| Hotline: 0983.970.780

Cói Nga Sơn vươn năm châu bốn biển

Thứ Ba 16/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

THANH HÓA Sản phẩm cói của công ty do anh Phạm Minh Tôn làm chủ hiện đã được xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật...

Hành trình đưa cói Nga Sơn ra thế giới

Cú tát như trời giáng của cánh xe ôm khiến anh Phạm Minh Tôn gãy hai chiếc răng. Đến giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện đã xảy ra hơn chục năm về trước, “vua cói” Nga Sơn vẫn cảm thấy rùng mình.

Chuyện là, cứ mỗi lần chạy xe ra Ninh Bình làm thuê cho công ty cói, anh Tôn đều tranh thủ tạt vào bến xe làm dăm ba cuốc xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Cánh xe ôm bản địa sợ anh tranh cướp mối khách nên nảy sinh đố kỵ. Sự cố đó cũng là giọt nước tràn ly thôi thúc anh Tôn bỏ nghề công nhân để làm... ông chủ.

Sản phẩm cói của Công ty Cổ phần sản xuất - Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh do anh Tôn làm chủ được đóng thùng để xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản. 

Sản phẩm cói của Công ty Cổ phần sản xuất - Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh do anh Tôn làm chủ được đóng thùng để xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản. 

“Đất Nga Sơn (Thanh Hóa) là vựa cói của Việt Nam, nhưng lao động địa phương vẫn phải đi làm thuê cho doanh nghiệp cói tỉnh bạn. Trong khi đó, cói được xem là mặt hàng chủ lực nhưng chủ yếu là bán thô nên giá không cao, bởi vậy, dân sống ở vựa cói của cả nước nhưng vẫn không giàu”, anh Tôn chia sẻ.

Đêm trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc, anh Tôn chỉ báo cho vợ vài câu: “Trong vài năm tới, anh sẽ không có tiền. Em tự lo chi phí học hành, sinh hoạt cho các con...”.

Anh Tôn chẳng nói chẳng rằng, cứ im ỉm lặn lội nay đây, mai đó để thực hiện ý tưởng của mình. Ngày cầm trên tay con dấu và hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp, ông giám đốc trẻ đóng cộp xuống bàn như thể thị uy với vợ: “Từ nay anh quyết định làm ông chủ”.

Vợ anh khi ấy bất ngờ với quyết định của chồng, nhưng tin tưởng ông xã sẽ thành công, bởi anh Tôn là người suy nghĩ chín chắn, lại cần cù, chịu thương, chịu khó. Quyết định mở doanh nghiệp cói khi ấy khiến anh gặp không ít trắc trở. Liên tục trong thời gian dài anh nhận được tin nhắn đe dọa từ các số điện thoại lạ, thậm chí tung tin xấu chỉ vì ganh ghét khi thấy doanh nghiệp anh tham gia vào thị trường cói.

Cói được sản xuất thành nhiều mặt hàng thông dụng phục vụ nhu cầu hằng ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Cói được sản xuất thành nhiều mặt hàng thông dụng phục vụ nhu cầu hằng ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Chưa hết, sau khi được thuê hơn 9.000m2 đất làm nhà xưởng, anh Tôn quyết định đánh đường sang Trung Quốc liên hệ với các văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Bắc Kinh để tìm kiếm mối hàng. Chuyến đi đó khiến anh vừa tốn công, lại hao hụt số tiền lớn mà không thu được kết quả gì.

“Một đại diện doanh nghiệp Mỹ khi đó hỏi tôi: Ông có nhà xưởng không, quy mô bao nhiêu? Tôi đáp: Tôi mới bắt đầu làm nên chưa có gì? Vị đại diện doanh nghiệp nghe xong liền từ chối tiếp chuyện: Ông về đi, khi nào có nhà xưởng, máy móc rồi hãy sang đây làm việc”, anh Tôn kể lại trong ấm ức.

Anh Tôn kể chuyện khởi nghiệp từ nghề cói nghe có vẻ đi ngược với xu thế thời bấy giờ. Tôi chen ngang khi ông chủ doanh nghiệp đang say sưa với quá khứ không mấy suôn sẻ: "Tại sao anh không tìm kiếm thị trường trong nước để được hỗ trợ nhiều hơn thay vì thử sức ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ?".

Anh Tôn đáp: “Nếu tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp sản xuất chấp nhận thông qua khâu trung gian nên giá cả sẽ thấp. Nếu mình chấp nhận phương án kinh doanh như vậy thì vẫn là người đi làm thuê cho người khác. Trong khi đó, thị trường quốc tế tuy khắt khe về tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm, nhưng sức mua lớn, có tính ổn định, lâu dài. Hàng xuất sang cho các tập đoàn lớn có thể đặt lên kệ bán ngay”.

Cói được đan rất khéo léo, trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản.

Cói được đan rất khéo léo, trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản.

Cách đây hơn 10 năm, anh Tôn là một trong số ít đại diện của doanh nghiệp Việt Nam được chọn đi cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương sang nước ngoài dự triển lãm các sản phẩm vì phát triển bền vững. Theo anh Tôn, đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chuyến đi đó giúp tôi biết được thị trường nước ngoài đang cần gì và làm cách nào để mở rộng thị trường tiêu thụ. Rất may, trong số 5.000 doanh nghiệp tham gia triển lãm, một doanh nghiệp Tây Ban Nha rất tâm đắc với sản phẩm cói và đã liên hệ đặt hàng”, anh Tôn nhớ lại.

Tuy nhiên, đối tác không những không cho ứng tiền mà còn đặt điều kiện với ông chủ doanh nghiệp cói Nga Sơn: “Ký xong hợp đồng, ông lấy gì để đảm bảo sản phẩm được giao đúng hạn, đúng số lượng, đúng mẫu mã? Anh Tôn không lưỡng lự mà quyết ngay: "Các ông cứ nhận hàng, bán hàng xong trả tiền cho tôi cũng được”.

Quyết định liều lĩnh ấy đặt anh Tôn vào thế "được ăn cả, ngã về không" vì nếu chuyến hàng xuất đi không có hồi âm coi như anh phá sản. Nhưng thật may, không lâu sau đó, đối tác Tây Ban Nha không chỉ gửi tiền hàng mà còn khá ấn tượng về các sản phẩm của doanh nghiệp: “Sau lần đó, họ đặt vấn đề làm ăn lâu dài với doanh nghiệp khiến tôi có mối hàng ổn định", anh Tôn nói và cho biết, đó là lần đầu anh được cầm số tiền lớn để đưa cho vợ con sau nhiều ngày lăn lộn khởi nghiệp.

Biến cói thành sản phẩm OCOP

Theo các vị cao niên, chiếu cói Nga Sơn là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Cói Nga Sơn nổi tiếng sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiều đặc biệt là ít nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này - loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền. Sau này, cói Nga Sơn được xuất sang cả thị trường Liên Xô và Đông Âu (cũ). Năm 2011, cói Nga Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Sản phẩm cói hoàn tất các công đoạn cuối cùng trước khi đóng thùng xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm cói hoàn tất các công đoạn cuối cùng trước khi đóng thùng xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản.

Thế nhưng, khoảng hơn chục năm về trước, để tìm được người giàu với nghề cói ở Nga Sơn khó như… lên trời! Cảnh sống ở “vương quốc cói" mà vẫn không giàu khiến nhiều người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống. Để vực dậy nghề cói, không còn cách nào khác là nâng tầm thương hiệu và giá trị cây cói. Nhắc đến chuyện này, anh Tôn nhớ lại gợi mở của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trong một lần tới thăm doanh nghiệp.

Lần đó, ông Hưng ấn tượng vì các sản phẩm cói được đan kết tinh xảo, đẹp mắt. Vị Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tất cả các sản phẩm này đều có thể đạt OCOP. Đây yếu tố quan trọng góp phần giúp doanh nghiệp khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và tự tin hơn trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho lao động địa phương. Trước sự có mặt của nhiều cán bộ địa phương, ông Hưng đề nghị các ban, ngành, lãnh đạo địa phương giúp đỡ doanh nghiệp làm OCOP từ cây cói... 

Đến nay, nhiều sản phẩm cói của doanh nghiệp anh Tôn đã được công nhận OCOP 4 sao (rổ cói, bình cắm hoa khô, đĩa xa lát…) và hướng tới đạt OCOP 5 sao. Sản phẩm cói của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật. Doanh thu của doanh nghiệp có năm đạt cao nhất khoảng 6 triệu USD.

Để tạo nguồn hàng ổn định, bền vững, anh Tôn đã liên kết với khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn, tạo vùng nguyên liệu, thu hút lao động làm việc trực tiếp, gián tiếp cho Công ty; mở các lớp dạy nghề cho người dân, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật tạo ra hàng hóa vừa an toàn, vừa thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng.

Công nhân bốc xếp hàng hóa, chuẩn bị cho chuyến 'xuất ngoại' của sản phẩm cói. Ảnh: Quốc Toản.

Công nhân bốc xếp hàng hóa, chuẩn bị cho chuyến "xuất ngoại" của sản phẩm cói. Ảnh: Quốc Toản.

Song song với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện điều kiện sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ban đầu, anh Tôn có vẻ tiếc số tiền bỏ ra gần chục tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị, thế nhưng không thể không làm.

“Phía đối tác yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tự động, quy mô xưởng, vấn đề môi trường… theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Các sản phẩm từ cói phải đảm bảo an toàn sức khỏe, thân thiện với môi trường. Nếu không thực hiện theo đúng quy định, họ sẽ chấm dứt hợp tác”, anh Tôn cho biết.

Rất thật, tôi hỏi anh Tôn: Nếu được chọn lại, anh vẫn chọn nghề cói? Anh Tôn thẳng thắn: “Chắc chắn là không! Nhưng nếu ai hỏi tôi có yêu nghề hay không thì các bạn đã có câu trả lời rồi đấy. Đó cũng là lý do tôi gắn bó với cây cói suốt mấy chục năm nay. Tôi không phải người khổng lồ nhưng cảm thấy tự hào mỗi khi sản phẩm cói Nga Sơn có mặt ở thị trường quốc tế”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.