khoảng trống lên đến gần 80% giữa nhu cầu và nguồn cung sản phẩm Halal trên thế giới", ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Việt Nam có lợi thế sở hữu nguồn nguyên vật liệu thô dồi dào như: cà phê, gạo, các sản phẩm chế biến, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả... Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ đạo và có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal tại khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho rằng, với thị trường Halal, Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn "phá đá mở đường", chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể trong "miếng bánh" khổng lồ trên. Mỗi năm, mới chỉ có khoảng 50 công ty Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal.
"Chúng ta cũng chỉ mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với tiềm năng", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Dũng cũng lưu ý Việt Nam cũng đã trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, đẩy xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm Halal. Ngay tại thị trường nội địa, nhu cầu về sản phẩm Halal cũng ngày càng tăng khi người nước Hồi giáo nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm việc, học tập ngày càng đông và cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam cũng ngày càng đông đảo.
"Tôi rất vui khi được biết, một số doanh nghiệp lớn như TH True Milk, MH Group, Massan, Trung Nguyên, Vena Green... đã bước đầu có hoạt động thành công tại các thị trường này tại khu vực Đông Nam Á - Nam Á – Nam Thái Bình Dương. Đây là những động lực, tín hiệu lạc quan để chúng ta càng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của ngành thực phẩm Halal", Thứ trưởng Ngoại giao chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, tiếp cận thị trường Halal cần đến sự tôn trọng, thấu hiểu những giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng cần đến sự cam kết và niềm tin vững chắc.
Cần hiểu rằng mỗi sản phẩm của nền nông nghiệp Việt có thể được xem là chiếc cầu nối của sự thông hiểu và tôn trọng, gắn kết những người sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam với những người bạn, những đối tác ở các thị trường Hồi giáo. Quan điểm tiếp cận cầu thị, tôn trọng với thị trường Halal, đồng thời mở ra giá trị mới, định hướng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Để có thể tiếp cận và khai thác thị trường khổng lồ này, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh việc tập trung vào đối thoại chính sách, hướng dẫn quá trình sản xuất, chế biến, thị trường và chứng nhận Halal cho hàng nông lâm thủy sản, cần đưa ra những ý kiến trao đổi, đóng góp về cơ chế, chính sách, thực tiễn triển khai.
Bên cạnh đó, cần hiến kế các giải pháp đề tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường thực phẩm Halal; phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia cung ứng cho thị trường Halal ở Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương và thị trường Halal toàn cầu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng cần thúc đẩy xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận Halal chung của Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương cho hàng nông lâm thủy sản và hoạt động chứng nhận Halal cũng như hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau cho thị trường Hồi giáo trên thế giới.
"Sau hội nghị này, Bộ NN-PTNT và Bộ Ngoại giao sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để khơi thông, kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal. Đồng thời khuyến nghị các ngành hữu quan chú trọng đến các lĩnh vực dịch vụ, du lịch gắn với tiêu chuẩn Halal của thị trường Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương nhiều tiềm năng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.