Bắt cóc bỏ đĩa
Quy mô của cuộc đột kích lớn nhất từ trước tới nay trên phạm vi toàn quốc kéo dài 2 tuần lễ đã tịch thu được gần 40.000 con động vật hoang dã các loại bao gồm sóc, chồn và lợn rừng…
Điều này phản ánh một thực tế là thói quen ưa thích là ăn thịt động vật hoang dã cũng như ngâm rượu các bộ phận của chúng như một cách tẩm bổ không thể biến mất trong ngày một ngày hai, bất chấp nguy cơ cao nó có thể lây nhiễm virus Corona.
Các thương lái được cấp phép buôn bán động vật như lừa, chó, hươu, cá sấu và các loại thú nuôi lấy thịt khác cho biết, họ đã lên sẵn kế hoạch quay trở lại kinh doanh ngay sau khi thị trường mở cửa trở lại.
"Tôi muốn lệnh cấm kinh doanh động vật hiện nay sớm được dỡ bỏ. Mọi người rất thích mua động vật hoang dã để giết thịt hoặc làm quà biếu thì sẽ rất ấn tượng", Gong Jian một chủ cửa hiệu buôn bán động vật hoang dã ở khu tự trị Nội Mông nói.
Chiến dịch mạnh tay của chính phủ Trung Quốc được phát động sau khi các nhà khoa học nghi ngờ, virus Corona chủng mới gây viêm phổi cấp (Covid-19) đang hoành hành khiến hơn 2.000 ca tử vong và gần 75.000 ca nhiễm bệnh kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, chủng virus nguy hiểm này được tìm thấy từ loài dơi sau đó lây qua tê tê (loài động vật có vú nhỏ ăn kiến rất được ưa chuộng trong y học cổ truyền Trung Quốc) và lây sang người.
Các nghiên cứu ban đầu ở một số ca nhiễm Covid đầu tiên được xác nhận do người bệnh tiếp xúc với động vật hoang dã ở chợ hải sản Hoa Nam tại thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc), nơi trước đây vẫn bán dơi, rắn, cầy hương và nhiều động vật hoang dã khác.
Ngay sau khi xác định ổ dịch, chính quyền đã ban hành lệnh cấm tạm thời tất cả các hành vi buôn bán động vật hoang dã từ hồi tháng 1, đồng thời cảnh báo nguy cơ ăn thịt động vật hoang dã là mối đe dọa đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng.
Giới phân tích cho rằng, chế tài tạm thời có thể không đủ sức răn đe để tiến tới thay đổi thị hiếu hoặc thói quen đã được bắt nguồn từ văn hóa và lịch sử của đất nước. "Trong con mắt của nhiều người, động vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu của con người chứ không phải là chúng được sống chung với con người”, Wang Song, nhà nghiên cứu kì cựu về động vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết.
Chuyện cũ khơi dậy
Theo các chuyên gia, vấn đề này đã từng gây tranh luận sôi nổi khắp Trung Quốc hồi năm 2003, khi bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) được các nhà khoa học tin rằng virus SARS lây sang người từ loài cầy hương hoặc hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) lây bệnh từ lạc đà năm 2012.
Lúc đó, rất nhiều học giả, nhà hoạt động môi trường và cư dân trong nước, đặc biệt là giới trẻ đã tham gia các nhóm hội bảo tồn quốc tế lên chiến dịch, kêu gọi cấm vĩnh viễn tệ nạn buôn bán động vật hoang dã.
"Thói quen xấu là chúng ta dám xơi tất cả. Hãy ngừng ăn thịt động vật hoang dã và những người vi phạm nên bị xử án tù", một độc giả tên Sun viết trên một diễn đàn thảo luận của tờ Sina.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là vẫn còn một số ít người dân vẫn khoái khẩu với động vật hoang dã vì tin rằng nó tốt cho sức khỏe. Bằng chứng là chúng vẫn được bày bán công khai ở chợ Hoa Nam và cánh kinh doanh mặt hàng này vẫn sống khỏe vì luật không cấm.
Còn nhớ, kể từ sau khi dịch SARS bùng phát, ngành lâm nghiệp Trung Quốc đã tăng cường giám sát các hoạt động kinh doanh động vật hoang dã như cấp phép cho việc nuôi và buôn bán hợp pháp đối với 54 loài động vật hoang dã, bao gồm cầy hương, rùa, cá sấu và cho phép nhân giống các loài có nguy cơ tuyệt chủng như gấu, hổ và tê tê cho các mục đích môi trường hoặc bảo tồn.
Theo một báo cáo năm 2016, khu vực kinh tế này tạo ra khoảng 20 tỷ USD doanh thu hàng năm tại Trung Quốc. Đa số hoạt động chăn nuôi và buôn bán động vật hoang dã đều diễn ra ở các vùng nông thôn nằm dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên các nhà hoạt động cho rằng, chính việc cấp phép nuôi hoặc kinh doanh là vỏ bọc cho tệ nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, khiến nhiều loài bị biến thành món nhậu hoặc ngâm rượu tẩm bổ hơn là phóng thả chúng vào tự nhiên.
"Họ chỉ sử dụng chiêu bài này để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp", Zhou Jinfeng, người đứng đầu Quỹ bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc nói.
Nhóm hoạt động môi trường của Liên Hợp quốc ước tính, nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp toàn cầu mỗi năm có trị giá khoảng 23 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường lớn nhất.
Một tổ chức độc lập có trụ sở tại London tiết lộ, trong tuần vừa qua khi dịch cúm gây viêm phổi do virus Corona vẫn lan rộng thì một số thương nhân ở Trung Quốc và Lào vẫn rao bán mặt hàng sừng tê giác, được đồn thổi như một phương pháp điều trị bệnh nhân viêm phổi Covid-19.