Hồ hởi xây dựng vùng trồng đạt chuẩn
Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã chính thức mở cửa cho trái dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang nước này. Hiện nay, bà con trồng dừa rất phấn khởi, doanh nghiệp cũng sẵn sàng mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường nói chung, nhất là xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (trụ sở tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chia sẻ, thị trường Mỹ lớn chỉ sau thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, người Mỹ nhập khẩu khoảng 2.000 container dừa tươi từ các nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được khoảng 110 – 120 container dừa tươi vào quốc gia này. Có thể thấy, còn rất nhiều dư địa cho trái dừa Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ. Sau Mỹ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang kiểm tra các vùng trồng để thông qua nghị định thư chấp nhận cho trái dừa tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân này.
Ông Thuật kỳ vọng trong thời gian sớm nhất, dừa tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Để khai thác cơ hội xuất khẩu dừa tươi sang thị trường lớn như Trung Quốc, ông Thuật cho rằng cần khắc phục các khó khăn, hạn chế hiện nay như vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn, hạ giá thành sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh và việc liên kết “4 nhà” phải sâu sát hơn nữa. Để khai thác cơ hội, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong đã có kế hoạch liên kết với bà con trồng dừa Bến Tre xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ (organic) với diện tích khoảng 100ha.
Không để vuột cơ hội quý báu này, ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ bà con nông dân trồng dừa đạt chuẩn để "đi chợ Mỹ, chợ Trung".
Một buổi chiều trung tuần tháng 9, trời đổ mưa như trút, tưới mát những rặng dừa xanh ở xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), chúng tôi tìm gặp ông Võ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là một nông dân kỳ cựu ở địa phương. Xã Lương Hòa là một trong những địa phương có diện tích trồng dừa uống nước phát triển rất tốt. Thời điểm này, vườn dừa của xã đạt hơn 716ha, trong đó dừa uống nước có đến 300ha.
Ông Võ Văn Hải cho hay, dừa uống nước rất thích hợp với đất ở đây. Trước đây ở Lương Hòa, cây có múi như quýt đường, bưởi da xanh phát triển tốt, tuy nhiên hạn - mặn đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích dừa, đặc biệt là dừa uống nước, giảm dần những cây trồng khác. Bà con chú trọng trồng giống dừa xiêm xanh, đặc sản của Bến Tre.
Bà con Bến Tre trồng dừa với khoảng cách 6m/cây. Mỗi công đất (1.000m2) trồng được từ 18 - 20 cây dừa. Đối với dừa uống nước, cứ 20 - 25 ngày bà con thu hoạch một lần, mỗi năm được từ 14 - 15 lần thu hoạch, nhiều hơn so với dừa khô. Mỗi quày dừa xiêm có thể cho từ 20 - 30 trái. Tuy nhiên, có khoảng 2 tháng (tháng 3 - 4) hàng năm dừa giảm năng suất, còn gọi là dừa treo, dừa chỉ còn 10 - 12 trái/quày. Hàng năm, bình quân mỗi cây dừa uống nước cho từ 140 - 150 trái/năm, có thể cho bà con thu nhập đến 100 triệu đồng/ha.
“Bù qua sớt lại, thu nhập của bà con cũng được đảm bảo, mỗi ha chắc ăn được hơn 50 triệu đồng/năm, bà con cũng không đến nỗi buồn vì giá dừa rớt. Nghe nói dừa được đi chợ Tây, bà con mình rất phấn khởi. Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tổ chức mấy lớp tập huấn, dạy nghề trồng dừa hữu cơ rồi. Từ đây đến cuối năm còn mở thêm một lớp nữa. Mình phải nắm bắt cơ hội làm giàu này”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa nói.
Nói đến Bến Tre, người ta nghĩ ngay đến thủ phủ dừa của cả nước. Địa phương này đang chiếm khoảng 40% diện tích dừa cả nước và 46% của ĐBSCL. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre thông tin, hiện địa phương là tỉnh trồng dừa lớn nhất cả nước, với diện tích đạt trên 78.000ha, sản lượng trên 800 triệu trái/năm, phân bố trên địa bàn 9 huyện, thành phố.
Đối với dừa uống nước, toàn tỉnh hiện có gần 16.000ha (chiếm khoảng 20% tổng diện tích). Diện tích dừa uống nước ngày càng tăng lên, sản lượng hàng năm khoảng 390 triệu trái, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, dừa đạt chuẩn xuất khẩu chiếm khoảng 50%. Các giống dừa uống nước của Bến Tre khá đa dạng như xiêm xanh, xiêm lục, xiêm đỏ, dừa dâu... có chất lượng nước rất ngọt (brix từ 7 - 9%), rất được thị trường ưa chuộng.
Bến Tre hiện đã có hơn 5 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Úc, Canada… Hiện nay, có 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.
Tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, công nghệ sơ chế giúp bảo quản dừa tươi lên tới trên 90 ngày, qua đó giúp đưa trái dừa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm dừa tươi của các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi tại Mỹ và Trung Quốc là rất lớn, trong khi dừa Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, cơ hội sẽ còn nhiều để phát triển, nhất là với xu hướng người tiêu dùng chuyển mạnh sang sử dụng thực phẩm - thức uống tự nhiên.
Khai thác chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh Bến Tre
Theo Sở Công Thương Bến Tre, trái dừa nguyên vỏ được sơ chế thành đa dạng hình thức như dừa gọt kim cương, dừa gọt trọc, dừa đóng lon..., được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre có các đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết: Quả dừa nhỏ, vỏ bên ngoài màu xanh, nước có vị ngọt đậm hơn so với nước của quả dừa uống nước xiêm xanh trồng ở các vùng khác. Hiện nay, danh tiếng về chất lượng của dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre ngày càng được biết đến rộng rãi nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe con người.
Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng vitamin C trong nước dừa uống nước xiêm xanh của Bến Tre trong khoảng 3,18mg/lít, qua phân tích tương quan nhiều yếu tố cho thấy hàm lượng vitamin C có tương quan thuận với độ pH và lượng lân dễ tiêu trong đất.
Độ brix của nước dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đạt khoảng 7,36%. Độ brix cũng có mối tương quan thuận khá cao với lượng lân dễ tiêu và kali trao đổi trong đất. Hàm lượng đường khử của nước dừa xiêm xanh Bến Tre trong khoảng 4,63g/100ml. Hàm lượng kẽm trung bình trong đất trồng dừa tại Bến Tre là 7,83ppm, kết quả phân tích tương quan cho thấy hàm lượng đường khử có tương quan thuận với lượng kẽm trong đất.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dừa uống nước xiêm xanh, tập quán canh tác của nông dân Bến Tre giúp sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh thêm đặc sắc mà chỉ vùng đất này mới có được. Cụ thể, người dân canh tác vẫn luôn cho đất thông thoáng hàng năm bằng cách vét mương, bồi bùn...
Phương pháp kết hợp giữa tập quán chăm sóc và việc áp dụng quy trình kỹ thuật mang tính khoa học giúp cây dừa sinh trưởng tốt, đạt năng suất và chất lượng cao. Việc đào mương, lên liếp trồng dừa là một trong những giải pháp kỹ thuật mà người dân Bến Tre thực hiện để cây dừa thích nghi với môi trường sống, vừa tạo thuận lợi cho cây dừa phát triển, vừa thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch...
Nhờ có hệ thống mương và chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa, người dân có thể lấy bùn lắng trong mương vườn từ phù sa sông và chất hữu cơ từ xác bã thực vật tích tụ để vun đắp cho cây dừa xanh tốt. Hệ thống mương vườn còn giúp dự trữ nước ngọt trong mùa mưa và tưới bổ sung cho dừa vào mùa nắng hạn... Tất cả đã làm nên thương hiệu dừa xiêm xanh Bến Tre ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bến Tre cho hay, ngày 26/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 298/QĐ-SHTT cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00063 cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre nổi tiếng. UBND Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Qua đó thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm dừa của địa phương.