Đầu độc môi trường…
Sau khi báo NNVN đăng bài “Hải Phòng có làm ngơ để doanh nghiệp xả thải trái phép”, liên quan đến nghi vấn Công ty CP mạ kẽm Amec (Công ty Amec) xả thải ra kênh Cẩm Văn 2, gây ô nhiễm trong nhiều năm qua, PV đã tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về vấn đề này từ bạn đọc từng là cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp này.
Từng làm Giám đốc Công ty Amecc, vừa mới nghỉ việc năm 2018, ông Phạm Hải Hà thông tin cho biết, hệ thống mạ kẽm của Công ty tổng cộng có 4 bể a xít, mỗi bể hơn 30 khối, có 2 bể nước rửa, 1 bể Nát tri đi ô xít, bể trợ dung và 1 bể Crom (36 khối), thông thường 1 tháng, công ty phải thay axít 1 lần, còn các chất khác thì ít hơn. Những chất thải độc hại liên quan đến mạ kẽm cần chú ý bao gồm Axít HCL, Nát tri đi ô xít và Crom.
Nếu hoạt động đúng theo dây chuyền công nghệ, nước thải từ toàn bộ hệ thống rãnh xung quanh nhà xưởng sẽ được thoát ra bề tràn 12 ngăn, sau đó được dùng vôi để dung hòa và bơm lên 4 bể cao để chuyền lọc, cuối cùng là tái sử dụng.
“Có 2 vấn đề nhức nhối, thứ nhất là ô nhiễm nguồn nước thứ 2 là ô nhiễm không khí. Về ô nhiễm không khí do khí độc bay lên trong quá trình mạ kẽm thì hệ thống xử lý chưa ổn, còn về chất thải, thường thì bể bùn sau khi đầy sẽ được phơi khô, sau đó ép mỏng, cuộn vào rồi thuê 1 công ty để xử lý, tuy nhiên ở đây người ta lại chưa làm được như vậy” – ông Hà chia sẻ.
Cũng theo ông Hà, nếu dây chuyền xử lý chất thải không vận hành được thì nước thải không được lọc thì không được tái sử dụng và buộc phải thải ra mặt đất để tự ngấm ra môi trường. Cơ quan chức năng hoàn toàn không khó để phát hiện ra việc này.
“Muốn bắt quả tang thì khó, nhưng chỉ cần lấy mẫu đất bên trong và bên ngoài mương, thử nếu hóa chất gây tác nhân giống nhau thì có thể kết luận được. Vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ cơ quan chức năng làm đến đâu mà thôi. Các chất độc hại gồm: Axít HCL, Nát tri đi ô xít và Crom đang nằm trong đất, cứ lấy mẫu đằng trước, giáp công ty hoa mai và thẳng ở cuối bãi, đào xuống từ vài phân đến mấy mét cũng sẽ có chất đấy” – ông Hà khẳn định.
Dây chuyền xử lý chất thải không hoạt động?
Ngoài ông Phạm Hải Hà, NNVN cũng nhận được phản ánh của một số cán bộ, công nhân người từng làm việc nhiều năm tại Công ty Amecc, 'tố' doanh nghiệp này xả chất thải độc hại ra môi trường. Trong đó có người có chức vụ quan trọng, từng gắn bó với công việc mạ kẽm từ những ngày đầu tiên, nắm rõ việc xử lý chất thải cũng như hoạt động của Công ty này, thậm chí là các biện pháp ứng phó với cơ quan chức năng ra sao khi các đoàn công tác đến kiểm tra.
Anh Đào Văn Bàn một cán bộ đã làm việc tại Công ty Amecc trong 5 năm, mới nghỉ việc năm 2020, chia sẻ cho biết: "Tôi đã từng làm ở Công ty Amec từ những ngày đầu mới hoạt động đến lúc tôi nghỉ là 5 năm, lúc tôi vào làm là công nhân, đến lúc nghỉ việc tôi làm đốc công. Chất để mạ kẽm, nguyên liệu cơ bản là hóa chất độc hại, nước thải được chảy ra khu xử lý chất thải và một phần rò rỉ chảy ra ao phòng cháy chữa cháy. Khu xử lý chất thải chỉ xử lý bằng vôi, còn khu vực ao phòng cháy chữa cháy trước đây có vòi thông ra mương bên ngoài, mỗi khi nước ở đây có màu vàng thì sẽ được đổ vôi xuống để trung hòa. Nay có đào thêm 1 cái mương ở cuối bãi sau đó nước tự ngấm ra môi trường. Hình thức là như thế" - anh Bàn nói.
Cũng tại buổi làm việc với PV, anh Bàn có cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến việc ứng phó với cơ quan chức năng ra sao khi các đoàn công tác đến kiểm tra. Theo đó, Công ty Amecc có 1 tổ công tác môi trường, ngoài cán bộ, lãnh đạo của Công ty còn có 1 người tên là Phạm Thị Lan công tác tại 1 công ty Môi trường trên địa bàn TP Hải Phòng tham gia. Tổ này tư vấn về các vấn đề môi trường cho Ban giám đốc, cách xử lí, hợp thức hóa giấy tờ, các vấn đề khi có đoàn thanh tra, kiểm tra.
Trong loạt thông tin anh Bàn cung cấp, đáng lưu ý ngày 30/7/2019, có 6 nội dung mà Phạm Thị Lan đề nghị Công ty Amecc khắc phục để 'đối phó' với đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng ngày hôm sau. Đó là hệ thống xử ly nước thải của Công ty chưa vận hành, mặt khác khu vực kho chứa chất thải nguy hại cũ hiện tại không sử dụng, đề nghị tháo biển báo, chuyển sang khu vực kho mới; nền khu vực bể bùn rất bẩn (màu vàng khè), đề nghị xử lí....
“Bọn tôi là thế hệ đầu tiên vào làm trong đấy, tôi nghỉ vì công ty này rất bất nhân. Không phải tôi nghỉ mới nói đâu, đây là sự thật ảnh hưởng đến người dân An Lão, quê ngoại tôi ở đấy. Chúng tôi đã cống hiến bao năm trời, hóa chất độc hại có thể ngấm vào người rồi nhưng chỉ cần 1 vài vấn đề nhỏ thì có thể sa thải ngay. Họ không nghĩ đến bao nhiêu năm người công nhân gắn bó với công ty, họ là những con người không có đức” – anh Bàn chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, để có thông tin khách quan, đa chiều, PV đã đến Công ty Amec để liên hệ làm việc thì được bảo vệ ngăn lại và cho biết phải đặt lịch trước với lãnh đạo Công ty hoặc qua 1 người tên Nhâm thì mới vào được. Liên hệ qua điện thoại với người tên Nhâm và ông Lê Đình Văn – lãnh đạo Công ty nhiều lần nhưng đều không nhận được phản hồi.