| Hotline: 0983.970.780

Cụ bà 61 tuổi nhất quyết xin... thoát nghèo

Thứ Ba 18/05/2021 , 10:17 (GMT+7)

Lá đơn xin thoát nghèo của cụ bà 61 tuổi cho thấy nhận thức của người dân vùng cao Lào Cai đã thay đổi, không ỷ lại vào hỗ trợ từ Nhà nước.

Cụ bà Hoàng Thị Chính cầm lá đơn lên UBND xã Điện Quan (huyện Bảo Yên, Lào Cai) để xin thoát nghèo. Ảnh: H.Đ

Cụ bà Hoàng Thị Chính cầm lá đơn lên UBND xã Điện Quan (huyện Bảo Yên, Lào Cai) để xin thoát nghèo. Ảnh: H.Đ

Bà Hoàng Thị Chính (61 tuổi) ở Bản 3, xã Điện Quan (huyện Bảo Yên, Lào Cai) bất ngờ làm đơn gửi lên UBND xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Lá đơn xin thoát nghèo của cụ bà Chính chỉ vài câu ngắn gọn, nhưng thể hiện rõ sự quyết tâm, khẳng khái.

Chủ tịch UBND xã Điện Quan Hoàng Viết Hùng cho biết, UBND xã "khi nhận được đơn xin ra khỏi hộ nghèo của cụ bà Hoàng Thị Chính thì rất ngạc nhiên". Gia đình bà Hoàng Thị Chính vào danh sách hộ nghèo từ năm 2015, và sau gần 5 năm thì bà đã viết đơn để xin ra khỏi danh sách này. Hoàn cảnh của bà hiện nay đã khá hơn những hộ khác song cũng còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lá đơn xin thoát nghèo khi được bà cầm lên gửi UBND xã là một bất ngờ, bởi năm 2019 - 2020 gia đình bà vẫn là hộ nghèo.

“Hoàn cảnh của bà Chính không chỉ khó khăn về kinh tế mà về tinh thần bà cũng thiệt thòi. Cụ thể, năm 2018, con trai và chồng của bà Hoàng Thị Chính bị tai nạn giao thông và tử vong”, ông Hùng nói.

Trước nguyện vọng xin ra khỏi hộ nghèo của bà, UBND xã Điện Quan tổ chức họp để xét duyệt cho gia đình căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, để có thể đưa gia đình bà ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, gia đình bà phải đạt chuẩn mức sống tối thiểu trở lên, mỗi tháng mỗi khẩu phải có thu nhập từ 700 nghìn đồng trở lên…

Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Chính khi đó đang làm thủ tục nhập hộ khẩu với gia đình người con trai còn lại. Với khả năng này thì hộ gia đình của bà Hoàng Thị Chính có  thể mới được chấp nhận ra khỏi danh sách hộ nghèo. Được biết, thu nhập của gia đình bà hiện nay là từ nguồn trồng cấy trên mảnh ruộng hiện có và chăn nuôi thêm gà, vịt…

Theo bà Hoàng Thị Chính, việc bà viết đơn xin chính quyền xã cho gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo là bởi còn những hộ khác khó khăn hơn mình.

Trước đó, gia đình bà rất khó khăn nên được chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ, tạo động lực phấn đấu, vươn lên.

Tới nay, xét thấy điều kiện kinh tế gia đình đã ổn định không còn lo cái ăn, cái mặc, đời sống hằng ngày đủ điều kiện để kinh tế gia đình có thể tự đứng vững nên cụ đã làm đơn này.

Bà Hoàng Thị Chính cho rằng, gia đình đã đủ điều kiện thoát nghèo thì phải nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình khác còn gặp khó khăn hơn.

Vì vậy, thời điểm khi viết đơn, cụ Chính lúc đó chỉ mong muốn UBND xã Điện Quan sớm cho gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã…

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình để đánh giá công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Kết  quả rà soát còn là cơ sở thực hiện các chính sách phù hợp đối với những hộ thuộc diện nêu trên trong năm  2022 và những năm  tiếp theo.

Khi lá đơn trên được UBND xã Điện Quan chấp thuận, duyệt thì mọi sự hỗ trợ đối với gia đình bà bị cắt hoàn toàn. Về việc này, bà Hoàng Thị Chính không thấy thiệt thòi, lo lắng mà còn cảm thấy vui mừng.

Khi Trường THCS xã Điện Quan bị lũ lụt hồi tháng 9/2020, bà Hoàng Thị Chính còn có suất quà trị giá 300 nghìn đồng ủng hộ cho nhà  trường.

Việc làm của bà Hoàng Thị Chính là một tấm gương sáng, cũng là điều đáng tự hào của người dân xã Điện Quan, khi mà đời sống kinh tế của họ còn khó khăn.

Tuy nhiên, trong sự việc trên, có thể thấy rằng, người dân vùng cao ở Lào Cai nói chung, người dân xã Điện Quan của huyện Bảo Yên nói riêng đã thay đổi nhận thức và không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Hiện nay, để tạo thu nhập cho người dân, xã Điện Quan đang tập trung thu hút đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp, hướng tới sản xuất chuyên canh và xây dựng các sản phẩm nông nghiệp mà xã có thể mạnh. Nhờ đó, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Đáng chú ý là những mô hình cây ăn quả trên địa bàn xã đã được triển khai hiệu quả, cho thu nhập tới 150 triệu đồng/ha như: Mô hình trồng na Thái (5 ha), trồng cây chanh leo (10,21 ha), trồng bưởi (3 ha) và trồng quế (1.000 ha)…

Về chăn nuôi, người dân trên bàn xã phát triển theo hướng tập trung mở rộng quy mô, chất lượng đưa số gia cầm hiện có 150.000 con… Qua đó, xã Điện Quan có thể sớm về đích NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.