'Thiên thời, địa lợi' cho nông, lâm nghiệp
Bình Liêu là địa bàn có điều kiện về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo số liệu kiểm kê đất năm 2020, diện tích đất nông, lâm nghiệp chiếm 91,46 % diện tích tự nhiên. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp là 0,55 ha/hộ nông nghiệp, bình quân đất lâm nghiệp là 5,9 ha/hộ nông nghiệp. Đất đai khá màu mỡ giúp cho cây trồng phát triển xanh tốt quanh năm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ đất rừng cao (năm 2020 đạt 67,37%) cùng nguồn nước mặt dồi dào và nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới sinh trưởng và phát triển.
Nguồn nước mặt sông suối dồi dào, chủ yếu xuất phát từ vùng đồi núi cao, không bị ô nhiễm môi trường như ở xã Đồng Văn, Hoành Mô, Húc Động cung cấp nước sinh hoạt và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Thêm vào đó, huyện miền núi Bình Liêu còn sở hữu các tiểu khí hậu khác nhau, tạo ra sự đa dạng các sản phẩm nông, lâm nghiệp như cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản... mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế và cải thiện môi trường sinh thái trong vùng.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, Bình Liêu là huyện miền núi nên sản xuất nông, lâm nghiệp luôn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đáp ứng cơ nhu cầu lương thực, thực phẩm trong vùng.
Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp phát triển trong thời gian qua đã giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động nông nghiệp, ổn định đời sống người dân khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế phi nông nghiệp phát triển và góp phần đảm bảo an toàn trật tự xã hội.
Điểm nhấn kinh tế nông, lâm nghiệp
Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 3 công ty, 1 liên hiệp HTX, 34 HTX, 2 đơn vị kinh tế quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lâm nghiệp, dịch vụ thu mua chế biến, tiêu thụ nông sản.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng ngày càng tăng (đã có liên minh HTX Bình Liêu là liên hiệp HTX đầu tiên của tỉnh) một số mô hình mới có hiệu quả như HTX hoa Bình Liêu, HTX Nông nghiệp thủy sản Đông Bắc, đã đóng góp tích cực vào sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Ngành nông, lâm nghiệp của huyện đã có tốc độ tăng bình quân 6,8%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2020 là 379,1 tỷ đồng, chiếm 30,2% trong nền kinh tế chung của huyện.
Số HTX, doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất đã đến người sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển.
Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như dong riềng, rau, hoa, nhất là vùng sản xuất gỗ, lâm sản ngoài gỗ như hồi, sở, quế, thông nhựa. Bước đầu đã tạo ra một số liên kết trong sản xuất như thu mua dong riềng, chế biến mật ong... Nhiều tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp được ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Tổng sản lượng lương thực giai đoạn năm 2015 - 2020 ước tính 48.779 tấn. Thịt gia súc, gia cầm bình quân từ 450 - 500 tấn/năm; thủy sản nước ngọt hàng năm từ 80 - 88 tấn, trong đó, cá nước lạnh từ 35 - 40 tấn; hàng năm trồng được từ 500 - 540 ha rừng tập trung. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 18 - 20 ngàn m3 gỗ nguyên liệu. Sản phẩm gỗ và ngoài gỗ (hồi, quế, thông nhựa) hàng năm đều tăng, trong đó từ 80 - 95% là sản phẩm hàng hóa.
Đặc biệt, ngành trồng trọt trên địa bàn huyện đã giảm dần diện tích cây trồng hiệu quả kém sang cây có giá trị kinh tế cao hơn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và tăng nhanh sản phẩm hàng hóa như rau xanh, hoa, cây cảnh, cây ăn quả (ổi đài loan, cam, quýt), cây dược liệu.
Trong sản xuất lâm nghiệp, đã chú trọng tăng diện tích rừng nguyên liệu gỗ lớn (hồi, sở, thông mã vĩ...), tăng thu sản phẩm ngoài gỗ như hoa hồi, nhựa thông, dược liệu, mật ong rừng...
Bên cạnh đó, giữa các cơ sở chế biến nông, lâm sản với hộ dân cung cấp nguyên liệu đã hình thành mối liên kết trong sản xuất. Người sản xuất đã chú trọng hơn đến thị trường tiêu thụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên số lượng và giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa hàng năm đều tăng. Từ đó, tạo đà phát triển cho các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.
Các cơ sở chế biến nông, lâm sản của các công ty, HTX, hộ gia đình trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa. Các sản phẩm theo chương trình OCOP của huyện được quan tâm phát triển. Đến nay, đã có 2 sản phẩm đạt 4 sao là miến dong Bình Liêu, nước lọc tinh khiết Bình Liêu và 9 sản phẩm 3 sao.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, nhiều tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất; ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, tưới tiết kiệm đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như rau, hoa, cá nước lạnh.
Sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển đã góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc. Từ những thành tựu đó, Bình Liêu đang trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh.
Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 18C nối đến cửa khẩu Hoành Mô, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu kinh tế đối ngoại, phát triển mậu dịch biên giới Việt - Trung, đa dạng các hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Đồng thời gắn kết với Thành phố Móng Cái, Thành phố Hạ Long thúc đẩy phát triển nhanh dịch vụ thương mại và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Có thể nói, huyện Bình Liêu có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh.