| Hotline: 0983.970.780

Con tôm đổi thay vùng phèn, mặn: [Bài 1] Tỷ phú không phải… nằm mơ!

Thứ Tư 14/09/2022 , 10:44 (GMT+7)

Nhờ biết cách chuyển đổi, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân ở các xã vùng hạ huyện Cần Giuộc (Long An) đã giàu lên, có cả tỷ phú!

Về các xã vùng hạ Cần Giuộc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê trước đây vốn còn nhiều gian khó. Những cánh đồng trồng lúa lâu năm, kém hiệu quả giờ đã lùi xa, nhường chỗ cho những đầm nuôi tôm cứ nối tiếp nhau mọc lên.

Những căn biệt thự khang trang bên đầm tôm ở xã Phước Vĩnh Tây. Ảnh: Trần Trung.

Những căn biệt thự khang trang bên đầm tôm ở xã Phước Vĩnh Tây. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lê Thanh Thuận - Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Vĩnh Tây cho biết, trước đây, người dân trong xã quanh năm chỉ biết chọn cây lúa là chủ đạo trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do đặc thù của xã nằm ở vùng hạ, những cánh đồng trồng lúa chỉ cao chưa đầy 0,5 mét so với mặt nước biển. Người dân chỉ có thể canh tác được một vụ trong năm với năng suất rất thấp, chỉ 2,5 tấn/ha, thời gian còn lại đành phải để hoang do đất bị nhiễm mặn. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, chuyện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chỉ là chuyện trong mơ của người nông dân nơi đây.

Vào những năm 2.000, một số hộ dân trong xã đã tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, kết hợp nuôi tôm trong ruộng lúa. Tuy nhiên, việc kết hợp này cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước ngoặt đã đến khi UBND tỉnh Long An phê duyệt đề án nuôi tôm nước lợ. Theo đó, nhiều cánh đồng thường xuyên ngập mặn trong xã sẽ được chuyển đổi từ canh tác lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú và thẻ chân trắng. Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, không ít hộ còn mạnh dạn đầu tư vào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đem lại hiệu quả vượt trội.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC 3 giai đoạn của gia đình anh Lê Thanh Phong. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC 3 giai đoạn của gia đình anh Lê Thanh Phong. Ảnh: Trần Trung.

Như bao gia đình khác trong xã, hộ anh Lê Thanh Phong (ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây) trước đây cũng làm lúa, loay hoay với đủ thứ cây con nhưng gia đình chưa bao giờ có thể vươn lên làm giàu, dẫu nắm trong tay vài mẫu đất.  “Có gần 3 ha đất lúa trong tay nhưng một thời gian dài, gia đình tôi không tài nào khá lên được vì đất nhiễm phèn, mặn. Sau khi chuyển đổi sang nuôi tôm thì đời sống kinh tế gia đình tôi đã khác hẳn”, anh Phong vui vẻ nói.

Năm 2005, sau khi có chủ trương của địa phương về chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm, gia đình anh Phong tiên phong cải tạo 2 ha đất để đào 3 ao, trong đó 2 cái dùng để nuôi tôm, cái còn lại được dùng làm ao lắng. Kể từ khi chuyển qua nuôi tôm, năm nào gia đình anh cũng bỏ túi từ vài trăm đến cả tỷ đồng. Khi có của ăn của để, nhận thấy tình hình thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, độ mặn thường xuyên thay đổi đột ngột khiến việc nuôi tôm ngày càng khó khăn, năm 2017 gia đình anh lại chuyển từ nuôi tôm kiểu truyền thống sang tôm ƯDCNC. Qua đó, năng suất được cải thiện hơn, 1 ao truyền thống lúc trước nuôi 3 tháng thu hoạch được khoảng 2 tấn tôm, nhưng nay có thể đạt đến 60 - 70 tấn/ha/năm.

Nhờ ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất vừa giúp tôm phát triển nhanh, bảo vệ môi trường tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất vừa giúp tôm phát triển nhanh, bảo vệ môi trường tốt. Ảnh: Trần Trung.

“Trước kia mình nuôi truyền thống, mình thả tôm trực tiếp xuống ao nên không kiểm soát được số lượng và dịch bệnh, mặc dù vẫn có lời nhưng tỷ lệ tôm thất thoát nhiều. Hiện mình nuôi tôm ƯDCNC theo mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Công nghệ cao ở đây mình sử dụng các trang thiết bị tiên tiến gồm máy thổi khí ô xi, máy cho ăn tự động, xi phong đáy, quạt nước để gom chất thải. Ngoài ra, để đảm bảo môi trường nước luôn sạch, khi lấy nước mình sử dụng thuốc tím, sau đó, bơm ra bể lắng để lắng đọng chất hữu cơ, đồng thời sử dụng Clo để xử lý bước tiếp theo đảm bảo nước sạch hoàn toàn mới cấp nước cho ao tôm.

Tương tự, sau nhiều năm theo đuổi nghề nuôi tôm, anh Trần Quốc Việt ở gần đó đã trải qua không ít thăng trầm với nghề. Năm 2019, anh chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống sang nuôi tôm ƯDCNC 2 giai đoạn, nhờ thực hiện hiệu quả mô hình này, hiệu quả kinh tế gia đình được nâng lên rõ rệt.

Anh Trần Quốc Việt chuẩn bị cho vụ nuôi tôm CNC mới. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trần Quốc Việt chuẩn bị cho vụ nuôi tôm CNC mới. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Việt, để đầu tư nuôi tôm hiệu quả, ngoài việc xử lý tốt nguồn nước đầu vào và tìm nguồn con giống tốt, người nuôi tôm phải quản lý tốt môi trường. Do đó, trong quá trình nuôi, anh làm ao ươm để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Điều này góp phần tránh cho tôm bị bệnh, tiết kiệm được chi phí thức ăn. Không chỉ có vậy, tôm giống được nuôi trong ao ươm có sức khỏe và sức đề kháng cao, tôm phát triển nhanh.

Chi phí đầu tư mô hình nuôi tôm ƯDCNC khá cao, tuy nhiên đổi lại việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công cao, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Hiện tại, anh nuôi 2 ha tôm với quy mô 3 ao nuôi, 2 ao ươm và 3 ao lắng. Toàn bộ các công đoạn nuôi đều sử dụng máy móc, thiết bị tạo môi trường ao nuôi sạch. Không những sản xuất giỏi, anh Việt còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm của mình để người dân địa phương áp dụng.

Nhiều tiến bộ KH-KT anh Việt ứng dụng vào nuôi tôm CNC. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều tiến bộ KH-KT anh Việt ứng dụng vào nuôi tôm CNC. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Lê Thanh Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Phước Vĩnh Tây đã có khoảng 1.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Riêng ấp 3 có diện tích tập trung nuôi tôm ƯDCNC nhiều nhất, hiện ấp có khoảng trên 100 hộ nuôi tôm theo hướng này, trong đó 40 hộ ƯDCNC hoàn toàn. Hầu hết các mô hình nuôi tôm ƯDCNC cho hiệu quả cao, chỉ 1.000 m2 nuôi tôm có thể thu hoạch hơn 10 tấn. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn cao, an toàn nên tôm đảm bảo được đầu ra. 

“Hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại so với canh tác lúa truyền thống đúng là một trời một vực. Con tôm đã giúp đời sống bà con được nâng lên. Cái thời một nắng hai sương trên đồng ruộng mà hiệu quả kinh tế thấp giờ đã không còn. Bây giờ chuyện hàng chục hộ mỗi năm thu tiền tỷ từ con tôm là chuyện quá đỗi bình thường, đa phần người nuôi tôm đều đã cất được nhà kiên cố, thậm chí nhà cao tầng. Kinh tế khá giả bà con tích cực tham gia xây dựng địa phương như đóng góp kinh phí vào các hạng mục nông thôn mới như điện, đường, trường trạm... Qua đó, đời sống của bà con ngày càng phát triển hơn”, ông Lê Thanh Thuận - Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Vĩnh Tây nhấn mạnh.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.