Cơ quan quản lý thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số người thiệt mạng do trận động đất ngày 6/2 này đã lên tới hơn 8.500. Trong khi đó, thông tin từ Bộ Y tế Syria cho thấy, số người chết ở các khu vực do chính phủ kiểm soát đã vượt quá 1.200 người.
Ngoài ra, khu vực Tây Bắc Syria do quân nổi dậy kiểm soát đã có ít nhất 1.400 người thiệt mạng. Do đó, tổng số người thiệt mạng ở cả 2 nước đã tăng lên hơn 11.200.
Liên quan đến thảm họa này, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 3,5 triệu người nằm trong phạm vi ảnh hưởng của trận động đất, hàng nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy.
Quan chức cấp cao thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu, Catherine Smallwood, cho biết số người chết trong vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể tăng lên hơn 20.000.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng thời gian dành cho hàng nghìn người bị thương và những người mắc kẹt dưới đống đổ nát không còn nhiều.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đang có hơn 79.000 người tham gia vào công tác tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân sau thảm họa ngày 6/2.
Liên minh châu Âu (EU) đã cử các đội tìm kiếm, cứu nạn đến trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hệ thống vệ tinh Copernicus của khối được kích hoạt để cung cấp các dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp.
Ít nhất 19 quốc gia thành viên EU cũng như Mỹ, Nga, Israel, Anh, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lebanon, Algeria, Pakistan, Nhật, Thụy Sỹ, CH Séc… đã cử hoặc hứa gửi các chuyên gia cứu hộ cùng đồ cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, động đất đã san phẳng hơn 5.600 tòa nhà và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của nước này. Các chuyên gia Mỹ ước tính, thiệt hại về kinh tế có thể tương đương 1% GDP của đất nước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cư dân ở một số thành phố bị tàn phá đã bày tỏ sự tức giận và thất vọng trước những gì họ cáo buộc là “phản ứng chậm chạp và chưa đủ” của chính quyền trước “thảm họa khủng khiếp nhất trong một thế kỷ".
Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. New York Times dẫn lời Renato Solidum, Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines nhận định, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.
Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới. Trận động đất mới đây là trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua kể từ thảm họa cướp đi sinh mạng của 33.000 người năm 1939.