| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội để thay đổi mọi thứ trong nông nghiệp

Chủ Nhật 21/03/2021 , 07:11 (GMT+7)

Bốn năm trước, Andrés MacGillivray quyết định bỏ công việc đang rất tốt tại một công ty dược ở Canada để trở về quê hương Argentina làm nông nghiệp với gia đình.

Nền nông nghiệp già cỗi và nhiều rào cản

Mặc dù lớn lên ở nông thôn nhưng MacGillivray, 37 tuổi, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nông dân. Anh theo học ngành kỹ sư môi trường và luôn mơ ước được làm việc trong lĩnh vực quản lý nước hoặc năng lượng tái tạo. Nhưng lúc này thì anh đang bận bịu trồng cà rốt ở tỉnh Santa Fe, ngoài ra còn sở hữu một trang trại thủy canh khá lớn ở ngoại ô Buenos Aires.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nền nông nghiệp lộ ra những điểm yếu nhưng đồng thời cũng gợi mở ra nhiều cơ hội thay đổi. Ảnh: FAO

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nền nông nghiệp lộ ra những điểm yếu nhưng đồng thời cũng gợi mở ra nhiều cơ hội thay đổi. Ảnh: FAO

Khi quyết định chuyển sang nghề trồng trọt, MacGillivray là người đi ngược xu hướng toàn cầu bởi theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ người làm nông nghiệp trên thế giới đã giảm từ 44% năm 1991 xuống 26% vào năm 2020.

Nguyên nhân một phần là do xu thế ngày càng có nhiều ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp thay vì thâm dụng lao động, nhưng mặt khác nó cũng chỉ ra một vấn đề lớn hơn: nhiều người không muốn làm việc trong khu vực nông nghiệp.

Theo báo cáo năm 2014 của FAO, độ tuổi trung bình của nông dân châu Phi là 60 dù dân số trung bình tại lục địa này là dưới 24 tuổi. Còn tại nhiều nước phát triển, kể cả Mỹ thì độ tuổi trung bình cũng là 60. Và trên quy mô toàn cầu, độ tuổi trung bình của nông dân vẫn đang tăng lên, khi tỷ lệ thanh niên nông thôn rời bỏ quê hương tìm kiếm cuộc sống mới ở các đô thị tăng nhanh.

Để đảm bảo an ninh lương thực của nhân loại ngay từ bây giờ, chúng ta hãy quay trở về với đồng ruộng giống như MacGillivray. Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, bởi nghề nông khó xóa bỏ được thành kiến khi nhiều người trẻ tuổi luôn mặc định đó là “công việc thu nhập thấp hoặc dành cho những người ít được học hành”.

Trong khi đó đối với những ai muốn làm nghề nông thực sự, giá cả tăng cao thường tạo ra những rào cản không thể vượt qua trong việc tiếp cận đất đai. Và luật pháp và phong tục vẫn thường coi đó là công việc của phụ nữ và người nhập cư, thậm chí họ còn bị từ chối các quyền lợi.

Với diện tích đất đai màu mỡ và khí hậu tốt, California là cái nôi trồng trọt mà ở đây nông dân và chủ trang trại đã kiếm được hơn 50 tỷ USD vào năm 2019- con số này nhiều hơn cả GDP của Tunisia. Nhưng điều trớ trêu là trong khi hàng trăm nghìn lao động đều làm việc trên các cánh đồng thuộc sở hữu nhà nước, chỉ một phần nhỏ trong số họ được làm chủ thực sự và có quyền sở hữu đất đai.

Theo bà Andrea Sosa, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp tại Đại học Quốc gia San Martín (Argentina), mức sống thấp trên thực tế cũng đẩy những nông dân mới tiềm năng ngày một rời xa các vùng nông thôn, trong đó quan trọng nhất là họ chưa được tiếp cận với nước sạch, internet, giáo dục và y tế.

Cụ thể ở Argentina, nông dân các vùng sản xuất ngũ cốc lớn từ lâu đã lên tiếng về  các vấn đề sức khỏe do kết quả của việc sử dụng vô tội vạ các hóa chất nông nghiệp độc hại và quản lý canh tác kém dẫn đến ô nhiễm môi trường nặng nề nên không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ tuổi ở đất nước này đang dịch chuyển đến thành phố.

Gợi mở từ những dự án thí điểm

Hiệp hội Đào tạo nghề nông và Dựa vào đất đai (Alba) ở California là một tổ chức phi lợi nhuận giúp những người lao động nông nghiệp trở thành chủ trang trại.

Sau khi vượt qua khóa học nông nghiệp hữu cơ được cấp chứng nhận, học viên tốt nghiệp có thể tiếp tục tham gia chương trình ươm tạo, được hỗ trợ về tiếp thị và các kỹ năng khác. Sau đó họ bắt đầu thực hành trên một nửa mẫu Anh, rồi mở rộng lên 5 mẫu Anh trong một chương trình kéo dài bốn năm.

Nông dân ở Gambirono, Đông Java, Indonesia vẫn đang sở hữu những thửa ruộng manh mún rất khó sinh lời. Ảnh: IFPRI

Nông dân ở Gambirono, Đông Java, Indonesia vẫn đang sở hữu những thửa ruộng manh mún rất khó sinh lời. Ảnh: IFPRI

Ước tính có khoảng 80% học viên của Alba là người nhập cư đến từ các nước Mỹ Latinh, điều này cũng phản ánh tỷ lệ lớn công nhân nông nghiệp là người nhập cư và họ không hề dễ dàng để sở hữu một trang trại với tư cách là một người nhập cư.

Nancy Porto, nhân viên quan hệ cộng đồng và giáo dục môi trường tại Alba cho biết: “Có rất nhiều điều luật khiến người nhập cư khó đến đây hơn, nhưng phần lớn công việc là do người nhập cư thực hiện. Ngoài ra nhiều người còn phải vật lộn với rào cản ngôn ngữ.

 “Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, chỉ có khoảng 4% trang trại là thuộc sở hữu của các nhà sản xuất gốc Latinh hoặc Tây Ban Nha. Vào năm 1935, ở Mỹ đã có 6,8 triệu trang trại nhưng con số đó đã giảm xuống còn khoảng 2 triệu vào giữa những năm 70 và ổn định từ đó đến nay, mặc dù quy mô trang trại trung bình đã tăng lên”, Chris Brown, giám đốc phát triển của Alba cho hay.

Ông Brown cho biết thêm, trên thực tế sự sụt giảm thậm chí còn mạnh hơn bởi vì nhiều trang trại nhỏ hiện nay ở Mỹ được điều hành bởi những người làm các công việc khác. “Đó đơn thuần là một thú tiêu khiển bởi họ vận hành nó như một công việc phụ".

Một khi học viên nông dân của Alba tốt nghiệp, việc tìm kiếm đất để thuê hoặc mua thực sự là một thách thức lớn và họ thường phải liên kết với nhau mới có được mảnh đất để tiến hành sản xuất.

Tuy nhiên bất chấp những khó khăn này, hiện rất nhiều học viên tốt nghiệp của Alba đã vượt lên. Trong số 410 người tốt nghiệp, đã có 204 người lập trang trại của riêng họ trên đất của Alba và khoảng 100 người đã làm nông nghiệp độc lập ở nhiều nơi khác.

Dự án Phụ nữ trồng cà phê là một ví dụ, khi 110 chị em được nhận ít nhất 50 bụi cà phê từ những người thân là nam giới để họ tự trồng và thu hoạch. Số tiền kiếm được từ việc bán cà phê sau đó sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của họ và mang lại cho họ sự độc lập mới về tài chính. Hiện nhóm nghiên cứu đang xem xét khởi động một dự án tương tự khác ở Uganda.

“Khi có kiến thức họ có nhiều lựa chọn hơn để xác định tương lai của con cái họ bằng cách trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp của chính mình. Với việc tham gia chương trình ươm tạo họ có thể vững vàng suốt đời khi độ tuổi trung bình của nông dân theo học là 37 và 70% dưới 40 tuổi. Thậm chí giờ đây, con cái của một số học viên Alba đang quyết tâm tiếp bước cha mẹ chúng”, bà Porto nói.

Theo một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới, khoảng 150 triệu người có thể thoát khỏi đói nghèo nếu phụ nữ nông dân được tiếp cận với các nguồn tư liệu sản xuất giống như nam giới. Tuy nhiên, tính đến nay thế giới chỉ có chưa đầy 15% chủ sở hữu đất đai là phụ nữ, có nghĩa là họ không thể đưa ra quyết định về việc trồng loại cây nào và mua hay bán đất. Tóm lại đang có một khoảng cách giới rất lớn trong việc tiếp cận đất đai trên khắp thế giới.

Ở Kenya, tổ chức phi chính phủ Fairtrade Africa đang nỗ lực để thay đổi điều đó. “Đối với những nông hộ sản xuất quy mô nhỏ thì thực sự không sinh được lợi nhuận nhiều, nếu không muốn nói là có đủ thu nhập để duy trì cuộc sống”, Joy Muruku, cán bộ truyền thông của mạng lưới cho biết. Nhưng ông Muruku tin rằng, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng cùng với vai trò ngày càng lớn của công nghệ mới trong nông nghiệp có thể thúc đẩy một số người trẻ quay trở lại với ruộng đồng, có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội hơn để giải quyết bất bình đẳng.

Cơ hội cho thế hệ nông dân mới

Kimbal Musk là một trong những người hy vọng rằng sự kết hợp giữa công nghệ và các giá trị môi trường sẽ thu hút những người trẻ tuổi quay trở lại với nghề nông. Công ty của ông, Square Roots hiện đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật canh tác sáng tạo để trồng cây lương thực tốt cho sức khỏe ngay tại các trang trại ở đô thị.

Musk cho biết, những người nông dân trẻ tuổi bị thu hút bởi các loại cây lương thực tốt cho sức khỏe hơn là cây hàng hóa, như ngô, được sử dụng làm nhiên liệu và thức ăn chăn nuôi.

Trên thực tế đã có không ít những người nông dân trẻ xuất thân không phải nông nghiệp đang tìm kiếm không gian để phát triển sự nghiệp của riêng mình. Ảnh: HPM

Trên thực tế đã có không ít những người nông dân trẻ xuất thân không phải nông nghiệp đang tìm kiếm không gian để phát triển sự nghiệp của riêng mình. Ảnh: HPM

Hiện Musk và cộng sự hy vọng rằng bằng cách ứng dụng công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, họ có thể thu hẹp và tối ưu được lợi nhuận từ mô hình canh tác hiện tại mà không cần chuyển đổi quy mô.

Ví dụ, kỹ sư Manuela Zude-Sasse tại Viện Kỹ thuật Nông nghiệp và Kinh tế Sinh học Leibniz ở Potsdam (Đức), đã phát triển một cảm biến dự đoán thời điểm thích hợp để hái táo dựa trên mức độ diệp lục trên vỏ quả táo. Trong khi đó Will Flittner, một sinh viên kỹ thuật nông nghiệp tại Đại học Harper Adams (Anh) sử dụng công nghệ chính xác để trang bị cho các cánh tay hái của robot với tầm nhìn cần thiết để phân biệt quả chín với quả chưa chín.

Việc ứng dụng triển khai các công nghệ mới trong nông nghiệp chính là lý do có thể giúp thu hút những bộ óc trẻ nhất, sáng giá nhất quay trở lại làm nông nghiệp.

ColdHubs là một công ty khởi nghiệp ở Nigeria chuyên sản xuất các kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho các hộ nông dân nhỏ ở vùng sâu vùng xa. Trước đây mỗi khi mặt trời lặn thì các loại trái cây và rau quả sẽ hư hỏng chỉ sau hai ngày nhưng kể từ khi được bảo quản trong kho lạnh, chúng vẫn có thể tươi đến ba tuần- vừa tăng lợi nhuận vừa tránh lãng phí.

Rõ ràng là đã đến lúc chúng ta cần thay đổi mọi thứ trong lĩnh vực nông nghiệp nếu chúng ta muốn thu hút thế hệ nông dân tiếp theo.

(BBC)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.