| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá Sóc Trăng - bước tiến dài IUU

Thứ Hai 23/03/2020 , 08:31 (GMT+7)

Hàng trăm tàu khai thác hải sản ở Sóc Trăng hoạt động vùng khơi biển Đông đang hoàn tất tiến trình chống khai thác trái phép (IUU).

Tàu cá được trang bị, lắp đặt đầỳ đủ bộ phận trang thiết bị giám sát hành trình về cập cảng Trần Đề. Ảnh: Trọng Linh.

Tàu cá được trang bị, lắp đặt đầỳ đủ bộ phận trang thiết bị giám sát hành trình về cập cảng Trần Đề. Ảnh: Trọng Linh.

Bước tiến dài

Ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra IUU tại cảng cá Trần Đề, nhấn mạnh: Giai đoạn đầu đạt kết quả tốt nhờ ý thức chấp hành của các chủ tàu và ngư dân trong việc khai thác hải sản và bảo vệ ngư trường. Từ năm 2015 đến nay tỉnh Sóc Trăng không xảy ra tàu cá khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Ông Hòa cho biết, căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 22/01/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng trong công tác chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Cụ thể, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng chú trọng công tác truyền thông, phổ biến các quy định IUU và Luật Thủy sản năm 2017. Mục đích nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa UBND các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá.

Trong quá trình kiển khai thực hiện, Chi cục Thủy sản đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn 28 cuộc tuyên truyền với gần 2.150 người tham dự, cấp phát trên 2.000 tài liệu tuyên truyền các loại như tờ rơi tuyên truyền về đường dây nóng giữa Việt Nam với các nước, tài liệu quy định về khai thác IUU, hướng dẫn trực tiếp cho 365 chủ tàu cá và thuyền trưởng tàu cá ghi, nộp nhật ký khai thác.

Đồng thời thực hiện nghiêm công tác cấp phép khai thác thủy sản cho các tàu cá theo đúng quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu tàu cá về đăng ký, đăng kiểm và cấp phép tàu cá của tỉnh, các dữ liệu này được kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Vnfishbase quốc gia.

Triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình, đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên, đã có 196 tàu lắp thiết bị giám sát. Các đơn vị chức năng đang tiếp tục vận động số tàu còn lại tiếp tục lắp đặt xong trước 1/4/2020.

Công tác lưu trữ hồ sơ IUU, hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, đăng kí đăng kiểm, cấp phép khai thác và kiểm soát tàu cá ra vào cảng được lưu trữ đầy đủ tại các đơn vị chức năng thuộc Sở NN-PTNT và truy xuất nhanh khi có yêu cầu.

Tổ IUU Sóc Trăng cùng Chủ tàu cá Phan Thanh Liêm (thứ 2) kiểm tra sản phẩm hải sản. Ảnh: Trọng Linh.

Tổ IUU Sóc Trăng cùng Chủ tàu cá Phan Thanh Liêm (thứ 2) kiểm tra sản phẩm hải sản. Ảnh: Trọng Linh.

Sau khi định hình khung quy định pháp chế, Tổ IUU tiến hành quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) sản phẩm khai thác tại tàu cá và cảng cá, bến cá. Từ đầu năm 2020 đến nay đã chứng nhận cho 35 tàu cá đạt điều kiện an toàn thực phẩm loại B.

Tại cảng cá được duy trì thường xuyên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Sau chuyến biển dài ngày trở về, chủ tàu phải sắp xếp các sản phẩm từ khai thác tại cảng cá gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và ghi chép trong sổ nhật ký cập cảng.

Hiệu quả bước đầu

Đa số chủ tàu cá nhận thức lợi ích việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mặt khác, nếu không tuân thủ sẽ không được phép xuất cảng.

Ông Phan Thanh Liêm có 9 tàu cá ở kênh 3 thị trấn Trần Đề (Sóc Trăng). Ông kể: Hồi đầu chưa nhận thức hết tầm quan trọng và lợi ích của việc trang bị thiết bị giám sát hành trình, tôi có đôi chút ngán ngại, nhất là số tiền mua thiết bị. Mỗi tàu lắp đặt trọn bộ một thiết bị giám sát chi phí khoảng 27 triệu đồng.

Tuy vậy, đến khi lắp đặt xong, tàu ra khơi vận hành tôi nhận thấy hiệu quả. Các tàu của tôi hoạt động tại vị trí nào, hiển hiện rõ trên màn hình. Ngồi trên bờ tôi vẫn nắm được tàu đang đánh bắt ở tọa độ nào, thông tin liên lạc được giữ thông suốt với tài công, ngư phủ về sản lượng, số loại hải sản thu được hằng ngày. Nhờ vậy tôi rất an tâm.

Đặc biệt tôi luôn căn dặn tài công và ngư phủ tuân thủ nghiêm quy định không để tàu vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước khác. Đến nay tôi đã trang bị xong 7/9 tàu cá, còn 2 tàu nay mai sẽ trang bị hoàn tất.

Để đảm bảo ý thức chấp hành tốt, Tổ IUU tỉnh Sóc Trăng thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại cảng cá 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Riêng trong tháng 3/2020, Tổ IUU tổ chức một đợt kiểm tra tàu cá tại cửa biển Trần Đề, nhắc nhở 16 tàu cá, lũy kế đến nay đã kiểm tra 21 đợt, nhắc nhở 57 trường hợp, phát hiện 23 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Đoàn kiểm tra chuyên ngành thủy sản tại Tổ IUU cảng cá Trần Đề. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn kiểm tra chuyên ngành thủy sản tại Tổ IUU cảng cá Trần Đề. Ảnh: Trọng Linh.

Vừa qua Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thực hiện nghiêm và triển khai đến các tổ chức, cá nhân hành nghề hoạt động thủy sản các quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản, đã rà soát báo cáo Tổng cục Thủy sản danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Đa số chủ tàu nhận thức rõ lợi ích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác nên đã ý thức tự giác mua sắm thiết bị định vị giám sát hành trình.

Về phía Tổ IUU tập huấn, hướng dẫn các chủ tàu đồng thời thường xuyên truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia danh sách tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản.

Trong tháng 3/2020 Tổ IUU đã thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác được 15 giấy với khối lượng 1.062 tấn. Lũy kế đến nay 395 giấy với khối lượng 21.168 tấn và thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu được 16 giấy, khối lượng 219 tấn. Tính từ đầu năm đến nay là 613 giấy với tổng khối lượng 10.938 tấn cho 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong và ngoài tỉnh.

Hướng tới hoàn thiện

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, kết quả thực hiện IUU bước đầu cho thấy các doanh nghiệp, chủ tàu cá thực hiện khai báo đầy đủ hoạt động khai thác hải sản trên biển, tạo hiệu ứng khá tốt trong công tác thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, đặc biệt khi tàu ra khơi các thuyền trưởng, ngư phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, vướng mắc và là trở ngại trong quá trình tập huấn, hướng dẫn, nhiều chủ tàu và thuyền trưởng trình độ còn hạn chế nên việc ghi, nộp nhật ký khai thác hoặc nắm bắt các thông tin tuyên truyền còn hạn chế. Việc ghi nộp nhật ký khai thác chưa thực hiện toàn diện. Đa phần khi tàu cập cảng chủ tàu và thuyền trưởng mới hoàn thiện để nộp cho tổ kiểm soát. 

Mặt khác, theo quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đến nay còn chậm so với lộ trình đã qui định. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017 còn chồng chéo, khó triển khai.

Việc xác định, phân bổ hạn ngạch giấy phép cho tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ chưa được thực hiện, đã gây khó khăn cho Tổ kiểm soát trong quá trình xác nhận tàu cập cảng, rời cảng của 2 địa phương này.

Sở NN-PTNT Sóc Trăng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét có chính sách hỗ trợ ngư dân kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chính sách hỗ trợ ngư dân cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh hàng tháng cho máy giám sát hành trình trên tàu cá.

Tỉnh Sóc Trăng nằm kề biển Đông với bờ biển dài trên 70km, có trên 1.200 tàu thuyền với tổng công suất trên 190.000 CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 365 tàu (hoạt động vùng khơi theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

Xem thêm
Thời tiết phức tạp, người nuôi thận trọng thả tôm vụ mới

KHÁNH HÒA Do thời tiết phức tạp, nắng mưa thất thường rất bất lợi cho tôm nước lợ sinh trưởng và phát triển nên người nuôi dè dặt thả giống.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.