| Hotline: 0983.970.780

Cá nước lạnh tăng trưởng ấn tượng

Thứ Hai 10/06/2024 , 14:16 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Trong giai đoạn 2007 - 2023, sản lượng cá nước lạnh cả nước tăng trưởng mạnh từ 95 tấn lên hơn 4.600 tấn, tăng trưởng sản xuất trung bình gần 50%/năm.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Ảnh: MH.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Ảnh: MH.

Mức tăng trưởng ấn tượng

Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới.

Theo Cục Thủy sản, cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.

Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở các vùng cao còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

“Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn, năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn (trong đó cá tầm các loài 4.303 tấn, cá hồi vân 365 tấn). Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 - 2023 trung bình gần 50%/năm”, ông Trần Đình Luân cho hay.

Cũng theo Cục Thủy sản, Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn. Năm 2021, sản lượng cá tầm nuôi trong nước đạt 2.400 tấn, năm 2022 đạt 3.252 tấn, năm 2023 đạt 4.303 tấn, 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.966 tấn. Trong đó, sản lượng của tỉnh Lâm Đồng qua các năm lần lượt đạt 1.200 tấn, 1.500 tấn và 2.297 tấn; tỉnh Lào Cai qua các năm lần lượt đạt 239 tấn, 757 tấn và 665 tấn.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt 450 tỷ đồng. Ảnh: PC.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt 450 tỷ đồng. Ảnh: PC.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm với tổng diện tích khoảng 54ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Diện tích nuôi cá nước lạnh chủ yếu tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP Đà Lạt.

“Hiện nay, sản lượng cá nước lạnh tại Lâm Đồng đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt 450 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Châu thông tin.

Phát triển theo hướng công nghiệp

Theo Cục Thủy sản, năm 2020, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến (caviar) của cả nước ước đạt 3.000kg. Vùng nuôi cá tầm lấy trứng và chế biến caviar tập trung chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở vừa đầu tư nuôi thương phẩm, vừa phát triển một số giống cá tầm để chế biến dòng sản phẩm caviar. Từ năm 2015, một số cơ sở tại Lâm Đồng đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến trứng cá tầm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản lượng cá nước lạnh cả nước năm 2023 đạt hơn 4.600 tấn. Ảnh: MH.

Sản lượng cá nước lạnh cả nước năm 2023 đạt hơn 4.600 tấn. Ảnh: MH.

Từ 2017 đến nay, sản lượng trứng cá tầm do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất liên tục tăng. Trong năm 2017 sản lượng là 1.000kg; năm 2018 là 1.200kg; năm 2019 là 1.500kg; năm 2020 đạt khoảng 2.000kg. Công nghệ chế biến caviar đóng hộp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Mặc dù có sự tăng trưởng, tuy nhiên, theo Cục Thủy sản, ngành cá nước lạnh vẫn còn những hạn chế. Theo đó, hiện tại các công nghệ nuôi cá nước lạnh được áp dụng hoàn toàn theo công nghệ nuôi các đối tượng cá truyền thống, khu vực nhiệt đới. Nhóm cá nước lạnh chịu biến đổi nhiệt độ và độ đục kém hơn nhiều sơ với nhóm cá truyền thống nhiệt đới, nhưng nhu cầu oxi hòa tan lại cao hơn nhiều so với nhóm cá nhiệt đới.

Bên cạnh đó, hầu hết công nghệ nuôi hiện nay chưa đáp ứng được các đặc điểm sinh học của cá nước lạnh nên tỷ lệ hao hụt cao, năng suất nuôi thấp so với các nước nuôi công nghệ cao, nơi có thể đạt năng suất 200-300 tấn/ha hoặc 100-120 kg/m3 nước trong hệ tuần hoàn hoặc trong hệ nuôi nước chảy.

Việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn. Từ đó dẫn đến tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô. Hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên. Trong khi đó, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên từ tháng 1-4 hằng năm là mùa khô, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất.

Lâm Đồng và Lào Cai là những địa phương phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn. Ảnh: PC.

Lâm Đồng và Lào Cai là những địa phương phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn. Ảnh: PC.

Do đó, để phát triển ngành cá nước lạnh trong thời gian tới, Cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước lạnh để phát triển cá nước lạnh tạo sản phẩm có giá trị cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp dựa trên việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên đầu tư sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng thuận lợi, từng bước mở rộng sản xuất ở các vùng có tiềm năng về nguồn nước lạnh khi có đủ điều kiện.

Đồng thời, áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đa dạng hóa mô hình sản xuất, trong đó doanh nghiệp làm nòng cốt, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân.

Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua chế biến. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá.

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu vẫn tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh,…

Được xem là một mặt hàng tương đối mới, có giá trị cao nên những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm nuôi trong nước xu hướng gia tăng.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.