Đã sẵn sàng
Cuối năm 2019, TP Móng Cái có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.490 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng là 1.920 ha, sản lượng nuôi trồng khoảng 15.610 tấn các loại. Tuy nhiên, người nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ vốn nặng, do không có thị trường xuất khẩu (XK).
Thêm vào đó, tâm lý lo ngại “tôm ế” vẫn còn ám ảnh từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách thắt chặt NK rơi vào đúng thời điểm thu hoạch tôm. Số lượng tôm thu hoạch lớn, không thể XK khiến người dân tá hỏa tìm hướng tiêu thụ bằng cách đổ buôn cho thương lái nội địa làm cho tôm liên tục rớt giá kỷ lục.
Một tín hiệu khả quan từ ngành chức năng địa phương cho thấy, ngoài những vướng mắc về thị trường XK, hồ sơ đăng ký mã số cơ sở vùng nuôi được các hộ dân hoàn thiện, các tiêu chuẩn đủ điều kiện XK cũng đã bắt đầu được triển khai.
Tính tới nay, gần 80% hộ dân tại TP Móng Cái đã có chứng nhận về quyền sử dụng đất, số còn lại thì cũng có hợp đồng thuê đất dài hạn. Đầu ra cho tôm được xác định chỉ dành một phần cho XK, còn lại hợp đồng với đầu mối tiêu thụ lớn tại các tỉnh, TP trong nước.
Theo báo cáo của TP Móng Cái, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố đạt 70%. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp khiến cho người nuôi tôm tại Móng Cái dè chừng trong vụ đầu năm. Tuy sản lượng thả giống có giảm so với cùng kỳ năm trước, song vẫn được coi là dấu hiệu sản xuất mạnh mẽ trở lại.
Qua quá trình rà soát vùng nuôi tôm tập trung tại xã Bình Ngọc, vào thời điểm này người nuôi tôm đã thả giống cho vụ nuôi mới nhưng tâm lý chung vẫn là thả giống ít và thận trọng hơn trong quá trình nuôi.
Anh Cao Đức Hùng, hộ nuôi tôm ở khu 4, cho hay: Thực ra việc thả giống ít vụ đầu năm là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nếu suy xét cho kỹ thì tôm chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa mới có khả năng ổn định. Trước mắt, chúng tôi không thả giống ồ ạt để tránh như mọi năm đầu ra phập phù, còn khi dịch bệnh kết thúc, chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư phục vụ thị trường XK. Đến nay, chúng tôi đã hiểu rất rõ những yêu cầu của thị trường Trung Quốc và sẵn sàng sản xuất tôm để XK ngay.
Còn tại khu ao đầm rộng 4ha của gia đình ông Nguyễn Hữu Ninh ở xã Hải Tiến trong vụ nuôi đầu của năm cũng chỉ thả giống trên 2/3 diện tích. “Từ đầu năm đến giờ, gia đình tôi mới thả được 1 vụ, tuy nhiên mới chỉ thả 60% diện tích ao đang có. Việc xuống giống với diện tích, tỷ lệ vừa phải để chúng tôi hoàn toàn xoay xở được khi xác định chính đầu ra là tiêu thụ nội địa”, ông Ninh cho biết.
Hiện tất các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn XK vào thị trường Trung Quốc phải có mã vùng nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP do cơ quan quản lý Việt Nam cấp. Tính đến nay đã có khoảng 70% hộ dân đăng ký mã vùng nuôi. Số còn lại đang hoàn thiện nốt thủ tục hồ sơ để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường này.
Đồng hành cùng người nuôi tôm
Ở Móng Cái, mỗi năm, người nuôi tôm có thể nuôi được 3 – 4 vụ. Với mỗi ha nuôi tôm công nghiệp khép kín, năng suất bình quân sẽ đạt trên 10 tấn/ha khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ sẽ đạt 6-7 tấn/ha, nhiều năm nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Gia đình ông Phạm Văn Tín, xã Bình Ngọc, TP Móng Cái vừa mua hơn 1 triệu giống tôm loại trung bình để thả trên 2ha. Vụ đầu năm, ông Tín cho hay sẽ chỉ hướng đến thị trường nội địa, nên sẽ không cần quá khắt khe vào số lượng tôm/kg. Khu nuôi tôm của gia đình ông Tín đã được đầu tư quy mô hiện đại, tuy nhiên vụ nuôi vừa rồi cũng không tránh khỏi thất thu. Ông Tín cho biết: Vụ nuôi này, trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, chúng tôi cũng rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng.
Hiện tất các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn XK vào thị trường Trung Quốc phải có mã vùng nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP do cơ quan quản lý Việt Nam cấp. Tính đến nay đã có khoảng 70% hộ dân đăng ký mã vùng nuôi. Số còn lại đang hoàn thiện nốt thủ tục hồ sơ để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường này.
Được biết hàng năm TP Móng Cái cung cấp miễn phí cho người nuôi tại địa phương một phần con giống và thức ăn các loại. Đồng thời tùy thuộc vào mỗi địa bàn sẽ có hỗ trợ phù hợp cho người dân về kỹ thuật, hệ thống bể chứa, bể lắng, một số vùng nuôi tôm tập trung người dân được cải tiến kỹ thuật, nuôi theo quy trình VietGAP…
Đối với thị trường Trung Quốc, để tạo điều kiện cho các hộ nuôi trồng thủy sản XK thuận lợi, hiệu quả, chính quyền cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động các DN có mã XK hỗ trợ, giúp đỡ người dân để tạo mối liên kết, đảm bảo các điều kiện XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Danh Đức, Trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, hiện nay giá mặt hàng tôm cấp đông xuất sang Trung Quốc thấp hơn từ 15 - 20% so với giá tôm ướp đá, do đó chính quyền vẫn sẽ đề nghị phía Trung Quốc có thêm danh mục tôm cấp đông hỗ trợ bà con, đồng thời nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ các hộ dân còn lại mau chóng có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ.
“Trong thời gian tới, các hộ nuôi tôm sẽ tập trung thực hiện đúng chuỗi giá trị và quy trình đảm bảo ATTP, các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ sẽ tổ chức lại sản xuất theo từng HTX hoặc tổ hợp tác, DN, để thực hiện công tác quản lý, chứng nhận đảm bảo ATTP, cấp chứng thư cho hàng hóa XK. Vướng mắc lớn nhất thời điểm hiện tại do dịch bệnh Covid-19, khi dịch bệnh qua đi, tôm Móng Cái sẵn sàng XK trở lại”, ông Đức cho hay.