| Hotline: 0983.970.780

Có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp

Thứ Năm 02/03/2023 , 20:28 (GMT+7)

Ngày 2/3, Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023, do Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh chủ trì.

Tham dự có lãnh đạo Cục Việc làm cùng đại diện hơn 30 Sở LĐTB-XH các tỉnh, thành phố phía Nam và một số tỉnh thành phía Bắc.

Theo báo cáo của Cục việc làm (Bộ LĐTB-XH), tính đến hết năm 2022 tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 14,33 triệu người, chiếm trên 31,18%. Về chính sách cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm trong năm 2022 đạt 61.074 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cũng đã giải quyết cho vay 35.568,9 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ duy trì và mở rộng việc làm cho trên 1,7 triệu lao động, trong đó lao động nữ là 524.499 lao động, người khuyết tật là 158.965 lao động, người dân tộc thiểu số là 94.890 lao động.

Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023. Ảnh: Minh Sáng.

Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023. Ảnh: Minh Sáng.

Với các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đã giúp cho thị trường lao động năm 2022 dần phục hồi. Cụ thể lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 đạt 51,7 triệu người (tăng 1,1 triệu người). Số lao động có việc làm tăng do xu hướng xã hội đang phục hồi kinh tế, trong đó lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người (tăng 877,3 ngàn người), lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 627,2 ngàn người).

Số lượng, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Ảnh: Minh Sáng.

Số lượng, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp (Cục việc làm) cho biết, chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành đang trở lại chiều hướng tích cực, thu nhập của người lao động cũng được cải thiện, bình quân trong năm 2022 là 6,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 927 ngàn đồng so với năm 2021, tăng 759 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32% (giảm 0,88%); tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21% (giảm 0,89%); tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,7% và 2,51%).

Theo ông Tú, trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển thị trường lao động, Cục việc làm đã triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, góp phần đưa người lao động sớm trở lại thị trường lao động, ngăn ngừa tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do tác động của đại dịch Covid-19. Cục việc làm cũng đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động; đã có 5,3 triệu lượt lao động được hỗ trợ với kinh phí gần 3.800 tỷ đồng.

Người lao động cần hỗ trợ về chính sách lao động việc làm. Ảnh: Minh Sáng.

Người lao động cần hỗ trợ về chính sách lao động việc làm. Ảnh: Minh Sáng.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại, đó là chất lượng nguồn cung lao động còn chưa đáp ứng được cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại. Số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến người lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng. Thị trường lao động trong nước vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Sáng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh khẳng định, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH.

Theo ông Thanh, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì về “phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” và nhấn mạnh trách nhiệm của Cục việc làm cần phải thúc đẩy cho lao động việc làm phát triển, giúp ổn định chính trị, nhất là hiện nay khi tham gia sâu rộng trong FTA, cần tiếp tục phát triển tiêu chuẩn lao động trong giai đoạn mới đến năm 2030.

Năm nay Chính phủ đặt ra mục tiêu từ 2021 -2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 6,5% -7%/năm, để làm được điều này chính phủ đã ra nghị quyết 06 về lĩnh vực việc làm, với rất nhiều nội dung trực tiếp về lao động việc làm, nhằm hỗ trợ đảm bảo an sinh...

Năm 2023 cơ hội và thách thức đan xen với nhau, nhưng chủ yếu vẫn là thách thức, do vậy cần phải có quyết tâm và hành động quyết liệt hơn. Việc dự báo thị trường lao động cũng gặp nhiều khó khăn, yêu cầu lĩnh vực lao động việc làm cần phải có nhiều nỗ lực vì xác định sẽ tiếp tục còn nhiều thách thức trong thời gian tới.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.