* Nhập vào 1.800đ/kg, bán ra 8.500đ/kg
Ngày 19/8, hai xe container mang biển kiểm soát 95R-00003 và 51R-05001 từ từ tiến vào chợ nông sản Đà Lạt rồi dừng lại. Cửa thùng bung mở, lập tức hàng chục người leo lên bốc từng bao tải khoai tây Trung Quốc đặt lên cân rồi thoăn thoắt chuyển vào trong kho cất trữ.
Thực trạng này diễn ra thường xuyên, nhất là mỗi khi khoai tây Đà Lạt khan hiếm, không đúng mùa thu hoạch...
Sẽ không có gì đáng nói nếu như các tiểu thương khi tiêu thụ thể hiện rõ đây là khoai tây nhập từ Trung Quốc. Song thực tế không phải vậy. Ở chợ nông sản Đà Lạt có hẳn một công nghệ "thay áo" cho khoai tây Trung Quốc thành Đà Lạt.
Cụ thể, những người có sức khỏe yếu, chủ yếu là phụ nữ đảm đương công đoạn “phù phép” cho khoai tây. Họ dùng máy có gắn động cơ công suất lớn rửa sạch lớp đất đen bám trên củ khoai tây Trung Quốc.
Khoai tây Trung Quốc được rửa sạch lớp đất sẽ có màu trắng sáng
Tiếp đó, chủ vựa rải lên đống khoai tây này lớp đất đỏ bazan trông giống hệt như khoai tây Đà Lạt, chờ khô và đóng bao. Đặc biệt, dù được rửa bằng máy với số lượng lớn, sức cọ sát cao, va chạm mạnh nhưng loại khoai này tuyệt nhiên không bị chầy xước lớp vỏ ngoài như nông sản cùng loại của Đà Lạt.
Chủ một vựa nông sản cho biết, giá bán khoai tây tại chợ nông sản Đà Lạt thời điểm này là 8.500đ/kg, trong khi giá gốc nhập vào chỉ 1.800đ/kg, điều đó cho thấy đây là món hàng kinh doanh siêu lợi nhuận.
Nhập khoai tây Trung Quốc về và chỉ bằng một động tác, các tiểu thương nơi đây đã dễ dàng biến khoai tây Trung Quốc giống hệt mặt hàng cùng loại của Đà Lạt rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ với giá cao kiếm lời.
Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, có người đã ví von: Chợ nông sản Đà Lạt là điểm dừng chân để khoai tây Trung Quốc “mặc áo mới”.
Chỉ với một động tác đơn giản là phủ lên lớp đất đỏ đặc trưng của vùng đất cao nguyên, khoai tây Trung Quốc nghiễm nhiên bán với giá cao, thiệt hại thuộc về người tiêu dùng. |
Theo Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, từ tháng 7/2015 đến nay, các tiểu thương đã nhập khoai tây Trung Quốc về chợ này hơn 100 tấn. Lần nhập gần đây nhất là ngày 19/8 với số lượng 28 tấn khoai tây, chủ hàng là bà Nguyễn Thị Vân.
Ông Nguyễn Thế Hiền, tổ phó tổ quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết, khi tiến hành khiểm tra, chủ hàng vẫn thừa nhận đây là khoai tây Trung Quốc và xuất trình đầy đủ các giấy tờ hợp lệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm nên không có lý do gì để xử phạt những người này.
Riêng việc “mặc áo mới” cho khoai tây Trung Quốc để nó giống với nông sản cùng loại của Đà Lạt khiến người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn.
Khoai tây Trung Quốc được nhập vào chợ nông sản Đà Lạt
Ông Hiền giải thích, đó là yêu cầu của các đầu mối nhập hàng ở TPHCM, họ muốn làm thế cho khoai đẹp hơn, màu sắc tươi hơn. Khi ra khỏi chợ, họ giới thiệu đây là nông sản có xuất xứ từ đâu thì chúng tôi không biết, chứ ở đây thì chúng tôi xác định là khoai tây Trung Quốc, tiểu thương cũng thừa nhận là hàng Trung Quốc.
Theo thống kê, tại chợ nông sản Đà Lạt tổng cộng có 75 hộ đang hoạt động, trong đó 24 hộ kinh doanh khoai tây. Vào thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100% các hộ đều kinh doanh khoai tây Trung Quốc. 90% số khoai tây Trung Quốc được “gia công” ở Đà Lạt sẽ tiêu thụ tại thị trường TPHCM.