Năm nào cũng vậy, khi Lễ Khai ấn Đền Trần đến hẹn, du khách thập phương lại gặp một người phụ nữ nhỏ nhắn, gương mặt đôn hậu… tất bật tại khu vực soạn lễ bên trong đền Cố Trạch. Bà là Cao Thị Thảo, vừa bước sang tuổi 80, là người phụ trách chuẩn bị các mâm lễ dâng Đức Thánh đêm Khai ấn.
Gần 30 năm qua, cùng với các bà, các chị trong Hội dâng hoa Đền Trần, bà Thảo là người tận tuỵ chăm lo chuẩn bị lễ vật dâng Đức Thánh.
Theo bà Thảo, Lễ Khai ấn năm 2023, Hội dâng hoa chuẩn bị 40 mâm lễ. Quan trọng nhất và không thể thiếu, đó là cặp bánh chưng - bánh dày; 3 lẵng hoa kết rồng bay - phượng múa, trầu têm cánh phượng… được kết tỉa công phu với kích cỡ lớn. Ngoài ra, 6 lẵng hoa ly với chiều cao chừng 2m cũng được kết tỉa kỳ công, còn lại là các mâm lễ vật khác…
Tất cả những lễ vật này sẽ có mặt trong đoàn rước Đêm Khái ấn đúng thời khắc giao thời từ đêm 14 sang ngày 15 tháng Giêng.
“Lễ vật hoa năm nào cũng có hình ảnh rồng - phượng, những linh vật biểu trưng của văn hoá Việt Nam. Rồng bay phượng múa được kết từ hoa. Một lẵng hoa như thế mất vài ngày mới hoàn thiện, được phối với nhau bằng rất nhiều loại hoa, quả quen thuộc, gần gũi với người Việt”, bà Thảo lý giải.
Lễ vật không thể thiếu khác, là cặp bánh chưng - bánh dày có kích thước khổng lồ.
“Trời tròn - đất vuông”, chiếc bánh chưng tượng trưng cho đất có trọng lượng khoảng 20kg. Bánh dày tròn - tượng trưng cho trời - trọng lượng cũng khoảng 15kg. Sau khi dâng Đức Thánh Trần, các lễ vật này sẽ được tán lộc cho du khách về dự lễ Khai Ấn để mang lại sự may mắn, bình an trong một năm mới”, cụ bà 80 tuổi đất Thành Nam chia sẻ.
Lễ Khai ấn đền Trần năm Quý Mão 2023, lẵng hoa chính ở vị trí trung tâm được kết hình ảnh cặp chim phượng đang xoè cánh, bên dưới là một buồng cau lớn làm giá đỡ. Hai lẵng hoa hai bên là cặp rồng ngậm ngọc chầu hai bên. Tất cả các chi tiết được tạo tỉa kỳ công bởi những nghệ nhân tài hoa, và giống nhau từng chi tiết.
Bên cạnh đó, một đĩa hoa hồng nhiều màu được kết thành một đĩa hoa, những bông hoa bên trong xếp thành chữ “TRẦN”; 14 đĩa hoa khác đặt tại 14 ngai thờ trong khu Đền nhà Trần...
Những du khách dự lễ Khai ấn nhiều năm đều biết bà Thảo là người chuẩn bị các lễ vật dâng Thánh. Họ tìm tìm đến khu vực soạn lễ bên trong đền Cố Trạch để tận mắt chiêm ngưỡng, trầm trồ về các mâm lễ được chuẩn bị kỳ công.
Những ngày diễn ra Lễ hội đền Trần, các lễ vật do bà Thảo và chị em trong Hội dâng hoa chuẩn bị sẽ được đặt ở các vị trí trang trọng bên trong các đền Cố Trạch, Thiên Trường, Trùng Hoa của quần thể Di tích đền Trần.
30 năm sửa lễ dâng Đức Thánh Trần
Năm nay, vừa bước sang tuổi 80, thế nhưng ít ai nghĩ cụ bà Cao Thị Thảo vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn, hoạt bát nhường vậy. Khi các lễ vật được đưa vào khu vực soạn lễ trong đền Cố Trạch, kê đặt trang nghiêm trên dãy bàn được sắp sẵn chờ đến giờ Khai Ấn, bà Thảo cùng những chị em trong Hội dân hoa túc trực bên cạnh các mâm lễ vật.
Nhiều du khách hiếu kỳ, tò mò đưa tay sờ ngắm các lễ vật, hay đưa điện thoại sát cạnh để chụp hình…, bà Thảo đều vội nhắc nhở, yêu cầu tránh xa…
“Lễ vật dâng Thánh, trước tiên bằng cái tâm. Di tích đền Trần là Di tích đặc biệt, nên các lễ vật đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ, chỉn chu và trang trọng, như vậy mới tương xứng với Đức Thánh. Bà con có thể chụp hình lưu niệm, nhưng không được chạm tay, sờ vào mâm lễ, vì như thế sẽ làm mất đi sự thành kính đối với các Đức Thánh Trần. Gần 30 năm qua, tôi chưa một năm nào nghỉ, kể cả lúc đau ốm”, bà Thảo chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở quê hương thành Nam, bà Thảo luôn tự hào về mảnh đất gắn với các các vị vua nhà Trần, với khu di tích Đền Trần và chùa Tháp Phổ Minh.
Công tác trong ngành Y, sau khi nghỉ hưu, bà Thảo có nhiều thời gian hơn để tập trung cho việc chuẩn bị đồ lễ dâng Đức thánh Trần. Năm 1997, Hội dâng hoa hội tụ các bà, các chị sinh sống tại TP Nam Định được thành lập do bà Thảo phụ trách. Từ đó đến nay, Hội dâng hoa bền bỉ với trọng trách chuẩn bị các lễ vật (gồm hoa, bánh…) trong Lễ Khai ấn đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hằng năm.
Năm 2016, khi đó gia đình bà sửa nhà, phải thuê một căn nhà nhỏ để làm chỗ ở tạm. Căn nhà rất chật hẹp, thế nhưng bà Thảo vẫn sắp xếp để chị em trong Hội dâng hoa đến nhà để sắp mâm lễ.
“Thời gian đầu, vừa tự làm, vừa mày mò, có gì dùng thứ nấy để kết hoa, kết lẵng, chúng tôi còn dùng cả hoa hồng gai. Bây giờ, nhiều nguyên liệu, phụ liệu, lễ vật kết hoa rồng chầu phượng vũ ngày càng đẹp đẽ, hoàn hảo như một tác phẩm nghệ thuật”, bà Thảo tự hào.
Theo bà Thảo, các bà, các chị Hội dâng hoa đều tự nguyện phát tâm, góp tiền túi để làm lễ dâng các Ngài. Nếu nói về giá trị thì đó là lễ vật vô giá của sự thành tâm dâng lên tổ. Giá trị của đàn lễ dâng Thánh Trần dao động ở mức 50 - 60 triệu, trong đó các bà trong hội đóng góp phát tâm được 1/3, số còn lại là phát tâm công đức của du khách thập phương.
“Tôi mỗi ngày một cao tuổi, sức khoẻ cũng đã kém hơn năm trước. Mấy năm dịch bệnh, Đền Trần không tổ chức Lễ Khai ấn được, tôi thấy trống vắng. Năm nay, lễ hội tưng bừng hơn, mình thấy khoẻ khoắn trở lại. Còn sống, còn sức khoẻ, tôi còn chăm lo việc biện lễ dâng Đức Thánh”, cụ bà 80 tuổi Cao Thị Thảo cho hay.