| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh có hơn 100 mô hình nuôi chồn hương, số lượng trên 110.000 con

Thứ Sáu 07/06/2024 , 14:26 (GMT+7)

Dễ nuôi, giá trị, lợi nhuận cao nên những năm gần đây phong trào nuôi chồn hương ở Hà Tĩnh phát triển rất nhanh.

Vốn là động vật hoang dã nên chồn hương có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, quá trình nuôi không tốn nhiều công chăm sóc nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao nên mô hình này đang được người dân tại Hà Tĩnh đầu tư nhân rộng. Đây được xem là mô hình mới và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Chồn hương thương phẩm giá 1,5 - 1,9 triệu đồng/kg

Trang trại nuôi chồn hương Đức Thắng của anh Nguyễn Văn Đức tại thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) là một trong những trang trại nuôi chồn hương lớn nhất Hà Tĩnh. Hiện trang trại đang nuôi gần 800 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán giống ra thị trường.

Trang trại của anh Nguyễn Văn Đức (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) là một trong những trang trại nuôi chồn hương lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trang trại của anh Nguyễn Văn Đức (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) là một trong những trang trại nuôi chồn hương lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Đức cho biết, vào năm 2019, tình cờ biết mô hình nuôi chồn hương ở TP.HCM có triển vọng nên anh đã tìm hiểu. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, anh đã mạnh dạn mua 50 con giống về nuôi. So với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu ở các quán ăn, nhà hàng. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi. Nhờ học hỏi, tìm tòi và ứng dụng tốt các kỹ thuật nên đàn chồn hương của anh Đức ngày càng sinh sôi, phát triển. Mỗi năm anh cung ứng ra thị trường từ 1.000 - 2.000 con giống, doanh thu hàng tỷ đồng.

Từ thành công của trang trại chồn hương Đức Thắng, nhận thấy mô hình nuôi chồn hương là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng nên mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong đó TP Hà Tĩnh là địa phương có nhiều hộ dân nuôi do tận dụng được diện tích nông hộ nhỏ và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Thái Sơn ở thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) là một điển hình.

Anh Sơn chia sẻ: Năm 2021, sau khi học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi chồn hương trong và ngoài tỉnh, anh đã mạnh dạn đăng ký với cơ quan chức năng xin cấp phép nuôi chồn hương trên diện tích gần 1.000m2. Anh đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng 144 ô chuồng và gần 200 triệu đồng để mua 10 cặp chồn giống về nuôi thử nghiệm. Hiện nay, chồn hương giống có giá bán rất cao, từ 10 - 12 triệu đồng/cặp. Chồn hương thương phẩm cũng có giá dao động từ 1,5 - 1,9 triệu đồng/kg. Năm 2024, anh Sơn dự kiến bán khoảng 100 con giống, ước lãi gần nửa tỷ đồng.

Hộ anh Nguyễn Thái Sơn (thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) là hộ tiêu biểu chăn nuôi chồn hương cho hiệu quả cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hộ anh Nguyễn Thái Sơn (thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) là hộ tiêu biểu chăn nuôi chồn hương cho hiệu quả cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Dương Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) cho biết: Việc nuôi thành công Chồn hương tại trang trại hộ anh Sơn đã mở ra hướng đi mới trong việc tái cơ cấu chăn nuôi của xã Đồng Môn nói riêng, TP Hà Tĩnh nói chung theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nguồn thức ăn phục vụ nuôi chồn như trứng gà, cá, chuối, ốc… trên địa bàn TP Hà Tĩnh rất dồi dào. Đây cũng là tiền đề để TP Hà Tĩnh xóa bỏ dần chăn nuôi gia súc truyền thống như trâu bò, lợn nông hộ…, chuyển dần sang các giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường trong khu dân cư.

Cơ sở nuôi chồn hương của anh Trần Thanh Tiệp ở Tổ dân phố 8, phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) là một trong những trang trại có quy mô lớn tại TP Hà Tĩnh. Để có được thành công như hôm nay, anh Tiệp đã tìm tòi, học hỏi các mô hình và đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua 70 con chồn giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích 300m2.

Theo anh Tiệp, chồn hương rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Sau gần 1 năm triển khai mô hình nuôi chồn hương, đến thời điểm này, trang trại của anh Tiệp đã nhân tổng đàn từ 70 con lên 170 con, đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Đến nay Hà Tĩnh đã có hơn 100 mô hình nuôi chồn hương với số lượng trên 110.000 con. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đến nay Hà Tĩnh đã có hơn 100 mô hình nuôi chồn hương với số lượng trên 110.000 con. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chồn hương thuộc danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương.

Xây dựng quy trình chuẩn chăn nuôi chồn hương

Anh Ngô Hà Phương ở thôn Đông Nam, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) từng nuôi gà và chim trĩ nhưng không đem lại hiệu quả cao do phải chăm sóc rất tốn kém và đầu ra chưa ổn định. Sau khi tìm hiểu tại các mô hình nuôi chồn hương trên địa bàn Thành phố cũng như các mô hình nuôi chồn hương thành công trên địa bàn tỉnh, anh quyết định đầu tư chuồng trại và mua 12 con chồn hương giống về nuôi.

Nuôi chồn hương rất thuận lợi do không cần phải đầu tư quy mô trang trại lớn, phù hợp với hộ gia đình. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi chồn hương rất thuận lợi do không cần phải đầu tư quy mô trang trại lớn, phù hợp với hộ gia đình. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau hơn 5 tháng nuôi, anh Phương nhận thấy tuy chi phí bỏ ra ban đầu lớn nhưng bù lại quá trình nuôi không tốn kém nhiều và không gây ô nhiễm môi trường. Với những kết quả bước đầu, anh Phương dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại và tăng số lượng đàn.

Giá trị kinh tế của chồn hương đem lại cho người nuôi rất cao nên khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh nói riêng, TP Hà Tĩnh nói chung đã mạnh dạn đầu tư vốn, học tập kỹ thuật để nuôi. Nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, không cần diện tích chuồng trại lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã có 5 mô hình nuôi chồn hương với tổng đàn khoảng 350 con.

Theo ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh: Chăn nuôi chồn hương là mô hình kinh tế mới trên địa bàn Thành phố. Qua kiểm tra, các cơ sở mua con giống ở các trại giống hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Dù mới nuôi chưa lâu nhưng bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả rõ nét, chồn phát triển nhanh, sinh sản đều, cho số lượng con giống lớn.

Người nuôi chồn hương cần đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp phép. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Người nuôi chồn hương cần đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp phép. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Qua đánh giá, mặc dù kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó nhưng để hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, cần phải có một quy trình chuẩn. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Thành phố đã phối hợp với các hộ chăn nuôi chồn hương trên địa bàn theo dõi tập tính, ăn uống, nghỉ ngơi, quá trình phối giống, sinh sản của chồn hương để chuẩn hóa thành cuốn cẩm nang, từ đó chuyển giao cho các hộ dân khác phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có trên 100 mô hình nuôi chồn hương với số lượng khoảng trên 110.000 con. Quá trình nuôi, người dân đã có sự đầu tư bài bản, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình và tiến hành đăng ký, được cấp phép chăn nuôi đúng quy định.

Xem thêm
Khánh Hòa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi

Khánh Hòa Kết quả xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Đất trũng nở hoa sen

Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các đầm sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp cho Thành phố mà còn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm