| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo khi doanh nghiệp Việt chào giá gạo xuất khẩu thấp nhất thế giới

Thứ Ba 28/05/2024 , 08:38 (GMT+7)

Bán gạo với giá nào là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi điều này làm nhiều doanh nghiệp khác không thể bán giá cao hơn thì lại không còn là chuyện riêng nữa...

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đề cập ở bài viết gần đây, trong bối cảnh xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, một số doanh nghiệp trong ngành của Việt Nam vẫn bị thua lỗ, nợ nần. Câu chuyện trên tưởng như "nghịch lý" nhưng thực ra lại không quá khó hiểu... 

Nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Mới đây, hôm 21/5 , Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố giá chào thầu 300 nghìn tấn gạo loại 5% tấm của vụ mùa 2023-2024. Trong đó, các doanh nghiệp Việt nam đã gây bất ngờ khi có mức giá chào thầu thấp nhất so với doanh nghiệp quốc tế tham gia.

Cụ thể, trong 11 lô gạo tương đương 300 nghìn tấn được Bulog gọi thầu, mức giá chào thấp nhất 564,5 USD/tấn do doanh nghiệp Việt Nam chào thầu. Trong khi cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Còn giá chào thầu của các doanh nghiệp Myanmar và Pakistan là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn...

Như trên, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mức giá chào thấp nhất là 564,5 USD/tấn, và giá chào cao hơn là 579 USD/tấn, giá chào cao nhất là 582 USD/tấn.

Và mặc dù, giá chào thấp nhất của doanh nghiệp Việt Nam là 564,5 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nước khác nhưng Bulog vẫn đưa mức giá thầu thương lượng là 563 USD/tấn (C&F) - tức là thấp hơn cả mức giá thấp nhất của doanh nghiệp chúng ta đưa ra.

Hiện nay, giá lúa thường tại khu vực ĐBSCL đang dao động từ 7.500-7.600 đồng/kg, giá gạo 5% thành phẩm tại kho tương ứng khoảng 14.000 đồng/kg.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành gạo cho rằng, nếu nhận thầu Bulog với giá 563 USD/tấn (C&F), sau khi trừ phí vận chuyển và chi phí giao nhận, giá còn lại khoảng 13.200 đồng/kg, Đồng nghĩa, doanh nghiệp nào bán 563 USD/tấn sẽ lỗ từ 800 đồng/kg gạo trở lên, bán 2 lô với khối lượng 60.000 tấn sẽ lỗ gần 60 tỷ đồng.

Như vậy, với giá bán này, nếu doanh nghiệp trúng thầu đã sẵn gạo giá tốt trong kho, chỉ chờ đến ngày giao hàng đi thì có thể sẽ không có vấn đề gì. Còn nếu chưa mua đủ số lượng, chờ sau khi ký xong hợp đồng với đốt tác mới bắt đẩy mạnh thu mua sẽ cầm chắc khó khăn khi phụ thuộc vào nguồn cung và biến động giá tăng trên thị trường.

Lo ngại hiệu ứng Domino

Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký kết.

Do đó, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần làm tăng thêm thua lỗ.

Mặt khác, phải mất nhiều năm, hình ảnh và giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam mới thăng hạng và ngang hàng với hạt gạo Thái như ngày nay. Vì vậy, việc một số doanh nghiệp Việt bán gạo với giá như trên đã làm nảy sinh không ít lo ngại...

Trên thực tế, doanh nghiệp bán giá nào cũng đều là quyền tự quyết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu một vài doanh nghiệp vì áp lực tài chính mà phải bán gạo giá thấp sẽ dễ "phá giá" thị trường, kéo tụt toàn bộ mức nền của cả ngành đi xuống theo.

Bởi theo chuyên gia trong ngành, các nhà nhập khẩu sẽ nhìn vào mức giá thấp đó làm cơ sở tham chiếu, khiến các doanh nghiệp khác rất khó bán hàng với giá cao hơn. Từ đó, đẩy cả ngành hàng xuất khẩu này vào thế khó khăn.

Chưa kể, nếu tình trạng bán gạo đại hạ giá như trên lặp đi lặp lại nhiều lần, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị chứ không còn là câu chuyện riêng của một doanh nghiệp.

Sức ép dòng tiền buộc doanh nghiệp phải "ký bằng mọi giá"

Quay lại với các lô gạo gọi thầu trên, CTCP Tập đoàn Lộc Trời đã trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn, với mức giá 563 USD/tấn. Đây là mức giá thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu là 579 USD/tấn.

Được biết, đại diện còn lại của Việt Nam - Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn và có giá chào chào thầu cũng chỉ 564,5 USD/tấn.

Trong khi đó, đối thủ xuất gạo lớn nhất của chúng ta - Thái Lan có mức giá chào thầu thấp nhất của một doanh nghiệp cũng là 649 USD/tấn. Và hai doanh nghiệp Thái khác lần lượt có giá chào thầu là 656,58 và 658,5 USD/tấn.

Như trên, so sánh để thấy, mức giá chào thầu thấp nhất của doanh nghiệp Việt đang chênh lệch tới hơn 90 USD/tấn so với các đối thủ. Và ngay cả khi so sánh với mức giá gạo xuất khẩu hiện tại được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố - mức giá của Lộc Trời cũng đang thấp hơn tới 25 USD/tấn.

Sau khi công bố trả hết nợ cho nông dân, ngay ngày 22/5, cổ phiếu LTG đã có một phiên khá tích cực (tăng 6%), trước khi bị điều chỉnh giảm ở phiên chốt tuần.

Sau khi công bố trả hết nợ cho nông dân, ngay ngày 22/5, cổ phiếu LTG đã có một phiên khá tích cực (tăng 6%), trước khi bị điều chỉnh giảm ở phiên chốt tuần.

Với Lộc Trời, trong quý vừa qua, cùng với kết quả kinh doanh "kém sắc", doanh nghiệp này còn dính vào tai tiếng nợ tiền lúa của nông dân ở An Giang và một số địa phương khác ở ĐBSCL tới gần 500 tỷ đồng.

Phải sau hơn hai tháng ồn ào, tới hôm 21/5 vừa qua, vụ lùm xùm này mới chính thức khép lại khi Lộc Trời tuyên bố đã trả đủ tiền mua lúa và xin lỗi bà con nông dân.

Bản thân lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cũng đã thừa nhận, để cân đối được dòng tiền trả nợ, doanh nghiệp này đã phải đẩy mạnh bán lúa gạo giá thấp để có tiền thanh toán. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng cho thị trường Indonesia và Philippines...

Và trong cơn "khát" tiền mặt, nếu doanh nghiệp sẵn sàng bán bấp chấp giá, kèm theo sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đảm bảo cho việc vận hành, thì lại càng dễ rơi vào vòng xoáy thua lỗ, nợ nần...

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.