Nghề nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến nay đã được gần 20 năm và công nghệ nuôi cá tầm cũng được Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) xây dựng, hoàn thiện. Các quy trình này cũng đã được nhân rộng cho các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nuôi cá tầm.
Đến nay, Lâm Đồng đứng đầu cả nước về sản lượng nuôi cá tầm thương phẩm. Tuy nhiên, nuôi cá tầm hiện nay chủ yếu tập trung vào 2 công nghệ: Nuôi nước chảy trong ao lót bạt, bể xi măng và nuôi trong lồng bè trên hồ chứa. Sản lượng cá tầm hiện nay tập trung chủ yếu ở mô hình nuôi nước chảy trong bể xi măng và các trang trại thường xây dựng ở các sông suối đầu nguồn để thực hiện công nghệ này.
Thực trạng là các vùng sông suối đầu nguồn có điều kiện nguồn nước phù hợp để nuôi theo công nghệ trên gần như đã bị khai thác hết, dẫn đến việc gia tăng sản lượng rất khó. Trong khi đó, Lâm Đồng có vùng khí hậu phù hợp để nuôi cá tầm rất lớn, với khoảng 60% diện tích của tỉnh.
Tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… có những tiểu vùng nhiệt độ phù hợp nuôi cá tầm nhưng nguồn nước để nuôi theo công nghệ nước chảy lại không đảm bảo. Trong khi đó, các ao nuôi truyền thống ở những vùng này có diện tích tương đối lớn nhưng phát triển nuôi cá truyền thống đạt hiệu quả thấp.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung nghiên cứu công nghệ nuôi mới, tận dụng các vùng khí hậu phù hợp với cá tầm, từ đó mở rộng phạm vi, vẫn sử dụng ao nuôi cá truyền thống nhưng chuyển đổi đối tượng nuôi làm tăng thu nhập, giá trị trong nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ 'sông trong ao' của Isarel để xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm thích hợp với điều kiện tỉnh Lâm Đồng” của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng được ra đời, nhằm nghiên cứu khảo nghiệm tìm ra công nghệ nuôi phù hợp, mở rộng quy mô phạm vi nuôi cá tầm, tăng sản lượng cá nước lạnh.
Ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung cho biết, quy trình này xây dựng một cái mương tạo thành dòng chảy đặt trong ao đất, tỉ lệ mương nuôi cá chiếm 5-7% diện tích ao nuôi, phần còn lại của ao để chứa nước, vận hành cho hệ thống.
Hệ thống thiết bị công nghệ "sông trong ao" gồm máy thổi khí vận hành liên tục; máy quạt nước để tăng cường hàm lượng oxy qua mương nuôi; thu gom và loại bỏ chất thải ra khỏi hệ thống nuôi; máy phát điện dự phòng luôn sẵn sàng vận hành. Qua đó, tạo ra dòng chảy nhân tạo và đảm bảo nguồn nước luôn sạch để ao trở thành sông phù hợp với loài cá nước lạnh.
“Ưu điểm của công nghệ này là duy trì, kiểm soát được chất lượng nước cũng như môi trường trong ao nuôi; duy trì được hàm lượng oxy cho mương nuôi trong suốt vụ nuôi rất ổn định. Bên cạnh đó, nuôi trong đơn vị nhỏ nên quá trình nuôi thao tác rất dễ dàng, đem lại năng suất và mật độ cao hơn so với thả ở các ao lớn”, ông Lê Văn Diệu cho hay.
Hiện nay, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung nuôi với mật độ tương đương với công nghệ nuôi nước chảy, kết quả thu được cá tăng trưởng tốt và tỷ lệ sống trên 80%.
Từ những ưu điểm của công nghệ nuôi cá tầm "sông trong ao", Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo giới thiệu phổ biến rộng rãi mô hình cho các địa phương có điều kiện phù hợp để nuôi cá tầm trên toàn tỉnh Lâm Đồng.
Đây là công nghệ đầy hứa hẹn, dễ dàng áp dụng cho các vùng nuôi cá truyền thống ở Lâm Đồng có điều kiện nhiệt độ phù hợp với cá tầm nhưng thiếu nguồn nước hay chưa có nguồn nước để nuôi theo công nghệ nước chảy, từ đó mở rộng phạm vi, quy mô và nâng cao sản lượng cá tầm cho tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.