| Hotline: 0983.970.780

Bình Liêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2022

Thứ Ba 05/10/2021 , 09:20 (GMT+7)

Là địa phương có xuất phát điểm thấp, trước đây, huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bình Liêu đã xây dựng kế hoạch cụ thể và theo lộ trình hàng năm. Từng là địa phương có nhiều xã thuộc diện khó khăn, kinh tế phát triển manh mún, hạ tầng giao thông kém phát triển, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, các xã Đồng Văn, Lục Hồn, Vô Ngại của Bình Liêu đã hoàn thành 20/20 tiêu chí, 53/53 chỉ tiêu xây dựng NTM. Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Bình Liêu lên là 5/6 xã. 

Trong đó, một số tiêu chí, chỉ tiêu NTM đạt mức cao như 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 2%.

Huyện Bình Liêu phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Huyện Bình Liêu phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện Bình Liêu có 100% các thôn đáp ứng được tiêu chí thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; điểm Internet đến thôn đạt 100% giúp người dân đảm bảo yêu cầu truy cập thông tin; 84/84 thôn đều có hệ thống loa truyền thanh hoạt động có hiệu quả, kết nối với đài truyền thanh xã.

Để đạt được những mục tiêu trên, huyện Bình Liêu đã tập trung chỉ đạo triển khai rà soát hiện trạng tiêu chí NTM. Qua đó, nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả, khai thác tốt được lợi thế về nông, lâm nghiệp để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được triển khai.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, gắn liền với các hình thức hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật để thay đổi thói quen từ chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu, manh mún, kém hiệu quả sang hướng sản xuất thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, cho biết sẽ tiếp tục xây dựng kịch bản phát triển và tham mưu cho huyện ban hành các kế hoạch triển khai năm 2021. Trong đó, tập trung vào các hoạt động nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt và phấn đấu sẽ đưa xã Đồng Tâm đạt chuẩn NTM; đối với các xã đã đạt chuẩn NTM thì thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Hoàn thiện công tác rà soát, đánh giá lại hiện trạng xây dựng NTM để làm cơ sở xây dựng Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cấp huyện, cấp xã theo chỉ đạo của tỉnh. 

Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai xây dựng các khu NTM, vườn đạt chuẩn NTM trên cơ sở phù hợp với điều kiện địa phương; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong Chương trình xây dựng NTM đảm bảo đúng, kịp thời và tổ chức tuyên truyền, đào tạo mở các lớp tập huấn xây dựng NTM năm 2021. Với tinh thần khó đến đâu, gỡ đến đấy, huyện Bình Liêu phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.