| Hotline: 0983.970.780

Nông dân và robot - 'Trận đấu' quyết định tương lai ngành nông nghiệp Mỹ

Thứ Sáu 08/03/2019 , 08:56 (GMT+7)

Một cuộc thử nghiệm đã diễn ra tại hạt Manatee, bang Florida, Mỹ. Con người và máy móc chỉ được phép dừng tại mỗi cây dâu tây trong 10 giây. Họ phải tìm quả dâu chín ẩn sau lá, nhẹ nhàng hái và bỏ chúng vào hộp nhựa.

Cuộc thử nghiệm được tổ chức vào một chiều tháng 2 tại khu vực nằm trong nông trại của Gary Wishnatzki. Hàng chục người sẽ thu hoạch dâu theo cách truyền thống, so tài với robot Harv mà giới kỹ sư nói có thể thay thế họ ngay từ năm 2020.

Tương lai ngành nông nghiệp đã xuất hiện ở Florida, hứa hẹn giải quyết tình trạng thiếu lao động, giảm giá sản phẩm, nhóm nghiên cứu chế tạo Harv nói. Harv là sản phẩm của công ty tự động hóa Harvest CROO Robotics.

“Số lượng lao động liên tục giảm”, Wishnatzki, nông dân trồng dâu tây, nói với Washington Post. “Nếu chúng tôi không giải quyết bằng tự động hóa, rau củ tươi sẽ khó có được giá phải chăng, thậm chí là khan hàng đối với cả những người trung lưu”.

Vấn đề này gây áp lực đến mức các bên, vốn là đối thủ của nhau, đang cùng chung tay tài trợ cho Harv với tổng số tiền khoảng 9 triệu USD. Riêng Wishnatzki đã đầu tư tới 3 triệu USD. Ông cùng Bob Pitzer, cựu kỹ sư của Intel kiêm đồng sáng lập Harvest CROO Robotics, tạo ra Harv.

Cỗ máy này còn khá vụng về. Trong lần chạy thử năm 2018, Harv chỉ thu hoạch được 20% số dâu tây mà không mắc lỗi. Mục tiêu năm nay là 50% quả không bị giập nát. Tỷ lệ này của con người là gần 80%, khiến Harv hiện hoàn toàn thất thế. Dù vậy, Harv lại không cần thị thực, ngủ hay nghỉ ốm.

Rất đông nông dân và nhà nghiên cứu, đến từ Canada, Australia, Đức, Thụy Sĩ và nhiều bang khác ở Mỹ, đã tới trang trại của Wishnatzki. Họ muốn biết khả năng tiềm ẩn của robot này.

Harv nhìn khá giống một xe bán tải đi ngang. Phía dưới là 16 cánh tay tự động nhỏ với các bộ phận hình móc xoay tròn và giữ quả dâu tây nhờ sự chỉ dẫn thông qua hệ thống máy quay và đèn nháy.

1142026848
Robot Harv di chuyển qua các hàng dâu tây (Ảnh: Washington Post)

Blaine Staples, nông dân trồng dâu ở Canada, cảm thấy ông sẽ chọn Harv vì lý do chi phí nếu tiết kiệm hơn so với tiền công phải trả.

Cách đó vài hàng dâu tây là Doug Carrigan, bang North Carolina. Mắt ông như dán chặt vào Harv. “Không quan trọng là Chủ nhật hay nghỉ lễ, cỗ máy này vẫn làm việc”, ông nói. Carrican trả lương 10 – 14 USD/giờ cho người làm. Nếu có thể tự động hóa công việc mà không phải đánh đổi bằng chất lượng, “đó là chiến thắng”.

Nhóm nông dân, kỹ sư khác lại tập trung theo dõi thử nghiệm thông qua TV tại căn nhà dựng tạm gần đó. Máy quay trong Harv giúp họ có cái nhìn cận cảnh hơn.

“Không hề mắc lỗi!”, kỹ sư Alex Figueroa, 24 tuổi, nói.

Những chủ trang trại cho biết ngày càng khó thuê đủ nhân công để thu hoạch. Lượng lao động mùa vụ đến từ Mexico ít dần, số người Mỹ sẵn sàng khom lưng cả ngày trên trang trại cũng giảm.

Tình trạng này dự kiến kéo dài ít nhất 7 năm nữa, theo dự báo gần đây nhất từ Cục Thống kê lao động Mỹ.Khi “công nghệ cải thiện năng suất” chín muồi, các trang trại sẽ cần ít người hơn.

Harv được lập trình để làm phần việc của 30 người. Harv bao quát hơn chục cây cùng lúc, hái 5 quả/giây và thu hoạch 3,2 hecta/ngày. Tiềm năng này ngày càng thu hút các chủ trang trại. Họ cho biết chính sách thắt chặt người nhập cư của Mỹ khiến nguồn cung lao động giảm.

Wishnatzki thiệt hại khoảng 1 triệu USD trong năm 2018 do quả hư hỏng. Ông cũng trả công lên tới 25 USD/giờ cho người lành nghề.

Harv giúp xóa bỏ nhu cầu lao động trên thực địa nhưng cũng tạo ra việc làm mới, Wishnatzki nói. Wish Farms, doanh nghiệp của gia đình ông, sẽ đào tạo những người hái quả thành kỹ thuật viên. “Chúng tôi vẫn cần người lau chùi, bảo dưỡng và sửa các cỗ máy”.

Vengas từ bang Oaxaca, Mexico, tới Florida 15 năm trước, kiếm được khoảng 25 USD/giờ. Khoảng 75% đồng nghiệp của ông là người Mexico có thị thực lao động ngắn hạn.

Họ đều kiếm được tiền. Họ cảm thấy có thêm động lực, ông nói. “Họ có thể hái dâu một cách nhẹ nhàng. Họ biết quả nào quá nhỏ hoặc quá chín. Máy móc không thể làm việc đó”.

Nhiều công đoàn cũng hoài nghi về mức độ phù hợp của robot cho công việc. Họ lo ngại chúng sẽ phá hỏng sự hoàn hảo mà khách hàng cũng như ngành bán lẻ thực phẩm yêu cầu.

2142026968
Người lao động hái dâu tây bằng tay (Ảnh: Washington Post)

Ở một góc khác trên trang trại, những người hái dâu vẫn tiếp tục công việc họ thường làm. Nhiệt độ ngoài trời gần 27 độ C. Họ mặc áo dài tay, quần dài và quàng khăn để che nắng, cúi người, hái từng quả dâu và bỏ vào khay nhựa. Sau đó, họ đi dọc hàng cây tới người giám sát để nộp sản phẩm – yếu tố quyết định tiền công. Chậm chạp đồng nghĩa với thu nhập thấp.

Santiago Velasco, 65 tuổi, đã làm việc tại trang trại nhà Wishnatzki trong 35 năm, không hề lo ngại về Harv. “Tôi không nghĩ nó sẽ hoạt động bởi con người mới nắm rõ cách hái quả”.

Dự báo của Velasco là có cơ sở. Harv đã tìm thấy hơn nửa số quả trên mỗi cây dâu tây. Tuy nhiên, quả dâu mùa này lại to hơn dự báo. Dâu rơi khỏi cánh tay của Harv, đồng nghĩa màu sắc và sự tươi ngon đã biến mất.

Các kỹ sư không chắc Harv có thể đạt mục tiêu đề ra trong năm nay hay không và phải xem lại những đoạn video dài hàng giờ. Tuy nhiên, họ tự tin Harv sẽ làm tốt vào năm 2020.

Khan hiếm lao động đã đẩy lương nhân công gia tăng. Từ năm 2014 đến năm 2018, lương trung bình của lao động nông nghiệp tăng nhanh hơn so với trong nền kinh tế nói chung, từ 11,29 USD/giờ lên 13,25 USD/giờ.

“Tự động hóa là giải pháp dài hạn”, một chuyên gia nông nghiệp nói.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.