| Hotline: 0983.970.780

'Trang điểm' cho công trình thủy lợi

Cống Cầu Xe, 'bức thành' mĩ miều ngăn mặn

Thứ Tư 14/06/2023 , 09:44 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Cống Cầu Xe mang một dáng hình mỹ miều. Bởi ngay từ khi thiết kế công trình, nhiều hạng mục cây xanh và khuôn viên tạo cảnh quan được chú trọng.

Cống nhà sàn giữa dòng sông Thái Bình

Rời công trình thủy lợi Neo - My Động ở huyện Thanh Miện (Hải Dương), hướng về huyện Tứ Kỳ, cuối nguồn của hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải, chúng tôi gặp chút khó khăn khi ứng dụng Google Map nhầm lẫn với địa điểm của cống Cầu Xe cũ và cống Cầu Xe mới được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2019.

Dừng xe hỏi một cụ bà bán rau ở khu chợ quê, cụ nở nụ cười móm mém, tận tình chỉ đường cho chúng tôi về công trình thủy lợi này: “À, cống nhà sàn hả? Cứ đi hết chợ men theo đê là thấy 4 nhà sàn bê tông khổng lồ, đẹp lắm”.

Hóa ra, "nhà sàn" trên cao mà cụ bà mô tả, chính là  4 nhà kỹ thuật vận hành cửa cống án ngữ ở lòng sông Thái Bình.

Cống Cầu Xe, 'bức thành đồng' ngăn mặn, ngăn triều bao bọc, che chở cho toàn bộ vùng hạ du của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Quang Dũng. 

Cống Cầu Xe, "bức thành đồng" ngăn mặn, ngăn triều bao bọc, che chở cho toàn bộ vùng hạ du của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Quang Dũng. 

Càng đến gần càng thấy sự uy nghi, vững chãi của “bức thành đồng” ngăn mặn từ sông Thái Bình giữa một khuôn viên xanh, sạch, tươi mát cùng hàng hoa cây cảnh đủ sắc màu. Trong khuôn viên, nơi sinh hoạt cộng đồng, từng tốp người dân trên bờ kè thả cần câu, gần đó, đám trẻ í ới gọi nhau thả diều.

Cống Cầu Xe uy nghi là thế mà vẫn chứa đựng sự gần gũi mà thân thương, như đang giang tay che chở, bao bọc cho vùng hạ du của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, khác xa với vẻ thô kệch vốn có của toàn bê tông cốt thép của một công trình thủy lợi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Việt - Trạm trưởng Trạm quản lý cống Cầu Xe - An Thổ chia sẻ: “Ngay từ khi cống Cầu Xe trong giai đoạn thiết kế, Công ty Bắc Hưng Hải đã đề nghị các chuyên gia vừa tính toán đảm bảo kỹ thuật, vừa đảm bảo tính mỹ thuật của công trình. Do đó, ngay sau khi công trình hoàn thiện đưa vào sử dụng, Công ty có chủ trương xây dựng cảnh quan, quy hoạch khu vực khuôn viên và cây xanh”.

Dù mới đưa vào hoạt động từ năm 2019, với bàn tay khối óc của cán bộ, công nhân viên Trạm quản lý cống Cầu Xe - An Thổ, khuôn viên cảnh quan công trình trở nên mềm hơn, xanh hơn, gần gũi hơn. Ảnh: Huy Bình. 

Dù mới đưa vào hoạt động từ năm 2019, với bàn tay khối óc của cán bộ, công nhân viên Trạm quản lý cống Cầu Xe - An Thổ, khuôn viên cảnh quan công trình trở nên mềm hơn, xanh hơn, gần gũi hơn. Ảnh: Huy Bình. 

Theo đó, trạm đã chia từng phân khu và cho các cán bộ, công nhân viên bốc thăm phạm vi phụ trách. “Cái này để tránh cho việc anh em tị nạnh, chị em cũng phải cùng tham gia nhưng được ưu tiên khu vực gần nhà điều hành hơn”, ông Việt nói. Đồng thời, toàn khu vực đã được hoạch định trồng loại cây gì để thống nhất về mặt cảnh quan cho phù hợp với tính chất công trình mà vẫn đảm bảo tính mỹ quan, tổng thể.

“Anh em được giao chăm sóc, nhưng không phải mạnh ai người đấy trồng, như vậy sẽ rất lộn xộn, mất mỹ quan, mà người chê đầu tiên ở đây là bà con. Việc lên kế hoạch trồng, phân công đều được họp toàn thể cán bộ công nhân viên và anh em cũng đồng thuận cao. Vì nhiệm vụ vận hành công trình thủy lợi, lúc nào đơn vị cũng phải trực 24/24 bất kể ngày nghỉ, nên nơi đây như là ngôi nhà thứ 2 của anh em cán bộ, công nhân”, ông Việt chia sẻ.

Anh Huy, công nhân công trình thủy lợi cống Cầu Xe được giao chăm sóc vườn mít 60 năm cho biết: “Chúng tôi hy vọng vài năm nữa cây cối sẽ phủ xanh toàn bộ diện tích đất vườn và khu quản lý, tạo nên không gian đẹp để bà con vui chơi, giải trí".

Anh Huy đang chăm sóc vườn mít 60 năm - niềm tự hào nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên công trình thủy lợi cống Cầu Xe. Ảnh: Quang Dũng. 

Anh Huy đang chăm sóc vườn mít 60 năm - niềm tự hào nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên công trình thủy lợi cống Cầu Xe. Ảnh: Quang Dũng. 

Bức thành ngăn mặn

Cảnh "mười năm chín hạn", "sống ngâm da, chết ngâm xương" đã trở thành nỗi ám ảnh của nông dân nhiều địa phương Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên trước khi có hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Trong khi nhiều vùng thường xuyên chịu cảnh thiếu nước tưới thì những vùng trũng thấp lại trở thành rốn lũ. Hệ thống thủy lợi manh mún đã làm cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn.

Nằm ở cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là khu vực trũng thấp, thường xuyên ngập lụt, cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn từ sông Thái Bình vào hệ thống nội đồng.

Trước năm 1966, năng suất trồng lúa rất thấp, mặc dù giống lúa chịu ngập nước được đưa vào trồng nhưng kết quả cũng không mấy khả quan, sản lượng chỉ đạt 80kg/sào. Sau khi công trình cống Cầu Xe cũ (có qui mô 6 cửa x 8 = 48m và 1 âu thuyền rộng 6m) hoàn thiện và đi vào hoạt động, công trình có nhiệm vụ cùng với cống An Thổ tiêu tự chảy hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Nhờ đó, đảm bảo cho khu vực Tứ Kỳ không còn bị ngập úng, nhiễm mặn và năng suất trồng lúa tăng lên.

Nằm ở vị trí cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, cống Cầu Xe - An Thổ đóng một vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ thống, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gồm: ngăn triều, tiêu thủy và lấy nước ngược. Ảnh: Quang Dũng. 

Nằm ở vị trí cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, cống Cầu Xe - An Thổ đóng một vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ thống, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gồm: ngăn triều, tiêu thủy và lấy nước ngược. Ảnh: Quang Dũng. 

Tuy nhiên, sau hơn 50 năm vận hành đã xuống cấp nghiêm trọng khiến nhiệm vụ tiêu thoát nước ngăn mặn không thể đảm bảo được. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống, công trình do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 2 làm Chủ đầu tư. Công trình cống Cầu Xe mới được xây dựng thay thế cống Cầu Xe cũ tại vị trí cách cống cũ về phía hạ lưu 310m.

Cùng với cống An Thổ, cống Cầu Xe mới có nhiệm vụ tiêu thủy cho 86,793ha của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; ngăn lũ, ngăn mặn từ sông Thái Bình vào nội đồng, lấy nước ngọt từ sông Thái Bình để tưới hỗ trợ cho hệ thống; đảm bảo an toàn công trình, phòng chống bão lụt; kết hợp phát triển giao thông thủy;...

Đặc biệt, cống Cầu Xe mới là công trình đầu tiên trong khu vực đồng bằng sông Hồng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thiết kế cống kiểu đập trụ đỡ, có khẩu độ thoát nước gần gấp đôi so với thiết kế ban đầu nhưng kinh phí giảm hơn 30 tỷ. Đặc biệt, cống được xây dựng trên lòng sông cũ không phải mất đất vĩnh viễn 6ha. Đây cũng là công trình đầu tiên được trang bị đóng mở bằng tời thủy lực với sức nâng 25 tấn nhưng kết cấu nhỏ gọn và điều chỉnh được tốc độ nâng hạ cánh van.

Theo ông Việt, để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, việc lấy nước ngược từ cống Cầu Xe - An Thổ đóng vai trò quan trọng trong việc thau rửa hệ thống, đồng thời đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho diện tích lúa trong phạm vi phục vụ.

Chính bởi bàn tay, khối óc sáng tạo và xuất phát từ tình yêu đối với công trình thủy lợi, vượt qua nhiều khó khăn, các cán bộ công nhân công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã góp phần khoác các công trình thủy một chiếc áo mới xanh hơn, gần gũi hơn, góp phần tạo dựng cảnh quan xanh hướng đến phát triển du lịch nông thôn.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.