| Hotline: 0983.970.780

Crimea bỏ phiếu trở lại với Nga

Chủ Nhật 16/03/2014 , 13:50 (GMT+7)

95,5% cử tri Crimea ủng hộ trở lại với nước Nga. Ukraine đề nghị Mỹ, EU hỗ trợ mạnh mẽ về quân sự nhưng chưa nhận được hồi đáp.

(ấn F5 để cập nhật)

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm khẩn cấp. Ông Putin khẳng định cuộc trưng cầu dân ý đáp ứng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và "những kẻ cực đoan" đang đe dọa "những người ái quốc Nga" ở Ukraine. Ngược lại, ông Obama tuyên bố Mỹ không bao giờ công nhận kết quả trưng cầu dân ý "bất hợp pháp" ở Crimea.

 Theo BBC, ông Obama nhấn mạnh rằng vẫn còn cơ hội cho giải pháp ngoại giao miễn là Nga không tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào lãnh thổ Ukraine.

Tuyên bố chính thức của Nhà Trắng sau đó chỉ trích "những hành động của Nga là nguy hiểm và đe dọa ổn định khu vực".

Mỹ và nhiều đối tác EU đe dọa Nga sẽ đối mặt với những thiệt hại khủng khiếp trong những ngày tới.

 Duma quốc gia Nga sẽ sớm họp để thông qua các thủ tục pháp lý mở đường cho Crimea tái gia nhập với Nga. Có tin một đoàn nghị sĩ Crimea cũng sẽ nhanh chóng lên đường đến Moscow.


Người ủng hộ Nga vẫy cờ Nga và cờ Liên Xô trên quảng trường Lênin, Simferopol (Ảnh: AP)

 22h33 giờ địa phương, tức 3h33 ngày 17/3 giờ Hà Nội, kết quả kiểm phiếu sơ bộ được ông Mikhail Malyshev - Chủ tịch ủy ban trưng cầu dân ý công bố: 95,5% cử tri lựa chọn trở lại với nước Nga, RIA Novosti tường thuật. 1% phiếu bầu không hợp lệ và 3,5% chọn giải pháp quyền tự trị rộng lớn hơn trong khuôn khổ Ukraine.

 Người dân Crimea đổ ra đường ăn mừng kết quả bỏ phiếu mà họ coi là thắng lợi lịch sử.


Pháo hoa được bắn ở trung tâm Simferopol (Ảnh: Reuters)

 Cũng theo Interfax, các cửa ngõ biên giới Nga - Ukraine vẫn mở bình thường trong ngày 16/3.

 Các chuyến công cán nước ngoài của Tổng thống Putin trong thời gian tới không thay đổi lịch, Điện Kremlin cho biết (Interfax). Còn Itar-Tass cho hay, Điện Kremlin không hề xem xét khả năng điều chỉnh chính sách đối ngoại chỉ vì bị các nước khác trong khối G8 chỉ trích về chính sách liên quan tới tình hình Ukraine.

 Theo dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vài giờ sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc lúc 20h00 giờ địa phương, tức 1h00 ngày 17/3 giờ Hà Nội. Kết quả có thể được công bố tại một cuộc mít tinh ở quảng trường Lênin ở trung tâm thủ phủ Crimea.

 Một trong những kết quả đạt được trong cuộc điện đàm Putin - Merkel là việc tăng số lượng quan sát viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại các điểm nóng ở Ukraine, đặc biệt khu vực phía Đông, theo phát ngôn viên của Thủ tướng Đức. Các quan sát viên OSCE đã bị ngăn cản không cho vào Crimea mấy ngày trước đây. (theguardian.com)

 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện qua điện thoại, đồng ý giữ liên lạc về tình hình Ukraine. Ông Lavrov đề nghị Mỹ dùng ảnh hưởng của mình với chính quyền Kiev để hối thúc họ chấm dứt tình trạng vô luật pháp và phân biệt nhằm vào người nói tiếng Nga ở Ukraine. (Itar-Tass)

 Tính đến15h55 giờ địa phương, tức 20h55 giờ Hà Nội, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu được ghi nhận đạt khoảng 64%. (Interfax)

 Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói rằng ông tin cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Putin cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình căng thẳng tăng nhanh ở các vùng phía Đông và Đông Nam Ukraine do các nhóm cực đoan kích động.

 Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk thề sẽ truy tìm và đưa ra công lý những người cổ súy chủ nghĩa ly khai "núp bóng quân đội Nga" ở Crimea. "Dù có mất 1 năm, 2 năm, chúng tôi sẽ tìm ra và xét xử chúng tại tòa án Ukraine, tòa án quốc tế. Lửa sẽ thiêu đốt dưới chân chúng", ông Yatseniuk nói.

► 19h40: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh nói tại cuộc họp báo vừa kết thúc ở Kiev rằng Bộ Quốc phòng nước này và Nga đã đồng ý một thỏa thuận hòa hoãn tới tận ngày 21/3. Khả năng nào có thể xảy ra sau ngày đó chưa được bàn đến. Quân đội Ukraine tại Crimea sẽ ở nguyên vị trí và binh sĩ Nga không thi hành các nỗ lực di dời họ. (theguardian.com)

 Khoảng 3.000 người tuần hành ở Kharkov, thành phố phía Đông Ukraine, kêu gọi thiết lập mối quan hệ gần gũi và mạnh mẽ hơn với Nga, Interfax đưa tin. Cuộc tuần hành có mục đích tương tự diễn ra ở Donetsk thu hút khoảng 1.000 người (ảnh), theo Russia Today.

 Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov cho biết Quốc hội nước Cộng hòa này sẽ họp vào 10h00 sáng thứ Hai, 17/3, tức 15h00 giờ Hà Nội để hợp thức hóa kết quả trưng cầu dân ý.


Nhân viên Ủy ban trưng cầu dân ý Crimea nói chuyện với cử tri khi đi thu phiếu lưu động tại khu vực Belogorsk ngoại ô TP Simferopol. (Ảnh: EFE)

 Phó Thủ tướng thứ nhất Vitaly Yarema cho biết Ukraine đã kêu gọi Mỹ và châu Âu hỗ trợ quân sự cho nước này trong trường hợp có xung đột biên giới với Nga. Ukraine cũng đề nghị các đối tác này giúp bảo vệ bầu trời trên không phận 15 nhà máy năng lượng nguyên tử. Nhưng ông Yarema cũng thừa nhận Ukraine chưa nhận được phản hồi rõ ràng.

 Ukraine tuyên bố sẽ duy trì lực lượng hiện có ở Crimea cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý có thế nào. Lực lượng này sẽ được lệnh hành động tùy theo tình hình thực tế. Có tin lực lượng Nga trên bán đảo này đã tăng lên 18.400 binh sĩ, tính đến ngày 14/3.

 Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố lên án Nga vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. (theguardian.com)

 Hơn 44% cử tri đã đi bỏ phiếu, tính đến 14h00 giờ Moscow, tức 17h00 giờ Hà Nội, phụ trách Ủy ban trưng cầu dân ý Crimea cho biết. (Interfax)

 Aleftina Klimova, năm nay 80 tuổi và sinh tại Nga, hiện đang sống ở Sevastopol. Cụ Klimova nói với AFP tại một phòng bỏ phiếu ở Sevastopol: "Tôi chỉ lo Mỹ, Pháp và cả nhóm họ hành động tiêu cực. Anh biết đấy, tôi lo cho (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, tôi không biết ông ấy chống cự bằng cách nào... Nhưng ông ấy đã biết cách kháng cự. Tôi đã không ngủ cả đêm qua. Tôi đã chờ đợi giây phút này lâu rồi và mọi chuyện đang đúng như những gì tôi mong đợi". (AFP)

 Website về trưng cầu dân ý chính thức của Crimea bị sập từ đầu giờ sáng chủ nhật. Chính quyền cho biết nó bị tấn công bằng phương thức DDoS bắt nguồn từ trường Đại học Illinois Urbana-Champagne (Mỹ). (theguardian.com)

 Stephen từ Yalta cho biết, hôm thứ Bảy nhiều người dân đổ xô đi rút tiền tại các trạm ATM và ngân hàng. Dòng người xếp hàng dài 10m là chuyện bình thường. Hoạt động mua đổi ngoại tệ nhộn nhịp, tỷ giá mua và bán đồng USD đều ở mức có lợi cho các điểm thu đổi. (BBC)

 15h50: Theguardian.com dẫn nguồn tin từ Russia Today cho biết, một nhóm tự xưng là CyberBerkut (an ninh mạng, lấy theo tên lực lượng đặc nhiệm Berkut mới bị giải tán ở Ukraine) tuyên bố chịu trách nhiệm việc tấn công làm tê liệt 3 website của NATO gồm trang chủ của tổ chức này là “nato.int”, trung tâm phòng thủ mạng “ccdcoe.org” và “nato-pa.int”. CyberBerkut nói mục đích vụ tấn công nhằm phản đối sự hiện diện của NATO trên lãnh thổ của họ.

 Đồng rúp Nga và đồng hryvnia Ukraine sẽ được cùng sử dụng tại Crimea từ ngày 18 hoặc 19/3 nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ gia nhập trở lại với Nga. Trong trường hợp đó, người dân Crimea cũng có thể được tiếp tục giữ hộ chiếu và quốc tịch Ukraine nếu họ muốn vì luật pháp Nga cho phép công dân đăng ký hai quốc tịch song song, Thủ tướng CH Crimea Sergey Aksyonov cho biết.

 Tuy nhiên cũng có tin từ một twiter có nick "bruce springnote" cho biết, ngân hàng ở Crimea thông báo nghỉ ngày 17/3, tức thứ hai (ảnh), để chuyển đổi các tài khoản tiền gửi từ đồng hryvnia sang đồng rúp, theo theguardian.com.

► Itar-Tass: Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tình hình tại Ukraine sẽ trở nên hỗn loạn nếu Nga không phủ quyết dự thảo nghị quyết của LHQ. Hôm thứ Bảy, 15/3, Nga đã phủ quyết nghị quyết do phương Tây hậu thuẫn lên án cuộc trưng cầu dân ý của Crimea trong một phiên bỏ phiếu khẩn tại Hội đồng Bảo an LHQ. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.

► BBC: Thứ hai, 17/3, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU sẽ gặp nhau tại Brussels để bàn về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Nga. Trước đó EU đã đưa ra đe dọa này nếu cuộc trưng cầu dân ý vẫn được tổ chức ở Crimea vào 16/3.

 Qua Twiter, biên tập viên mảng tin châu Âu của hãng tin ITV, James Mates cho biết các điểm bỏ phiếu được căng vải màu gợi tưởng đến lá cờ Nga (ảnh), như thể nhắc nhở cho cử tri nào quên mất họ định bỏ phiếu như thế nào.

 14h15: Itar-Tass dẫn tin từ hãng tin địa phương Kryminform, Thủ tướng CH Crimea Sergey Aksyonov cùng con gái Kristina là những người bỏ phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử số 08069 đặt trong khuôn viên trường trung học số 10 phía tây TP Simferopol.


Bỏ phiếu tại Simferopol (Ảnh: Sergei Karpukhin/Reuters)

 BBC: Edward Redchenko email cho BBC từ Sevastopol: Tôi là một người Nga ở Sevastopol. Tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ quan điểm của Ukraine. Tôi nghĩ đó là điều đúng nên làm. Nhưng nhiều người quanh đây đang bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Nga.

 Hôm thứ Bảy, tại Moscow, khoảng 50.000 người Nga cũng xuống đường tuần hành phản đối chính sách của nước này đang thực hiện tại Ukraine. Đây được xem là cuộc tuần hành phản đối chính phủ lớn nhất trong 2 năm qua tại Nga.

 14h10: Interfax đưa tin, qua trang Facebook của mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết sau cuộc hội đàm thất bại tại London, Ngoại trưởng 2 nước Nga - Mỹ tiếp tục thảo luận tình hình Crimea qua điện thoại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là người chủ động bắt liên lạc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. “Kết quả (trưng cầu dân ý) sẽ được xem là cơ sở để quyết định tương lai của bán đảo này”, ông Lavrov nhấn mạnh. Ông Lavrov cũng yêu cầu chính quyền tại Kiev phải có biện pháp trấn áp các tổ chức dân tộc cực đoan đang đe dọa người dân nói tiếng Nga tại Ukraine.

 13h00: Itar-TassBBC đưa tin các điểm bỏ phiếu trên bán đảo Crimea đã mở cửa.

Trước đó, theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận đầu tuần này ở Crimea, có đến hơn 90% người dân địa phương ủng hộ quyết định sáp nhập Crimea vào Nga.

Còn theo kết quả thăm dò do công ty GfK thực hiện, số người ủng hộ sáp nhập chỉ khoảng 70%, trong khi số người muốn tiếp tục duy trì hiện trạng là một phần lãnh thổ trực thuộc Ukraine như hiện nay là 11%.

Các điểm bỏ phiếu sẽ làm việc từ 8 giờ đến 20 giờ theo giờ địa phương. Các cử tri có thể nhận phiếu bầu ngay tại điểm bỏ phiếu sau khi xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân.

 Phiếu bầu cử sẽ được ghi bằng ba thứ tiếng Nga, Ukraine và Crimea-Tatar, với hai câu hỏi: “Các vị đồng ý với sáp nhập của Crimea vào Nga với tư cách là chủ thể liên bang?” và “Các vị đồng ý khôi phục Hiến pháp nước cộng hòa Crimea 1992 và tán thành quy chế Crimea như một phần của Ukraine?” Vấn đề cuối cùng sẽ được quyết định với kết quả của quá bán của cuộc bỏ phiếu.

Một điểm bỏ phiếu ở TP Simferopol giờ mở cửa. (Ảnh: Itar-Tass)

 Người dân Crimea có thể đi bỏ phiếu tại 1.205 địa điểm bầu cử hoặc là tại nhà. Chính quyền Crimea thông báo đã in 1,55 triệu lá phiếu cho các cử tri, đồng thời kỳ vọng sẽ có trên 80% người dân sẽ tham gia cuộc trưng cầu ý kiến quan trọng này.

Các điểm bỏ phiếu sẽ làm việc từ 8 giờ đến 20 giờ theo giờ địa phương.

 623 phóng viên đến từ 169 cơ quan báo chí, truyền thông và 135 thanh sát viên đến từ 23 quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Italy, Mông Cổ, Tây Ban Nha... Trong số các thanh sát viên cũng có các đại biểu của quốc hội các nước Đông và Tây Âu, đại biểu của nghị viện châu Âu.

 Crimea là nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine. Theo kết quả thống kê dân số năm 2001, người gốc Nga tại đây chiếm 58,5% dân số; người gốc Ukraine chiếm 24,4%; 11,1% dân số còn lại là người Crimea-Tatar.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm