| Hotline: 0983.970.780

'Tam nông' Thanh Hóa - 1 năm nhìn lại: [Bài 3] Một năm thấm đẫm mồ hôi, nước mắt

Thứ Tư 13/12/2023 , 15:53 (GMT+7)

Trong bộn bề khó khăn, nhưng năm 2023, ngành nông nghiệp Thanh Hóa vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất từ trước đến nay.  

Ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng, toàn diện

Trong lần gặp gần đây, tôi hỏi ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT rằng: “Tam nông” Thanh Hóa- 1 năm nhìn lại, điều gì khiến ông ấn tượng nhất? Tư lệnh ngành nông nghiệp Thanh Hóa chia sẻ, đó là một năm thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người nông dân và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở”.

Theo ông Cường, năm 2023 là năm có nhiều biến động thị trường do tác động khách quan, nhưng ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, toàn diện nhất từ trước đến nay (đạt 4,16%, cùng kỳ đạt 3,65%). Ngành nông nghiệp Thanh Hóa chưa bao giờ có được vị thế như hôm nay. Ấn tượng nhất phải kể đến tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, cùng với đó là việc thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, thành quả trên có được một phần nhờ vào việc các dự án nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu phát huy hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo xu hướng tăng trưởng xanh. 

Mô hình trồng hoa cúc ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản. 

Mô hình trồng hoa cúc ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản. 

Cách đây khoảng chục năm về trước, Thanh Hóa vẫn là địa phương có nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, thì nay đang chuyển hướng mạnh mẽ sang nền nông nghiệp hàng hóa, đa giá trị, liên kết bền vững. Điều này giúp nông dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Trước đây, vẫn còn tình trạng nông sản được mùa mất giá, thì nay tình trạng này đã được hạn chế. Tôi lấy ví dụ: Chưa năm nào Mường Lát được mùa sắn như năm nay. Với 3.000ha, huyện Mường Lát thu về 110 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cho người dân. Sản lượng sắn và các loại nông sản khác đã được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra nên nông dân rất yên tâm về giá cả. Việc liên kết bền chặt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ đã đảm bảo đầu ra cho nông sản, giảm rủi ro về thị trường", ông Cường chia sẻ.

Bài liên quan

Điều đặc biệt, mặc dù quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án phát triển công nghiệp, thế nhưng tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp không những không giảm mà còn tăng.

Về việc này, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, kết quả đó có được là nhờ sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Nhờ đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, đã góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản Thanh Hóa ngày càng khẳng định được giá trị, tham gia sâu vào thị trường trong nước và quốc tế.

Điển hình như, tháng 6/2023, hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên đã được Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Hay sản phẩm nước mắm và mắm tôm Lê Gia được ký kết hợp tác xuất khẩu tại những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Quốc Toản.

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Quốc Toản.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp Thanh Hóa trong thời gian qua không thể không kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, được hiện thực hóa thông qua các nghị quyết, quyết sách đúng đắn. Theo tìm hiểu, giai đoạn 2016-2023, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện hàng chục chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao phủ hầu hết các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Điển hình phải kể đến Nghị quyết 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025... Cùng với đó, tỉnh đã dành cả nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, các chính sách phát triển nông nghiệp đi kèm với các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua có tác động sâu sắc, góp phần giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đến giữa tháng 8/2023 toàn tỉnh đã có 22 sản phẩm OCOP tìm được thị trường xuất khẩu. Trong đó có những sản phẩm chủ thể sản xuất đã ký được các hợp đồng liên kết tiêu thụ với đối tác nước ngoài như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty cổ phần sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và có chuỗi bán hàng tại 40 siêu thị ở Mỹ; sản phẩm từ tre luồng của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bamboo Vina (Hà Trung) xuất sang EU và Bắc Mỹ; sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp của Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) xuất đi Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Australia...

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi

Xác định nông nghiệp là 1 trong 5 trụ cột thúc đẩy kinh tế xứ Thanh phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ…

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa xác định việc tập trung đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo động lực cho tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chỉ tính trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh tích tụ tập trung hơn 7,1 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; chuyển đổi hơn 2,4 nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên 82 nghìn ha. Toàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp như: Vùng chuyên canh cây ăn quả tại Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân; vùng chuyên canh nuôi tôm thẻ chân trắng tại Nghi Sơn, Hoằng Hóa; vùng chuyên canh lúa tại Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa...

Theo sở NN-PTNT Thanh Hóa, năm 2023, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn. Theo đó, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 1,57 triệu tấn; mía nguyên liệu đạt sản lượng trên 900 nghìn tấn; rau củ quả 1,5 triệu tấn, cây thức ăn chăn nuôi trên 500 nghìn tấn... Diện tích liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng; giá trị thu được trên đơn vị diện tích bình quân đạt 120 triệu đồng/ha, nhiều diện tích công nghệ cao đạt từ 300 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/ha/năm như: Dưa vàng, khoai tây, ớt xuất khẩu, cải bó xôi, ngô ngọt...

Tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Điều đáng nói là có tới 80% mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định...

Mô hình trồng dưa vàng theo hướng công nghệ cao đang phổ biến tại Thanh Hóa trong những năm qua. Ảnh: Quốc Toản.

Mô hình trồng dưa vàng theo hướng công nghệ cao đang phổ biến tại Thanh Hóa trong những năm qua. Ảnh: Quốc Toản.

Có thể nói, tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết bền vững tại Thanh Hóa thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, trong đó trọng tâm là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này. Nhiều dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn; chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, TH Truemilk; chuỗi chăn nuôi gà gắn với chế biến, tiêu thụ của Công ty cổ phần nông sản Phú Gia; các dự án chăn nuôi lợn của Tập đoàn Dabaco, Xuân Thiện, Newhope; dự án sản xuất sản phẩm tre luồng của Công ty cổ phần Bamboo King Vina, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Quân Hải Châu… đang đóng góp quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Thanh Hóa.

Nhìn lại một năm qua, có thể thấy, nông nghiệp Thanh Hóa đang từng bước chuyển mình để triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh. Những thành quả trong sản xuất nông nghiệp Thanh Hóa trong những năm qua mặc dù còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhưng đủ để thấy, tư duy, định hướng phát triển nông nghiệp của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn đúng đắn. Tất cả đều hướng tới mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống người...

Trong bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp nổi lên những bước đi, cách làm bài bản, sáng tạo của lĩnh vực chăn nuôi. Nhiều dự án lớn, quy mô tổng đàn lên đến hàng ngàn con được đầu tư xây dựng ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, song việc thu hút đầu tư mạnh dạn ấy cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hoá luôn cởi mở, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN. Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thanh Hoá, bên cạnh những nỗ lực lớn của toàn ngành thì việc không để xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm là một tín hiệu tốt trong năm nay.

Thời điểm này, Thanh Hoá được đánh giá là địa bàn sạch dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tín hiệu ấy cho thấy một cái Tết ấm đang về với đồng bào - những người nông dân, DN đang dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ cho một đợt xuất chuồng thắng lợi trước dịp Tết đến xuân về cho nhà nhà ấm no, hạnh phúc!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.