| Hotline: 0983.970.780

Cú huých từ chăn nuôi theo lợi thế vùng miền

Thứ Bảy 15/06/2024 , 08:55 (GMT+7)

Không chỉ gia tăng về số lượng tổng đàn mà quy mô chăn nuôi cũng như các biện pháp thú y được tuân thủ tốt đã giúp ngành chăn nuôi ở xứ Tuyên khởi sắc.

Phát triển chăn nuôi theo lợi thế vùng miền đã giúp ngành chăn nuôi ở Tuyên Quang khởi sắc. Ảnh: Quang Linh.

Phát triển chăn nuôi theo lợi thế vùng miền đã giúp ngành chăn nuôi ở Tuyên Quang khởi sắc. Ảnh: Quang Linh.

Cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thế mạnh vùng miền

Ông Đào Duy Quý, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang đang phát triển chăn nuôi theo đúng định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung trang trại, gia trại, theo hướng liên kết, gắn với thị trường, đã hình thành theo từng vùng. Tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại chiến 42% tổng sản phẩm chăn nuôi. 

Căn cứ vào lợi thế, tiềm năng các địa phương trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang đã xác định, tập trung phát triển chăn nuôi một số đối tượng vật nuôi chính. Như đối với chăn nuôi trâu, bò, tỉnh đã hình thành và tổ chức sản xuất hàng hóa về trâu giống và trâu thương phẩm tại các huyện vùng cao gồm Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.

Đây là những địa phương có nhiều đồi núi, rừng nguồn cỏ và thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc phát triển. Hiện nay tổng đàn trâu của tỉnh Tuyên Quang đạt khoảng 90.000 con, đàn bò hơn 39.300 con...

Chị Hoàng Thị Đồng, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cho biết, địa phương có nhiều rừng núi nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có nên gia đình chị quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc.

Hiện nay, chuồng chăn nuôi của gia đình chị có khoảng 30 con bò nuôi theo hình thức vỗ béo. Khi đường giao thông phát triển, các chương trình hợp tác liên kết được thắt chặt nên vấn đề đầu ra không còn là rào cản đối với người chăn nuôi. Do đó, ngành chăn nuôi ở địa phương được mở rộng phát triển và có giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, tổng đàn lợn ở Tuyên Quang thường xuyên duy trì hơn 594.700 con, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn được hình thành và phát triển. Nhất là tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, bởi đây là 2 địa phương có nhiều nhà máy, tập trung đông dân cư lại gần thành phố Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái nên việc thông thương thuận tiện.

Điển hình có Tập đoàn DABACO và một số trang trại có quy mô từ 1.000 - 2.000 con lợn/trang trại tại huyện Sơn Dương và trang trại chăn nuôi của Tập đoàn Mavin, quy mô khoảng 1.000 con...

Bên cạnh đó môi trường kinh doanh nông nghiệp trong tỉnh Tuyên Quang như tiếp cận tín dụng, thuế cũng được cải thiện rõ rệt. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn, do đó những công ty, tập đoàn lớn như Tập đoàn TH, DABACO, Hồ Toản… đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín từ giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ…

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi ở Tuyên Quang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ngành chăn nuôi cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: Phương thức chăn nuôi mang tính quảng canh, năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp, chưa tạo được thương hiệu trên thị trường; chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn chiếm đa số.

Đặc biệt chăn nuôi tại các phường, thị trấn, xã, khu vực đông dân cư vẫn còn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, khả năng lây lan dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đô thị.

Những rào cản kể trên là một trong những nguyên nhân chính luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đặc biệt nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang người.

Ý thức phòng dịch bệnh được cải thiện

Những năm 2020, 2021 là cao điểm của cao điểm của Dịch tả lợn châu Phi, nhiều làng quê ở Tuyên Quang khi ấy vắng bóng tiếng lợn kêu. Sau bài học kinh nghiệm xương máu ấy, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi quy mô lớn thực hiện nghiêm túc công tác thú y phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn.

Ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được nâng lên. Ảnh: Đào Thanh.

Ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được nâng lên. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều năm nay, trang trại chăn nuôi lợn của HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung ít xảy ra dịch bệnh quy mô lớn, do thực hiện nghiêm ngặt công tác thú y phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đạt được kết quả này, HTX yêu cầu toàn bộ cán bộ, công nhân ra vào trang trại phải tuân phủ nghiêm nguyên tắc tiêu độc, khử trùng; không tùy tiện cho người lạ ra vào trang trại; đàn vật nuôi được tiêm phòng định kỳ, có kỹ sư chăn nuôi giám sát tình hình sức khỏe và theo dõi tình trạng tăng trọng.

Hiện nay, HTX thường xuyên duy trì hơn 400 lợn nái và xuất ra thị trường khoảng 900 tấn lợn thương phẩm/năm. HTX chủ động từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thương phẩm, giết mổ, chế biến và tiêu thụ.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung cho biết, đến nay, sản phẩm thịt lợn thảo dược Sáng Nhung đã đạt chuẩn OCOP 4 sao; 15 sản phẩm chế biến từ thịt lợn như lạp xưởng, giò, chả, xúc xích, ruốc… cũng đạt OCOP từ 3 - 4 sao.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện quyết liệt, kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Do đó, giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh năm 2010) năm 2022 đạt gần 3.546  tỷ đồng, tăng bình quân 8 %/năm (giai đoạn 2020-2022);  tỷ trọng chăn nuôi năm 2022 trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 34,4%.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, để đạt được kết quả kể trên hàng năm, tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách hỗ trợ trong công tác phòng bệnh chủ động, như: Hỗ trợ tiền công và vacxin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, đàn lợn đực, lợn nái sinh sản, vacxin dịch tả cho đàn lợn; mua thuốc khử trùng trong việc vệ sinh phòng bệnh và chính sách hỗ trợ vacxin phòng bệnh cho các xã và thôn đặc biệt khó khăn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng kinh phí hàng năm khoảng 5 tỷ đồng, đã góp phần phát triển ổn định ngành chăn nuôi.

Việc hình thành các sản phẩm truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu đã được người chăn nuôi quan tâm chú trọng. Một số mặt hàng chăn nuôi đã thực hiện ký kết các hợp đồng tiêu thụ. Các HTX nông nghiệp, kinh tế trang trại, gia trại cùng các loại hình dịch vụ ở nông thôn được củng cố, hỗ trợ có hiệu quả cho người sản xuất. Năng lực trong sản xuất và kinh doanh của gia đình hộ nông dân được nâng lên, vì vậy đã làm tăng thu nhập, cải thiện được cuộc sống, góp phần tích lực trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 100 trang trại chăn nuôi (theo Thông  tư 02); 397 trang trại quy mô vừa và nhỏ; có 1 trang trại đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 2 trang trại được Công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 33 cơ sở/hộ chăn nuôi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP; 15 cơ sở an toàn dịch bệnh; 4 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;  34 sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 4 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể… Việc đăng ký bảo hộ và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa đang được đơn vị chủ trì dự án triển khai thực hiện.

Xem thêm
Khánh Hòa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi

Khánh Hòa Kết quả xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Đất trũng nở hoa sen

Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các đầm sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp cho Thành phố mà còn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm