| Hotline: 0983.970.780

'Trang điểm' cho công trình thủy lợi

May áo mới cho công trình 'vắt đất ra nước, thay trời làm mưa'

Chủ Nhật 11/06/2023 , 14:38 (GMT+7)

Nhờ mặc 'chiếc áo' xanh, những công trình thủy lợi dần trở thành nơi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, góp phần tạo nên một hệ sinh thái du lịch nông thôn của địa phương.

Căng mình chống xâm phạm công trình thủy lợi

Khi nhắc đến công trình thủy lợi, trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta đều hiện lên một hệ thống hạ tầng kỹ thuật với bê tông, cốt thép thô kệch và bất khả xâm phạm, nhất là những công trình thủy lợi trọng điểm.

Xuất phát từ tình yêu thủy lợi, yêu nghề, cán bộ, công nhân tại các công trình thủy lợi của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã tự vận động cùng nhau thay đổi cảnh quan công trình, biến các công trình đầu mối trở nên gần gũi hơn với người dân địa phương.

Những công trình thủy lợi dần trở thành nơi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, phát triển văn hóa xã hội, góp phần tạo nên một hệ sinh thái du lịch nông thôn của địa phương.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Quang Dũng. 

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Quang Dũng. 

Hệ thống Bắc Hưng Hải được 'thai nghén' từ cuộc cách mạng thủy lợi, khởi đầu cho công cuộc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” đầu tiên của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là công trình trọng yếu quốc gia, phục vụ tưới tiêu và thoát úng cho một khu vực rộng lớn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Cứ tưởng một hệ thống công trình 'già nua' trước sự tàn phá của thiên nhiên sẽ cũ kỹ và thô kệch. Thế nhưng, thực tế lại trái ngược. Mỗi công trình "nên thơ" với những hàng cây lớn nhỏ, hoa hoa khoe sắc thắm, được sắp xếp một cách chỉn chu.

Hai bên bờ tả hữu của công trình thủy lợi Cống Neo nay đã trở thành công viên và là nơi sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của người dân thị trấn Thanh Miện (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Huy Bình. 

Hai bên bờ tả hữu của công trình thủy lợi Cống Neo nay đã trở thành công viên và là nơi sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của người dân thị trấn Thanh Miện (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Huy Bình. 

Công trình thủy lợi Neo – My Động từ lâu đã trở thành cổng chào của thị trấn Thanh Miện (huyện Thanh Miện, Hải Dương), hiện ra với hàng cây xanh mướt được bố trí hợp lý, lề lối, gọn gàng ngỡ như công viên hai bên bờ tả hữu.

Ông Lê Ngọc Thu – Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình thủy lợi Neo – My Động cho biết, công trình được đưa vào vận hành từ năm 1962, khu nhà quản lý, chỗ ở của cán bộ, công nhân viên trạm bơm chỉ là một căn nhà cấp 4, xung quanh trạm bơm được bao phủ bằng vườn cây keo. Quang cảnh khi ấy nom âm u lắm.

Công nhân Trạm Quản lý công trình thủy lợi Neo – My Động đang vận hành nâng hạ cửa cống theo chu kỳ thủy triều. Ảnh: Quang Dũng. 

Công nhân Trạm Quản lý công trình thủy lợi Neo – My Động đang vận hành nâng hạ cửa cống theo chu kỳ thủy triều. Ảnh: Quang Dũng. 

Cũng theo ông Thu, trước đây, các công trình thủy lợi thường nằm cách xa khu dân cư và không chú trọng đến cảnh quan. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh, cư dân thị trấn Thanh Miện đã sinh sống ngày một đông xung quanh công trình thủy lợi, dẫn đến nhiều vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình. Bên cạnh đó, sau hơn 60 năm vận hành, công trình ngày một xuống cấp, tạo nên khung cảnh nhếch nhác án ngữ ngay cổng thị trấn.

“Cầu Cống Neo vốn là cửa ngõ thị trấn Thanh Miện nên các xe có tải trọng lớn thường xuyên qua lại, nhiều xe vượt quá tải trọng cho phép, trong khi công trình đang ngày một xuống cấp. Thời điểm đó, cán bộ, công nhân viên của trạm phải thường xuyên túc trực để ngăn chặn không cho xe có tải trọng lớn qua cầu, thậm chí còn phải tự bỏ tiền mua các thiết bị ghi hình, phân công nhau túc trực để ghi lại các trường hợp xe vi phạm gửi cho cơ quan chức năng xử lý”, ông Thu nói.

Ngoài ra, trước đây, công trình không có bờ kè phân định rõ ràng nên tình trạng xâm lấn đất của các hộ dân lân cận ngày một tăng, có trường hợp người dân xây dựng sát mép nước.  

Trước tình hình đó, trạm đã đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho nâng cấp công trình gồm bờ kè, nhà quản lý và điện khí hóa toàn bộ hệ thống vận hành cống Neo.

Năm 2015, cầu Cống Neo và cầu Tràng Thưa được Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp, cùng với đó Công ty Bắc Hưng Hải đã đầu tư nâng cấp toàn bộ công trình, khiến công trình trở thành điểm nhấn ấn tượng với khách phương xa và người dân địa phương.

Công trình là nhà

Chủ trương của ban lãnh đạo Công ty Bắc Hưng Hải là biến các công trình thủy lợi trở nên đẹp hơn, mỹ quan hơn, gần gũi hơn, để các công trình không chỉ phục vụ tưới tiêu mà còn tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn hướng, phục vụ phát triển du lịch tại địa bàn nơi có công trình.

Bởi vậy, cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý công trình thủy lợi Neo – My Động đã tự bỏ tiền của, công sức mua cây xanh để trồng, tạo dựng cảnh quan khu vực công trình thủy lợi.

Người dân tập thể dục tại khuôn viên bờ kè công trình thủy lợi Neo – My Động. Ảnh: Huy Bình. 

Người dân tập thể dục tại khuôn viên bờ kè công trình thủy lợi Neo – My Động. Ảnh: Huy Bình. 

“Coi công trình là nhà, thì phải làm sao để nhà của mình thêm xanh, sạch đẹp, anh em cũng đã nhiều lần họp bàn xem làm thế nào để tạo cảnh quan và đi đến thống nhất phân công mỗi người chăm sóc một khu vực, nhưng việc trồng và chăm sóc phải thực hiện theo đúng quy hoạch mà chi bộ trạm đã thống nhất, như vậy nó mới nhất quán, có lề lối, chỉn chu, chứ không phải mạnh ai người đấy làm.

Kết quả như các cậu thấy đấy, hai bên bờ tả hữu nay đã thành công viên, cây cối ngoài một ít kinh phí của trạm còn đâu toàn tiền bạc, công sức của anh em công nhân. Sáng sớm với chiều, bà con ra đây tập thể dục, hóng mát tấp nập. Anh em chúng tôi mừng lắm vì nó là sự công nhận của cộng đồng. Ngoài ra, sự tụ họp giao lưu, cũng là cơ hội để chúng tôi mở mang thêm văn hóa, kiến thức, cũng như tuyên truyền vận động bà con chung tay bảo vệ công trình. Năm vừa rồi, chính quyền địa phương cũng đầu tư thêm máy tập thể dục để phục vụ bà con khiến nơi đây ngày thêm đông vui”, ông Thu tự hào chia sẻ.

5 giờ chiều, sau cơn mưa mùa hạ, bầu trời phía tây ửng đỏ. Chúng tôi lang thang ngắm nhìn khung cảnh xanh mướt, gần gũi mà thân thiện, những 'tấm thảm' lục bình lềnh bềnh trên mặt nước được công nhân trạm bơm chém rời ra lững thững trôi qua cửa cống tạo nên khung cảnh thanh bình của một làng quê Bắc bộ.

Một vài người dân thị trấn Thanh Miện đã có mặt tập thể dục như một thói quen thường nhật.  “Từ khi công trình được nâng cấp, cảnh quan được cải thiện đẹp hơn hẳn, dân chúng tôi thường xuyên ra đây sinh hoạt, nay vừa mới mưa xong nên cũng chỉ lác đác vài người, chứ bình thường giờ này đông lắm, đến tối còn đông nữa, cứ dịp lễ tết là nhiều người diện đồ đẹp ra đây chụp ảnh”, anh Toàn người dân thị trấn Thanh Miện cho biết.

Ông Trịnh Thế Trường – Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nhận định: “Trước sự phát triển của kinh tế, xã hội, các khu dân cư ngày một xích lại gần với các công trình thủy lợi. Do đó, các công trình thủy lợi không thể giữ nguyên theo thiết kế, lề lối cũ, “bế quan tỏa cảng” được nữa, đặc biệt trong bối cảnh phát triển du lịch nông thôn, cảnh quan trở thành yếu tố quan trọng như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhiều lần nói về kinh tế nông nghiệp. Do đó, với những công trình mới, bên cạnh thiết kế kỹ thuật chúng tôi còn yêu cầu thêm cả về mỹ thuật làm sao để công trình tạo thành điểm nhấn cho cảnh quan tại địa phương”.

Nhận thức ý nghĩa lịch sử của hệ thống Bắc Hưng Hải, các cán bộ công nhân viên đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi, phối hợp với chính quyền địa phương, tự mình cải tạo khu vực. Xuất phát từ tình yêu đối với thủy lợi, các cán bộ, công nhân viên đã đề xuất, hưởng ứng trồng cây chăm sóc cảnh quan, như làm sống lại công trình thủy lợi, biến các khu vực bờ kè hai bên tả hữu thành công viên, nơi sinh hoạt thân thuộc của nhiều thế hệ người dân.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.