| Hotline: 0983.970.780

Công trình hồ thủy lợi Ea Kmiên 3 có nhiều sai phạm

Thứ Ba 18/01/2022 , 10:59 (GMT+7)

Do sai phạm khi đi khảo sát, Sở NN-PTNT Đăk Lăk phải điều chỉnh thiết kế ban đầu của dự án cải tạo hồ thủy lợi Ea Kmiên 3.

Công trình cải tạo hồ thủy lợi Ea Kmiên 3 để phục vụ sản xuất của người dân nhưng để xảy ra sai sót trong khâu thiết kế khiến dự án chậm tiến độ, gây lãng phí lớn cho nhà nước.

Thực tế một đằng, thăm dò một nẻo?

Dự án cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi Ea Kmiên 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năm được khởi công từ tháng 12/2019 và dự khiến hoàn thành sau 18 tháng thi công (tức tháng 6/2021). Tuy nhiên, hiện hồ Ea Kmiên 3 đã chậm tiến độ hơn 6 tháng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh, gây bức xúc dư luận.

Sau hơn 2 năm triển khai dự án cải tạo hồ thủy lợi Ea Kmiên 3 chỉ mới hoàn thành một số hạn mục nhỏ. Ảnh: Quang Yên.

Sau hơn 2 năm triển khai dự án cải tạo hồ thủy lợi Ea Kmiên 3 chỉ mới hoàn thành một số hạn mục nhỏ. Ảnh: Quang Yên.

Được biết, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập hồ thủy lợi Ea Kmiên 3 do liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Hồng Hà và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên (cùng có trụ sở tại Đăk Lăk) thực hiện.

Trong đó, Công ty Kỳ Nguyên là nhà thầu xây lắp hạng mục đập đất, tràn xả lũ. Công ty Hồng Hà xây dựng hạng mục cống lấy nước. Dự án có tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và một phần vốn đối ứng của tỉnh Đăk Lăk

Dự án được khởi công hơn 2 năm nhưng theo ghi nhận thực tế của phóng viên, công trình hiện là một bãi hoang hóa, ngổn ngang. Bờ đập bị đào bới nham nhở, bãi vật liệu (cát, đá) để hoang, cỏ mọc um tùm. Tại công trình, nhà thầu chỉ để lại một chiếc máy xúc, vài tấm đan, không có dấu hiệu cho thấy dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Bà Lưu Thị Ngụ, Phó Giám đốc Công ty Kỳ Nguyên cho biết, trong quá trình thi công dự án, công ty phát hiện địa chất trong hồ sơ thiết kế có nhiều sai sót khác so với hiện trạng.

Cụ thể, trên thực tế mỏ vật liệu chỉ đạt khoảng 1/6 trữ lượng so với thiết kế vì đa phần là đá pha bùn và sét. Về đập đất từ cọc D7 đến cọc D14 tại công trình có nền bùn. Do đó, khi nhà thầu thi công dầm chân khay sẽ treo trên nền bùn, không an toàn cho công trình.

Bờ đập bị đơn vị thi công cày xới gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông. Ảnh: Quang Yên.

Bờ đập bị đơn vị thi công cày xới gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông. Ảnh: Quang Yên.

“Khi phát hiện những sai sót trong thiết kế khác xa với hiện trạng tại công trường, chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư xem xét, quy hoạch lại mỏ vật liệu khác để đảm bảo đất đắp đập. Công ty cũng đề nghị chủ đầu tư tính toán lại khối lượng, biện pháp, kỹ thuật thi công, dự toán xây dựng đào xử lý lớp bùn để phù hợp thực tế công trình, điều kiện thi công; tính toán lại biện pháp kỹ thuật dầm chân khay mái thượng lưu đảm bảo an toàn công trình”, bà Ngụ cho biết.

Điều chỉnh thiết kế, công trình chỉ sai sót ít?

Sau nhiều lần kiến nghị của nhà thầu, cuối năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh thiết kế mặt cắt ngang đập tại hồ Ea Kmiên 3 để hạn chế khối lượng đào bùn hố móng thượng lưu trên nguyên tắc đảm bảo về các chỉ tiêu kỹ thuật và ổn định đập. Đối với tràn xả lũ, điều chỉnh khối lượng đất đào, đắp của tràn xả lũ phù hợp với địa hình thực tế; Cống lấy nước được điều chỉnh cửa ra và đoạn kênh dẫn sau cống sao cho phù hợp với địa hình thực tế mái hạ lưu.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin gia hạn dự án.

Theo ông Côn, hồ Ea Kmiên 3 có thiết kế lấy “đất” trong lòng hồ để đắp cho công trình. Do đó, đơn vị thi công phải thực hiện đúng thời điểm hồ cạn, đất khô ráo. Một năm có vài tháng thôi.

“Thấy tiến độ không đảm bảo nên chúng tôi đã hối thúc. Thời điểm lấy đất thuận lợi nhất thì không làm. Cho nên đến lúc bắt đầu làm thì nước trong hồ dâng lên rồi, đấy là nguyên nhân sâu xa khiến dự án bị chậm tiến độ. Hiện Sở mới có chủ trương cho phép thay đổi bãi lấy đất ở ngoài lòng hồ. Sở linh động là như vậy. Nếu làm đúng là lấy ‘đất’ trong lòng hồ, lấy đúng thời điểm. Tại vì chậm tiến độ nên mới thay đổi chủ trương, không phải do thay đổi chủ trương mới chậm”, ông Côn nói.

Các hạng mục thi công dang dở của nhà thầu sau hơn 2 năm triển khai. Ảnh: Quang Yên.

Các hạng mục thi công dang dở của nhà thầu sau hơn 2 năm triển khai. Ảnh: Quang Yên.

Liên quan đến việc lấy “đất” trong lòng hồ để đắp cho công trình liệu có an toàn vì thực chất đây là bùn, ông Côn cho biết phải vét bùn để lấy đất. “Khi khảo sát hồ đang giữ nước nên đơn vị thiết kế không phát hiện lớp bùn dày tới đâu. Khi đó có sai sót một chút vì hồ không có cống xả đáy nên không thể xả khô để khảo sát. Từ khi khảo sát đến khi làm thời gian kéo dài nên bùn sâu hơn một chút. Đấy là cái thiếu chính xác của hồ sơ thiết kế. Khi tháo cạn để thi công thì mới thấy bùn lớn hơn so với thiết kế và đây là nguyên nhân khách quan. Giải pháp để khắc phục cái này cũng không có gì là khó khăn”, ông Côn nói thêm.

Vị Phó giám đốc Sở cho biết hiện Sở đang đề nghị gia hạn dự án, nếu nhà thầu không làm đúng tiến độ thì sẽ bị phạt hợp đồng. Liên quan đến tiền tạm ứng đối với 2 nhà thầu, ông Côn cho biết đơn vị đã cho Công ty Kỳ Nguyên ứng hơn 1 tỷ đồng, còn Công ty Hồng Hà khoảng 1 tỷ trở lại. “Về số tiền này khi nghiệm thu sẽ trừ vào tiền tạm ứng chứ không thanh toán. Cả hai nhà thầu mới thi công khối lượng trên dưới 1 tỷ đồng, thấp hơn số tiền tạm ứng. Nhà thầu đi tố tùm lum chủ đầu tư, tôi sẽ mời lên làm việc”, ông Côn nhấn mạnh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất