| Hotline: 0983.970.780

Công tác IUU tại Nghệ An: Chuyển biến chậm

Thứ Hai 30/03/2020 , 09:22 (GMT+7)

Ngành thủy sản Nghệ An chuyển biến chưa toàn diện, quá trình thực hiện IUU còn tồn tại nhiều vấn đề. Qua theo dõi, ý thức của ngư dân là điều đáng bàn.

Việc tuần tra, kiểm soát trên biển được cơ quan chuyên ngành triển khai chặt chẽ hơn. Ảnh: PV.

Việc tuần tra, kiểm soát trên biển được cơ quan chuyên ngành triển khai chặt chẽ hơn. Ảnh: PV.

Tiềm năng ngủ vùi

Nghệ An được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một dải đất biển trải dài nhiều huyện. Suốt bao đời nay ngư dân xem biển cả bao la là cơm ăn áo mặc, nếp nghĩ đó mãi không suy chuyển.

Nhiều chuyên gia chung nhận định, Nghệ An sở hữu lợi thế biển vượt trội so với các tỉnh khác trong vùng sinh thái Bắc Trung bộ. Biển Nghệ nối liền với với nhiều cửa sông, cửa lạch, hàng năm được bồi đắp bởi lượng lớn phù sa, nhờ đó nguồn lợi hải sản địa phương được nuôi dưỡng, củng cố theo hướng bền vững.

Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản cho ngư dân biển Nghệ An. Ảnh: VD.

Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản cho ngư dân biển Nghệ An. Ảnh: VD.

Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn mà Nghệ An hướng đến. Dù vậy phải thừa nhận kết quả thu về chưa cao, năng suất, sản lượng và hiệu quả trong nuôi trồng còn hạn chế, giá trị ngành thủy sản trong cơ cấu GDP còn khiêm tốn.

Ngay sau thời điểm Ủy ban châu Âu EC rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam nói chung, Nghệ An càng tỏ ra sự quyết tâm để mọi thứ sớm đi vào quy củ.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT cùng các cấp ngành liên quan, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn đã có nhiều nét tươi mới, mức độ chuyển biến là điều dễ nhận thấy.

Ghi nhận thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017, các Nghị định, văn bản hướng dẫn thực thi được cập nhật thường xuyên và triển khai sâu rộng dưới nhiều hình thức đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức của đông đảo ngư dân.

Ngành thủy sản Nghệ An vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Ảnh: Việt Khánh.

Ngành thủy sản Nghệ An vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Ảnh: Việt Khánh.

Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các đơn vị chuyên ngành ngày càng được tăng cường đã tạo đà kiểm soát hiệu quả hơn các hoạt động nghề cá.

Đó là những nét tích cực trong bức tranh tổng thể của ngành thủy sản Nghệ An thời điểm này, tiếc thay ở chiều ngược lại là hàng loạt câu hỏi hóc búa chưa thể tìm ra câu trả lời thấu đáo.

Gian nan gỡ nút thắt

“Quản lý tốt hành trình tàu cá đồng nghĩa với giám sát được quá trình khai thác có phù hợp không, có đúng vùng biển hay không, qua đó giúp nguồn lợi được đảm bảo và phát triển bền vững hơn, đó là lợi ích lâu dài, lợi ích bền vững”, ông Trần Như Long, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An.

Lúc này ngành thủy sản Nghệ An đang tồn tại hàng loạt vấn đề, đó là tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, dùng ngư cụ, áp dụng phương pháp khai thác mang tính tận diệt; là đánh bắt sai vùng, tranh chấp ngư trường thiếu lành mạnh; là ý thức của ngư dân về ghi chép nhật ký, khai báo sản lượng…

Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Như Long, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An khẳng định, hiện tại Tổ Công tác liên ngành với sự tham gia của 3 đơn vị là Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban quản lý Cảng cá Nghệ An đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn. Tuy nhiên do lực lượng mỏng nên cơ bản triển khai theo hình thức kiêm nhiệm, đó là mặt hạn chế.

Tại các cảng cá dựa theo tình hình sẽ “bài binh bố trận”, quân số thường dao động từ 4 – 9 người. Qua ghi nhận, tại cảng Lạch Quèn có 9 người, lạch Vạn 8 người, Cửa Hội 5 người và Quỳnh Phương là 6 người.

Việc ghi chép nhật ký và báo cáo sản lượng chưa được ngư dân tuân thủ nghiêm túc. Ảnh: Võ Dũng.

Việc ghi chép nhật ký và báo cáo sản lượng chưa được ngư dân tuân thủ nghiêm túc. Ảnh: Võ Dũng.

Người ít lại phải kham khối lượng công việc quá nặng nề (tổ chức kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập cảng, lên cá, rời bến; kiểm tra việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, hồ sơ tàu cá, trang thiết bị đảm bảo an toàn, giám sát hành trình...) dễ hiểu kết quả thu về chỉ dừng lại ở mức tương đối.

Cần biết rằng, ngư dân đã phải viết nhật ký khai thác trước cả thời điểm Luật Thủy sản 2017 được ban hành, dù vậy đa phần không tuân thủ. Bỏ bẵng suốt thời gian dài nên khi cơ quan chuyên môn yêu cầu thực hiện theo khuôn khổ khiến nhiều trường hợp phản ứng ra mặt.

Thấu hiểu ngư dân xưa này chỉ quen với công việc chuyên môn đơn thuần, nay phải kiêm thêm nghĩa vụ ghi chép lạ lẫm hẳn không hề giản đơn. Xác định chủ trương “mưa dầm thấm lâu”, phải qua nửa năm ăn chực nằm chờ tình hình mới chuyển biến được phần nào.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Như Long chia sẻ thêm: “Việc ghi nhật ký là quy định chung, đây là biện pháp quan trọng nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển.

Luật thủy sản mới quy định rõ nếu không ghi chép hoặc ghi không đúng, không đầy đủ thông tin thì sẽ bị phạt, thậm chí áp dụng nhiều mức phạt rất nặng. Tuy nhiên xét các yếu tố nếu áp dụng chế tài ngay tức thì sẽ không thuận, vì thế trước mắt cần tăng cường sâu rộng công tác tuyên truyền và hướng dẫn đầy đủ, chi tiết hơn”.

Theo quan điểm của ông Long, việc chưa chủ động ghi chép nhật ký xuất có thể do thói quen, hoặc do chế tài nhưng mấu chốt là người dân chưa nhận thấy lợi ích thiết thực của việc làm này: “Công cuộc bảo vệ nguồn lợi và công tác IUU hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dành cho nhân dân”.

Trên tinh thần đó, quá trình tiếp cận phía cơ quan chức năng Nghệ An đã nhiều lần “mổ xẻ” để ngư dân thấu hiểu bản chất của vấn đề, qua đó hướng bà con chủ động hợp tác thay vì thái độ gượng ép như bấy lâu.

Ở một khía cạnh khác, lúc này hệ thống tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên (234 chiếc) của Nghệ An cơ bản đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Dù vậy theo phản ánh của nhiều chủ tàu thì thiết bị này hoạt động không ổn định, đường truyền thường xuyên mất kết nối. Bên cạnh yếu tố chuyên môn đơn thuần, nguyên nhân chính là do thiết bị đầu vào... có vấn đề.

Khai thác trái quy định

Sau 3 năm vào cuộc, đến nay việc đánh bắt theo hình thức tận diệt vẫn chưa được xử lý dứt điểm dù phương thức này chỉ rộ lên ở từng thời điểm.

Phía cơ quan chuyên ngành nhận định, đối tượng vi phạm thường là những gia đình không có điều kiện nâng cấp hoặc mua sắm tàu thuyền công suất lớn, các hộ này chủ động ghép các bè mảng lại với nhau rồi lắp máy ngang nhiên khai thác. Biết sai nên phần đa không tiến hành đăng ký, đăng kiểm khiến quá trình quản lý hết sức khó khăn.

Tang vật liên quan đến quá trình khai thác bất hợp pháp bị cơ quan chuyên môn tịch thu. Ảnh: TL.

Tang vật liên quan đến quá trình khai thác bất hợp pháp bị cơ quan chuyên môn tịch thu. Ảnh: TL.

Điển hình là thời điểm cuối năm 2019, nhận thấy khu vực Lạch Vạn xuất hiện số lượng ốc đinh nhiều bất thường, hàng loạt phương tiện tại 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích của huyện Diễn Châu đã dông thuyền về đây khai thác rầm rộ khiến nguồn lợi bị ảnh hưởng nặng nề. Tương tự, tại khu vực Lạch Cờn tình trạng giã cào vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Thực trạng đánh bắt sai vùng, sai tuyến có giảm nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối. Mới đây nhất, vào lúc 13h ngày 25/3 tại vùng biển Kỳ Khang, cách bờ khoảng 3 hải lý lý, Đồn Biên phòng Kỳ Khang (BĐBP Hà Tĩnh) đã phối hợp Công an và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Anh tuần tra, bắt quả tang 2 thuyền đôi có công suất trên 600 CV mang các biển hiệu: NA 90479 TS do Phạm Văn Tuấn (SN 1978 làm thuyền trưởng) và NA 90704 TS, do Trịnh Văn Thủy (SN 1970, làm thuyền trưởng) đang thực hiện hành vi khai thác bằng lưới kéo giã cào sai vùng.

Qua tìm hiểu được biết, cả 2 đều trú ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đi cùng còn có 6 lao động khác cùng quê.

Hiện vụ việc đang được lực lượng biên phòng điều tra làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Nghệ An, đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá biển bền vững” được kỳ vọng là cơ sở để xác định hạn ngạch cấp giấy khai thác thủy sản, xác định khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống để bảo vệ, đồng thời đề xuất các đối tượng cấm, vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác có thời hạn.

Đây là nội dung rất thiết thực, năm 2018 UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Tài chính tham mưu phương án. Tuy nhiên do chưa cân đối được nguồn ngân sách nên mọi dự định vẫn đang nằm vẹn nguyên trên giấy.

Qua thống kê, trong năm 2019, Chi cục Thủy sản đã chủ trì thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 228 chuyến, kiểm tra 3.409 phương tiện. Kết quả phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 90 phương tiện với tổng số tiền phạt hơn 630 triệu đồng.

Về phía Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát đăng ký, làm thủ tục xuất, nhập tại các cửa sông, cửa lạch cho 52.135 lượt phương tiện/292.652 lượt người, qua đó xử lý vi phạm về lĩnh vực thủy sản 128 vụ/193 đối tượng/178 phương tiện, phạt 750 triệu đồng đồng, đồng thời thu giữ 18 bộ kích điện, 25 mét dây điện, 160 bộ lưới bát quái là tang vật liên quan.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất