| Hotline: 0983.970.780

Con giun quế, mớ rau rừng và triết lý đạo Phật

Thứ Năm 24/09/2020 , 07:53 (GMT+7)

Cạnh căn nhà trong trang trại rộng 60ha có ngôi chùa nhỏ nơi chị hàng ngày vẫn tụng kinh niệm Phật. Làm nông nghiệp sạch cũng là cách để chị tạo phúc cho đời.

Giun được nuôi ngay trong những luống rau rừng ngoài trời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giun được nuôi ngay trong những luống rau rừng ngoài trời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giã từ con lợn

Từ quy mô nuôi 1.000 con lợn rừng bố mẹ, cung cấp ra thị trường mỗi năm 10.000 lợn giống, lợn thịt, năm ngoái chị quyết định bỏ hết để chuyển sang nuôi giun quế. Không phải lợn rừng không cho lợi nhuận nhưng chị lại quan niệm nuôi thứ gì bán để thịt là sát sinh. Ngay cả con giun quế cũng thế, nhiều người đặt mua để làm thức ăn cho vật nuôi, làm thực phẩm hay chế thuốc chị cũng nhất định không bán, chỉ bán cho ai mua làm giống.

Chị là Trương Kim Hoa - chủ của trang trại Hoa Viên (Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội) một người kín tiếng và hầu như không muốn lộ diện trên báo chí nên tôi phải nhờ mãi mới có cuộc gặp gỡ này.

Trại nằm ngay dưới chân núi Vua Bà thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì. Những đêm mới mưa xong, mát trời là cả vạn, cả triệu con giun ra ăn rào rào, bấm đèn vào thấy đỏ rực cả mảng nhưng hễ nghe thấy chân người là vội vàng chạy trốn khiến cho mặt đất cũng rùng rùng chuyển động.

Chị kể: “Năm 2004 tôi mua được mảnh đất rộng 8.000m2, lập trang trại, thuê người trông coi còn mình vẫn làm cán bộ ngân hàng ở nội thành, thỉnh thoảng mới về đáo qua một lần. Thế nhưng 2 - 3 năm đầu nuôi gà, nuôi bò đều thua lỗ hết, người ta mới bảo rằng tôi rửa tiền.

Chị Hoa (bên phải) đang kiểm tra giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hoa (bên phải) đang kiểm tra giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngẫm cho cùng không có sự quản lý trực tiếp của mình là hỏng hết nên tranh thủ thời gian học thạc sĩ tôi lên ở hẳn trên này để trông coi trang trại. Trước đây tôi ốm yếu lắm nhưng càng làm lại càng thấy khỏe ra nên mới mê. Cứ thế, tiền lãi thu được từ năm này sang năm khác tôi tích cóp mua thêm đất để mở rộng thành hơn 60ha như hiện nay và tới đây còn thêm 50ha nữa ở xã bên. Sau hơn 20 năm đi làm giờ đây tôi đã quyết định nghỉ hẳn để dành hết tâm huyết cho nông nghiệp”.

Nổi tiếng với con lợn rừng và rau rừng, cái nghiệp nuôi giun của chị thoạt đầu cũng chỉ là để xử lý mùi hôi của phân và làm thức ăn cho động vật. Khi ăn giun quế lợn gần như không có bệnh tật gì cả, hơn thế thịt còn thêm thơm ngon, bổ dưỡng hơn. Hiềm một nỗi, giống giun ta hồi ấy kích cỡ nhỏ đã đành, nắng hoạt động ít mà lạnh cũng kém, để khô quá, ướt quá là chết, chậm cho ăn hay mưa là trực bỏ đi. Nhiều khi có khách đến đặt mua mà chị bới ra chẳng thấy con nào cả.

Giống giun mới do chị Hoa lai tạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống giun mới do chị Hoa lai tạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mày mò lai tạo "giống giun liên hợp quốc"

Để khắc phục những nhược điểm trên, chị mày mò lai tạo theo sự mách bảo của trực giác. Bước đầu, chị thả giun ta chung với giun Đức để ra được con lai. Bước thứ hai, thả con lai đó chung với giun Pháp để ra con lai khác. Bước cuối cùng, thả con lai đó chung với giun Ấn Độ để tạo ra con lai hoàn hảo nhất.

Chị thú thật: “Tôi cũng có nhiều thử nghiệm nhưng không thể chọn theo từng cá thể được mà phải chọn theo quần thể. Miệt mài lai các dòng giun của xứ nóng, xứ lạnh với dòng giun ta qua 3 - 4 năm để cho ra giống mới sinh sản khỏe, năng suất cao, đề kháng tốt, dù nuôi ở ngoài trời cũng không bỏ đi, dù mưa cũng không bò theo dòng nước. Cơ thể chúng lớn nên mồm rộng gấp 5 - 6 lần giun ta giúp tăng khả năng xử lý chất thải lên gấp nhiều lần. Cũng nhờ kích thước vượt trội nên loại giun này ít bị dế trũi ăn, đông cũng như hè, bới lên lúc nào cũng thấy lắm”.

Một khu nuôi giun ở ngoài trời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một khu nuôi giun ở ngoài trời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trái với sự hình dung của tôi rằng nuôi giun phải có chuồng lợp mái, có lưới ngăn côn trùng…, chị không chỉ nuôi trong chuồng mà còn ngay dưới đất, dưới tán cây, nói chung là tận dụng mọi khoảng trống. “Trước đây khi làm trang trại tôi rất lo vấn đề cỏ dại, giờ đây chúng cũng có thể ra tiền khi đem vào ủ làm thức ăn cho giun cùng với các cọng rau già, quả thối…”, chị nói.  

Diện tích nuôi giun của chị thường biến động khoảng 5 - 10 ha/năm. Lúc thị trường chưa tiêu thụ nhiều rau thì dùng đất đó để nuôi giun, thu hết giun lại trồng các loại rau rừng như sắng, bò khai, mỏ, sau sau, dền chua… trám chỗ.

Loại phân có mùi… thơm như cà phê

Ngoài tàn dư thực vật, thức ăn chính của giun quế vẫn phải là phân. “Phân chuồng bây giờ khác hẳn với ngày trước vì con lợn lúc xưa ăn bèo, thân cây chuối, cám ta còn nay chỉ ăn cám công nghiệp.

Bởi thế, tôi phải chọn phân trâu, bò nuôi thả rông trên núi, chất thải của chúng rất “sạch” không kháng sinh, thuốc tăng trọng.

Giá mua tới 700.000 - 800.000 đồng/m3 nhưng mang về vẫn phải kiểm tra lại xem có vi sinh vật gây bệnh hoặc kim loại nặng hay không rồi mới ủ với chế phẩm EM, men 2 - 3 tháng để diệt khuẩn sau đó cho giun ăn.

Khi thu hoạch phân giun lại để 3 tháng cho hoai, đưa các chế phẩm sinh học vào xử lý nên nó có mùi thơm như… cà phê và rất là sạch”, chị cười và khẳng định.

Mùa hè cỏ nhiều, trâu bò no nê, thải nhiều phân nên chị tranh thủ nhập mỗi ngày hàng chục chuyến ô tô về để dự trữ. Chị cũng đã triển khai được 10 cơ sở nuôi giun vệ tinh cho mình ngay trong khuôn viên trang trại.

Một cơ sở nuôi giun vệ tinh cho trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một cơ sở nuôi giun vệ tinh cho trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gia đình anh Đường Văn Thành là một cơ sở như vậy. Anh chị rời Phú Thọ lên đây để nuôi giun liên kết trên diện tích khoảng 2.000m2.

“Tôi thu mua phân trâu bò, tận dụng cỏ, tàn dư thừa của rau để làm thức ăn cho giun, mỗi tháng trung bình cung cấp 5 - 7 tấn phân giun với giá 12.000 đồng/kg, ngoài ra còn bán giống với giá 35.000 đồng/kg.

Thực tế, tôi nuôi 7 - 8 năm nay nhưng 3 năm gần đây mới cho lãi khá. Năm 2018 lãi 100 triệu, 2019 lãi 300 triệu, năm nay dự kiến còn hơn bởi nếu nuôi tốt có thể lãi được 50%/ tổng thu, tức khoảng 30 - 40 triệu/tháng…”, anh Thành không giấu giếm.

Lũ giun ngoài đảm bảo phân hữu cơ bón rau cho cả cái trang trại khổng lồ (hiện 60ha, sắp tới sẽ lên 110ha, mỗi 1m2 bón 40kg phân/năm, vị chi khoảng 24.000 tấn/năm) còn bán ra ngoài cả ngàn tấn với giá mỗi tấn 17 triệu. Loại phân cao cấp này đã được Tổ chức Ceres của Đức chứng nhận đủ điều kiện để dùng cho sản xuất hữu cơ theo chuẩn châu Âu.

Dưới mỗi luống rau rừng là một luống giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dưới mỗi luống rau rừng là một luống giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị kể với tôi về kế hoạch sẽ liên kết với nông dân ở 4 xã miền núi trong vùng, cung ứng giống giun cho họ với mức trợ giá 50% rồi thu mua lại phân. Muốn vậy phải thay đổi tập quán của đồng bào, hướng dẫn sao cho trâu bò vệ sinh ngay tại chuồng trước khi chăn thả: “Đầu tư ban đầu để nuôi giun khá thấp vì chuồng trại đơn giản, nếu dày vốn thì thu nhanh còn mỏng vốn có thể tự nhân ra dần dần. Nghề này vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa có phân bón hữu cơ, có thức ăn cho gà, vịt, lợn…”.

Trả lại tự nhiên những gì vốn có

Đất ở đây trước để nguyên thì là đất, còn lật phơi lên thành cứng như đá thế mà giờ đây tơi xốp, tốt tươi, lạ thường. Tất cả là nhờ vào phân giun. Hiện sản lượng rau hữu cơ của trại mỗi ngày 2 - 3 tấn.

Còn các loại thảo dược như giảo cổ lam, xạ đen, mạch môn, đẳng sâm, kim ngân hoa, đinh lăng…những loại cây lúc đầu chị chỉ có ý định trồng để chữa bệnh cho… lợn sau đó thấy hướng cho người sẽ tốt hơn nên mới theo đuổi. Chúng có giá trị cao nhưng lâu cho thu hoạch nên phải trồng rau, nuôi giun để có thể duy trì được lực lượng trên 100 lao động của trại.

Nuôi giun ngoài trời chỉ cần che phủ đơn giản thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi giun ngoài trời chỉ cần che phủ đơn giản thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị bảo con giun quế chính là chìa khóa của nông nghiệp hữu cơ nên Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho dân: “Như tôi bao nhiêu năm rồi toàn tự bỏ tiền túi ra là chính. Đến ngay ngân hàng còn ngại cho những người làm trang trại vay. Cứ bảo là có hỗ trợ lãi suất nhưng họ bảo nông nghiệp toàn lỗ cho vay rất mạo hiểm, vả lại làm kinh doanh mà cho vay hỗ trợ lãi thì còn được gì?”.

Đến trang trại tôi thấy chim chóc, sóc, gà rừng, ong bướm, cóc nhái đủ loại. Chúng tự sinh sôi. Lúc đầu sâu nhiều phải bắt bằng tay nhưng dần dần tự thiên nhiên cân bằng lại bằng các loại thiên địch. Chị dạy cho công nhân cách phân biệt kén của ong mắt đỏ với kén sâu để mà chừa lại, dạy giữ những ổ trứng bọ ngựa hay trứng của các thiên địch khác. Sâu nhiều quá mới chế thảo dược để trừ còn ít thì để cho ong mắt đỏ còn có chỗ đẻ trứng ký sinh. Không có sâu thì đồng nghĩa với không có loại ong quý này.

Chị tâm niệm, sản xất nông nghiệp hữu cơ là mang sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, trả lại cho tự nhiên những gì vốn có. Bởi thế chị lan tỏa tinh thần đó với những người công nhân của mình, giáo dục họ không sử dụng những chất độc hại: “Trồng rau sạch tuy không lãi cao như nhiều người mong đợi nhưng nó tạo phước cho đời. Bây giờ mà tôi bán đất sẽ thu được một đống tiền nhưng vì hàng trăm con người đã từng gắn bó, vì sản phẩm sạch cho cộng đồng, vì tương lai của giống nòi nên không nỡ”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm