| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội thay đổi nghề cá, có trách nhiệm

Thứ Sáu 14/12/2018 , 10:10 (GMT+7)

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC), đây cũng là cơ hội để thay đổi nghề cá, có trách nhiệm, phát triển theo thông lệ quốc tế.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vấn đề này.

 

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc đánh bắt hải sản hợp pháp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng?

Để phát triển ngành kinh tế thủy sản, trong đó có nghề cá của Việt Nam thì điều bắt buộc là nghề cá phải phát triển theo thông lệ của quốc tế, đặc biệt là phải tuân thủ quy định về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Có như thế chúng ta mới có một nghề cá phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân.

Đây là yêu cầu tất yếu, bởi không có thị trường nào chấp nhận tiêu thụ sản phẩm hải sản do nước khác cung cấp mà do đánh bắt bất hợp pháp. Chính vì hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp mà hiện nay Việt Nam đang bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, điều này đã gây ra nhiều bất lợi, khó khăn đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sang thị trường châu Âu và một số thị trường khác có liên quan.

Việt Nam đã thực hiện như thế nào trước và sau khi EC áp "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác?

Trước khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp chống khai thác IUU; trong đó tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đơn cử như một số chỉ đạo của Thủ tướng: Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, trên địa bàn tỉnh Bình Định; các Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30/8/2012, số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài...

Bên cạnh đó, thành lập Tổ công tác liên ngành 689 tại Trung ương và địa phương để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết được nên ngày 23/10/2017 EC đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” cùng các khuyến nghị để Việt Nam khắc phục, tập trung chủ yếu vào hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật về chống khai thác IUU.

Sau khi EC áp dụng "thẻ vàng", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Ban hành Luật Thủy sản 2017, hoàn thiện các văn bản dưới Luật, đảm bảo tính tương thích với các quy định quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý nghề cá nói chung, quản lý chống khai thác IUU từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các Chỉ thị, Công điện, Quyết định để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chống khai thác IUU và khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC về chống khai thác IUU.

Bộ NN-PTNT, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện; tổ chức các cuộc họp và trực tiếp đi địa bàn để chỉ đạo các tỉnh ven biển triển khai ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Các hiệp hội, hội nghề cá, cộng đồng ngư dân triển khai các hành động cụ thể trong chống khai thác IUU như: cộng đồng doanh nghiệp phát động chương trình “doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, ban hành sách trắng về IUU, kí cam kết chống khai thác IUU...

Ngoài ra, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua việc xây dựng quy định chặt chẽ và lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Sửa đổi quy trình kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát chặt chẽ sản lượng cập bến gắn với quy trình xác nhận, chứng nhận. Điều chỉnh quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng.

Đồng thời, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác thông qua tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý cảng cá...

Khó khăn nào được coi là lớn nhất trong quá trình thực hiện các quy định đáp ứng yêu cầu của EC về khai thác hải sản, thưa ông?

Trước hết, phải kể đến là đưa các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU vào khung pháp lý của Việt Nam, vì mỗi quốc gia có cách xây dựng luật riêng. Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua là một thành công lớn của ngành thủy sản vì đã nội lực hóa các vấn đề về chống khai thác IUU đáp ứng các yêu cầu theo khuyến nghị của EC vào trong Luật.

Tiếp theo là việc thực thi, vì nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… vì vậy, đòi hỏi phải cần thời gian để tổ chức thực hiện mới đem lại hiệu quả.

Đặc biệt nghề cá của Việt Nam là nghề cá nhân dân nên thay đổi thói quen đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Việt Nam hiện nay là một vấn đề cần phải có thời gian để thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện mục tiêu xây dựng nghề cá có trách nhiệm

Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững thân thiện với môi trường và đáp ứng các thông lệ quốc tế, có như thế mới đảm bảo được sinh kế lâu dài của người dân sống dựa vào đánh bắt hải sản.

Cần quy hoạch lại đội tàu cá khai thác thủy sản, gắn liền hoạt động khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo ngư trường nguồn lợi cho hoạt động khai thác, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác không thân thiện với ngư trường, nguồn lợi.

Đồng thời, tăng cường hợp tác khai thác hải sản với các nước, các tổ chức quốc tế để mở rộng ngư trường khai thác hải sản cho nghề cá Việt Nam. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan buông lỏng quản lý ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nghề cá.

Ông Nguyễn Quang Hùng

 

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.