| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý: Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, doanh nghiệp trong ngành vẫn thua lỗ, nợ nần

Thứ Ba 21/05/2024 , 14:00 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, giá bình quân cũng tăng trên 20%, thế nhưng có những doanh nghiệp trong ngành vẫn thua lỗ, nợ nần khi không theo kịp diễn biến thị trường.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo cả nước trong 4 tháng đầu năm đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới, đạt gần 3,2 triệu tấn, trị giá thu về hơn 2 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng và tăng 36,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là con số cao nhất đạt được của ngành lúa gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự tăng trưởng khá ổn định trong những năm gần đây.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự tăng trưởng khá ổn định trong những năm gần đây.

Trong 4 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 644 USD/ tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Gạo của Việt Nam xuất sang các thị trường tiêu thụ chính như Philippines, Indonesia, Malaysia... đều có tăng trưởng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh tích cực trong xuất khẩu, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn ngành gạo lại không được như kỳ vọng, thậm chí là thua lỗ.

Theo kết quả kinh doanh quý I/2024, vừa được CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) công bố, doanh thu của LTG đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ ngành lương thực, khi tăng tới 96% so với quý 1/2023, đạt 3.284 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh tới 65%, kéo tụt lãi gộp của LTG giảm 10% về 245 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm từ 11% của cùng kỳ 2022 xuống còn 6,4%. Bởi doanh thu mảng lương thực chiếm đến 85% cơ cấu doanh thu của Lộc Trời, nên sự sụt giảm biên lợi nhuận mảng này đã tác động mạnh tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý 1/2024.

Không riêng Lộc Trời, nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành gạo dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu tốt, song lãi thu về rất mỏng. Đại diện Lộc Trời lý giải, để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Lộc Trời phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với lãi suất 0%. Trong khi đó, công ty lại phải vay vốn ngân hàng với lãi cao trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn. Đây chính là nguyên nhân chính “ăn mòn” lợi nhuận tạo ra.

Thêm vào đó, quý I/2024, doanh thu tài chính của LTG chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí tài chính tăng hơn 28% lên 188,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.

Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế 96 tỷ đồng trong quý I, tăng đáng kể so với mức lỗ 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Kinh doanh thua lỗ, Lộc Trời còn có thêm tai tiếng khi nợ tiền lúa của nông dân ở An Giang và một số địa phương khác ở ĐBSCL hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Lộc Trời đã thu mua lúa của bà con nông dân tỉnh An Giang với tổng giá trị gần 440 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 9/5, LTG mới thanh toán 280,4 tỷ đồng và còn nợ 159,4 tỷ đồng của nông dân.

So với vùng đỉnh xác lập tháng 9/2023, cổ phiếu LTG đã mất khoảng 50% giá trị.

So với vùng đỉnh xác lập tháng 9/2023, cổ phiếu LTG đã mất khoảng 50% giá trị.

Một "đại gia" ngành lúa gạo khác là CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) vừa có phiên giao dịch cuối cùng ngày 20/5, trước khi chính thức bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hủy niêm yết từ hôm nay (21/5).

Nguyên nhân, TAR bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2023, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Trước thêm hủy niêm yết, Trung An công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 715,4 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ 2,7 tỷ đồng, giảm tới 68% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp gạo xuất khẩu càng nhiều càng thua lỗ là do thiếu thông tin thị trường và chủ quan trong dự báo.

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký kết.

Đồng thời, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần làm tăng thêm thua lỗ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...