| Hotline: 0983.970.780

Công cụ mua vui

Thứ Hai 25/06/2012 , 11:01 (GMT+7)

Theo kế hoạch, nửa cuối năm 2012 sẽ là thời điểm các show truyền hình thực tế chiếm lĩnh sóng truyền hình...

Theo kế hoạch, nửa cuối năm 2012 sẽ là thời điểm các show truyền hình thực tế chiếm lĩnh sóng truyền hình, khi 2 chương trình “Cuộc đua kỳ thú”, “Tôi là người dẫn đầu”… đang hấp dẫn người xem, thì một loạt các chương trình khác như “So you think you can dance” (1 chương trình chuyên về nhảy) được xác định lên sóng vào tháng 10; “The Voice” (ca hát) sẽ lên sóng vào ngày 8/7; Vietnam Idol (ca hát) sẽ lên sóng vào tháng 10… khiến loại hình truyền hình giải trí này đang bùng nổ tại Việt Nam.

Nhà  phê bình Karl Gunns đã từng cho rằng: “Người có tài hay không có tài đều là một công cụ mua vui cho khán giả truyền hình. Đó là mục đích tối thượng”.


Cuộc thi The Voice phiên bản Việt lên sóng VTV3 vào ngày 8/7

1. Khi quy chiếu tiêu chí vào khán giả Việt Nam, có một bộ phận khán giả và thí sinh tham gia các cuộc thi hát mang tính chất truyền hình thực tế không nghĩ vậy, họ mang những kì vọng riêng…

Để rồi, sau mỗi cuộc thi – người ta lại tự đặt câu hỏi. Ca sĩ A, B… thi Sao Mai – Điểm hẹn (SMĐH) đâu rồi nhỉ? Sao không hoạt động gì đi? Rồi Quán quân Vietnam Idol đâu rồi? Sao biến mất tăm vậy… Những thí sinh tham gia cũng tưởng bở những cuộc thi đó là những “cỗ máy” tạo ngôi sao cho thị trường âm nhạc. Rồi, sau cuộc thi được khoảng một hai tháng đầu tiên, lợi dụng độ “hot” sẵn có, bầu sô săn đón, vài tháng sau - “tịt ngóm” vì chỉ có thế, và không chịu tư duy hướng đi, thẩm mỹ âm nhạc và phát triển nghề nghiệp.

Tính đến nay, phần hậu cuộc thi SMĐH và Vietnam Idol, những ai còn hoạt động thường xuyên? Chúng ta có Tùng Dương, Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Anh, Phương Linh, Anh Khoa, Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Quốc Thiên…, số còn lại hoạt động cầm chừng, số ít thì mất tăm và thậm chí, có người còn tuyên bố giải nghệ.

Đó là những người của 2 cuộc thi lớn và có tiếng tăm nhất định, còn một loạt các cuộc thi ca hát khác, ít ai biết người thắng cuộc đang làm gì và hát ở đâu, chứ đừng nói tới, những ai đã tham gia cuộc thi và họ đã thành ngôi sao hay chưa?

Tương tự như vậy, là các cuộc thi X-Factor, Pop Idol, Got Talent và cả Next Top Model… ở phương Tây, họ chỉ đơn thuần xem đó là cơ hội lớn để làm “bàn đạp” cho việc phát triển sự nghiệp.

Kì vọng, rồi thất vọng bởi nhân tố con người sau những cuộc thi này, chỉ một số ít tỏa sáng, số còn lại… rất mờ mịt, nhiều thí sinh tham gia rồi biến mất, hoặc chinh chiến ở cuộc thi khác, hoặc quay lại công việc thường ngày - làm anh đầu bếp, làm bà nội trợ, anh nhân viên của một tổ chức phi chính phủ… nào đấy.

2. Lẽ dĩ nhiên, chẳng phải hồ đồ mà người ta kết tội truyền hình thực tế là một dạng “rác rưởi” của truyền hình. Bởi người ta nhận ra sự ê chề, ảo tưởng, lừa lọc, lợi nhuận… Mỗi người chơi tham gia từng được một nhà báo truyền hình ví như là “kẻ mua vui” cho khán giả, bất kể tài hay không tài…

Người ta thêu dệt lên một quá khứ đầy bi kịch cho Susan Boyle và dĩ nhiên, không quên thêm vào một vài chi tiết như, bà già góa bụa cô độc này có tý thiểu năng. Để rồi, khi không được chức quán quân, Susan Boyle ngất xỉu, người ta lại có cái cớ để cười: “Thiểu năng sao khôn vậy? Muốn về nhất cơ?” hay muôn vài lí do bào chữa rằng, chương trình chúng tôi nhân văn vậy đấy khi cứu rỗi những tài năng… bị lãng quên.

Một show khác, rất thời thượng mang tên Next Top Model, có gì hay khi những người mẫu tham gia, được mấy người tỏa sáng?

Cá biệt hơn, phiên bản này ở Việt Nam, làm người ta ít nhiều ảo tưởng đến cùng cực về một thế hệ chân dài mới, nào là phải xấu tính, nào là phải tranh giành, tất nhiên, những cái đó được “đội lốt” bằng những ý nghĩa lý tưởng như: mang tinh thần chiến đấu, chuyên nghiệp, tìm tòi… Nếu Vietnam’s Next Top Model mùa thứ 3 sắp diễn ra, lại ngập tràn những cô gái “chiến”… thì (với tôi) cũng không quá ngạc nhiên lắm.

Cuối cùng là gì, những cái đó mới là cái khiến khán giả xem đấy. Chứ mấy cô mang tiêu chuẩn chuyên nghiệp, nào là trình diễn được áo quần, khung xương đẹp… mà không xấu tính… thì ai xem đây? Thế mới là truyền hình thực tế chứ!

3. Cuối cùng, tôi chỉ xin nói rằng! Đừng kì vọng nhiều vào truyền hình thực tế!

Vì đơn giản, nó vẫn là chương trình truyền hình, người xem truyền hình vẫn là ưu tiên tối thượng, chương trình không hay, không mang tính giải trí thì ai sẽ xem?

Next Top Model mà không cãi nhau thì ai xem nào? Cặp đôi hoàn hảo – đã có chữ “cặp đôi” mà lại chả có đôi nào hôn nhau thì nhạt chết? Rồi Vietnam Idol à, không scandal… thì sao hấp dẫn khán giả được? Còn Tìm kiếm tài năng, bản thân chữ tài năng luôn… khiến sự tiềm ẩn ảo tưởng trong mỗi con người trỗi dậy! Thế thì chết chưa! Ảo tưởng đến thế là cùng.

Tôi lại đặt một vòng câu hỏi cho những người xung quanh tôi: Bạn thích xem truyền hình thực tế không?

Nhiều người thích lắm, nói đâu xa xôi, mẹ tôi thích “Cặp đôi hoàn hảo”; em họ tôi thích “Bước nhảy hoàn vũ”; thằng bạn thân tôi thích “Hợp ca tranh tài”…

Còn tôi, tôi biết vậy nhưng vẫn mê thể loại truyền hình này, chỉ có điều tôi không kì vọng gì.

Xem thêm
Vầng trăng thơ ấu: Phim về thời niên thiếu của Bác Hồ

Bộ phim khắc họa thời thơ ấu của Bác Hồ lúc còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ vào Huế sinh sống mang tên 'Vầng trăng thơ ấu'.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.