| Hotline: 0983.970.780

Công tác khuyến nông ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả

Thứ Năm 28/12/2017 , 16:40 (GMT+7)

Chiều ngày 28/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết công tác khuyến nông năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã dự và phát biểu chỉ đạo điều hành.

Nhiều mô hình khuyến nông đạt kết quả tốt

Năm 2017, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hiệt hại to lớn do thiên tai (mưa bão, lũ lụt). Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp (dịch rầy nâu ở các tỉnh phía Nam, sâu bệnh trên hồ tiêu, cà phê, điều và cây ăn quả; dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản...). Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục là chủ đề nóng, gây bức xúc trong xã hội.

Hội nghị Tổng kết công tác khuyến nông năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của Trung tâm khuyến nông quốc gia

Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Do đó, toàn hệ thống đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2017, nhiều mô hình do Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Nhằm giúp người dân 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng khôi phuc vườn điều bị sâu bệnh phá hại nặng (bọ xít muỗi, bệnh thán thư…), Trung tâm KNQG đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 2 tỉnh nói trên tổ chức triển khai mô hình với quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại tập trung, đồng loạt theo từng khu vực nhằm hạn chế thiệt hại. Tổng quy mô là 230 ha, trong đó Bình Phước 200 ha và Lâm Đồng 30 ha.

Mô hình triển khai thực hiện từ đầu tháng 11/2017. Đến nay đã tổ chức cung cấp vật tư, phân bón, thuốc BVTV, đảm bảo số lượng, chủng loại theo quy trình kỹ thuật cho nông dân để sử dụng theo tiến độ của quy trình kỹ thuật hướng dẫn.

Ngoài ra đến nay tại 2 tỉnh đã tổ chức  được 120 lớp/125 lớp tập huấn cho khoảng 6.000 hộ nắm bắt kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại điều (bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu bệnh hại khác…), hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc điều giai đoạn ra hoa đậu trái nhằm tăng cường ra hoa, đậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại mùa điều niên vụ 2017-2018.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Trước nguy cơ tăng trưởng âm trong ngành nông nghiệp của hai tỉnh Nam Định và Thái Bình do ảnh hưởng của mưa bão, ngập lụt và dịch bệnh (lùn sọc đen phương nam gây hại trên lúa), Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ nhanh chóng triển khai thực hiện các mô hình sản xuất khoai tây giống ngay trong vụ đông xuân 2017-2018, với quy mô diện tích 36 ha, trong đó Thái Bình 20 ha và Nam Định 16 ha. Mỗi tỉnh tổ chức triển khai 3 điểm tại các xã bị thiệt hại do thiên tai.

Để kịp thời, ngay từ đầu tháng 11 các đơn vị đã triển khai các thủ tục lựa chọn, đặt hàng mua giống nhập khẩu từ Đức (giống Marabel) đảm bảo chất lượng do Trung tâm Nghiên cứu Cây có củ cung ứng đảm bảo chất lượng, theo yêu cầu và nguyện vọn của người dân tham gia mô hình. Tại các mô hình người dân được cung cấp 100% về giống, người dân cam kết đối ứng phân bón, vật tư sản xuất theo quy trình sản xuất giống.

Đến nay tại 3 điểm đã tổ chức xuống giống (đầu tháng 12/2017). Cây khoai tây nảy mầm tốt, sạch sâu bệnh, sinh trưởng phát triển nhanh, tỉ lệ nảy mầm đạt cao (trên 98%). Các điểm sản xuất dự kiến năng suất khoai tây giống đạt trên 15 tấn/ha. Các mô hình dự kiến sẽ cung cấp khoảng 550 tấn khoai tây giống cho sản xuất vụ Đông 2018. Tại các điểm sản xuất, người dân được các HTX và đơn vị cung ứng giống cam kết tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Trung tâm đang triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu với quy mô 4.100 con gà Lương phượng lai cho 41 hộ nông dân trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, đàn gà trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
 

Thay đổi nhận thức của nông dân

Trung tâm cũng phối hợp với Cục Trồng trọt và Viện Lúa ĐBSCL xây dựng mô hình truyền thông về giảm lượng hạt giống gieo sạ tại tỉnh Vĩnh Long. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, kết quả đã phần nào làm thay đổi nhận thức của người nông dân tạo được sư chuyển biến đáng kể trong thực tiễn sản xuất. Toàn vùng ĐBSCL vụ hè thu 2017 so với vụ hè thu 2016, diện tích gieo sạ dày >150kg/ha giảm 27,64%, tương ứng diện tích gieo sạ lượng giống 120 – 150 kg/ha tăng lên 16,98 % và gieo sạ lượng giống < 120 kg/ha tăng 10,66%.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thay mặt trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của Chính phủ cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, chia sẻ: Năm nay, toàn ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng vượt bậc. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nông sản cán mốc trên 36 tỷ USD. Có được thành quả đó, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là hệ thống hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư bài bản và từng bước hiện đại hoá. Công tác giống cây trồng, vật nuôi được đầu tư nghiên cứu, phát triển có chiều sâu. Công tác khuyến nông được đẩy mạnh nhằm chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ, kiến thức cho nông dân.

Đồng thời, hệ thống Khuyến nông cũng đã tích cực tham gia các nhiệm vụ đột xuất của ngành NN-PTNT, đặc biệt là khắc phục hậu quả thiên tai (ngập úng, lũ lụt); xây dựng các văn bản, chính sách; tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất nông sản sạch, an toàn, “tẩy chay” chất cấm, tồn dư hoá chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.