| Hotline: 0983.970.780

Cổ phiếu TAR ‘dời đô’ về Upcom sau khi bị hủy niêm yết

Thứ Tư 29/05/2024 , 08:20 (GMT+7)

Ngày 31/5 tới, hơn 78 triệu cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An sẽ giao dịch trở lại trên UPcoM, với giá tham chiếu 6.100 đồng/cp.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hơn 78,3 triệu cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An vừa được chấp thuận giao dịch trên sàn UPcoM từ 31/5/2024. Giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên là 6.100 đồng/cp.

Trước đó, cổ phiếu ngành gạo này đã bị huỷ niêm yết bắt buộc hôm 21/5 do doanh nghiệp bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2023, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Được biết, cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán là TAR đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về đợt phát hành riêng lẻ năm 2021 và vấn đề hàng tồn kho trị giá 1.256 tỷ đồng trên báo cáo.

Trong phiên giao dịch cuối cùng trên HNX (hôm 17/5), giá cổ phiếu TAR đóng cửa tại 6.100 đồng/cp, giảm hơn 30% so với thị giá ghi nhận đầu năm.

Kinh doanh thua lỗ, tin xấu dồn dập

Trước thềm hủy niêm yết, Trung An công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 715,4 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ 2,7 tỷ đồng, giảm tới 68% so với cùng kỳ 2023.

Đối chiếu với kế hoạch kinh doanh năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 3.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 31 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, TAR thực hiện được hơn 23% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới đạt 9% mục tiêu lợi nhuận của năm.

Còn năm 2023, BCTC hợp nhất của TAR ghi nhận lỗ ròng gần 16 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 68 tỷ đồng, do áp lực từ chi phí tăng cao và lỗ tỷ giá. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết (2019).

Trên thực tế, kể từ quý II/2023, Trung An đã có quý đầu tiên báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết, với khoản lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.

2023 - lần đầu tiên TAR báo lỗ kể từ khi niêm yết trên HNX.

2023 - lần đầu tiên TAR báo lỗ kể từ khi niêm yết trên HNX.

TAR là một trong những doanh nghiệp "máu mặt" của ngành gạo Việt Nam. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu gạo thành công sang nhiều thị trường khó tính như châu Âu, với bao bì nhãn mác, thương hiệu riêng mang tên Trung An.

Song cũng tương tự như câu chuyện của Lộc Trời, trong bối cảnh thị trường chung đi lên, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, bán được giá, Trung An lại càng làm càng lỗ.

Đi cùng kết quả kinh doanh "kém sắc", tin xấu cũng dồn dập đến với doanh nghiệp này trong giai đoạn cuối năm 2023.

Về nhân sự cấp cao, từ 14/8, vợ chồng Chủ tịch và Tổng giám đốc của TAR là bà Lê Thị Tuyết và ông Phạm Thái Bình đã bất ngờ nộp đơn xin từ nhiệm để "cơ cấu lại nhân sự công ty". Dù hai người này mới vừa được bổ nhiệm tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra hai tháng trước đó.

Sau khi bị đưa vào diện cảnh báo hôm 25/9, tới trung tuần tháng 10/2023, HNX đã chuyển cổ phiếu TAR sang diện bị kiểm soát đặc biệt do chậm nộp BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023 quá hạn 30 ngày so với quy định.

Trước đó, cũng bởi lý do này, cổ phiếu TAR đã bị cắt margin từ ngày 18/9.

Diễn biến 'lao dốc' của cổ phiếu TAR trên HNX trước khi bị hủy niêm yết và phải chuyển sàn sang UPcoM

Diễn biến "lao dốc" của cổ phiếu TAR trên HNX trước khi bị hủy niêm yết và phải chuyển sàn sang UPcoM

Cũng trong tháng 9/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn ban hành Quyết định cảnh cáo và xử phạt 487,5 triệu đồng đối với Trung An do nhiều lỗi vi phạm như: không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không đúng thời hạn đối với BCTC, biên bản kiểm phiếu họp ĐHĐCĐ thường niên; thông tin về việc vay, cho vay đối với một số khoản vay lớn từ các ngân hàng...

Đến tháng 11/2023, một người nhà của lãnh đạo cấp cao Trung An bị phạt gần nửa tỷ đồng vì giao dịch "chui" hơn 20 triệu cổ phiếu TAR trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2023.

Trước diễn biến trên, cổ phiếu TAR trên thị trường cũng liên tục dò đấy, so với vùng đỉnh hơn 23.000 đồng/cp xác lập vào tháng 8, tới cuối năm 2023, cổ phiêu của Trung An đã "bốc hơi" hơn 50% giá trị.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.