| Hotline: 0983.970.780

Cụ ông 100 tuổi bán hàng ở ngôi chợ lạ tính nhẩm thanh niên còn thua

Thứ Bảy 03/09/2022 , 14:21 (GMT+7)

Tính nhẩm cộng trừ nhân chia khi bán hàng rất nhanh nhưng tính số người yêu cũ thì lại chậm, cả một buổi sáng trời mưa tôi đã nghe cụ rì rầm ôn chuyện cũ.

Đam mê tính toán, bán hàng

Cụ là Phạm Hữu Thú sinh năm 1922, nghĩa là tuổi tây nay đã 100, còn tuổi ta là 101. Xưa cụ ở thôn Thọ Sơn, mới chuyển sang thôn Trung Yên của xã Trường Sơn (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vài chục năm nay. Bất ngờ thay, anh Nguyễn Văn Tình - Bí thư thôn Thọ Sơn - người dẫn tôi đến cũng chính là con của một trong những người yêu cũ của cụ. Anh hỏi rằng: “Xưa ông yêu mẹ cháu, bà Nguyễn Thị Cửu ấy là vì răng?”.

Cụ Thú cười, trơ cả hàm trên, hàm dưới chỉ đôi ba cái răng, đỏ lòm toàn lợi, bảo: “Mẹ anh ngày xưa đẹp lắm! Tôi đi bộ đội, bà ấy là người cùng làng đi dân công hỏa tuyến, về nhà lại làm cùng một đội sản xuất rồi thích nhau, yêu nhau mà chỉ dám cầm tay thôi. Nhưng nhà tôi nghèo, nhà bà ấy lại giàu, lắm ruộng, nhiều trâu, có cả người làm thuê nên bố bà mới ngăn cản, không cho lấy”.

Empty

Cụ Phạm Hữu Thú (bên phải) vui vẻ kể lại cho anh Nguyễn Văn Tình - Bí thư thôn Thọ Sơn thuở trẻ mình từng yêu mẹ anh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo anh Tình, về sau, tuy hai người không đến được với nhau, bà đi lấy chồng, ông đi lấy vợ rồi nhưng khi làm thợ mộc, thỉnh thoảng có cái bánh chưng, gói xôi hay miếng thịt gà vẫn thường mang đến biếu bà, họ coi nhau như những người bạn vậy. Bố anh Tình cũng biết, hiểu chuyện nhưng chẳng bao giờ ghen tuông. Cùng làng, cùng đi bộ đội chống Pháp, cả hai vẫn sống chết vì nhau, coi nhau như anh em cả.

Khi mẹ anh Tình già yếu, ốm sắp mất vẫn bảo rằng: “Trước đây tôi muốn lấy thằng Thú cơ…”, chuyện ấy nhiều người làng biết. Còn cụ Thú thì hỏi hôm tôi sang cùng anh Tình rằng: “Tôi về sau chết, xuống dưới suối vàng ấy tìm mẹ anh, không biết có còn thấy bà ấy nữa không nhỉ?”.

Và trong trí nhớ của cụ Thú, ngoài bà Cửu ra còn có những bóng hồng khác. Người thì cụ thích, mà phần lớn là thích cụ bởi ngày xưa mình cao to và làm mộc rất tài: “Người yêu tôi có nhiều nhưng vợ chỉ có một. Không phải tôi mê gái gì đâu mà ngày xưa các bà ấy thích vì tôi cao to. Một khi đã có vợ rồi thì thích nhau đấy nhưng cũng chỉ để ở trong lòng thôi”.

Empty

Cụ Phạm Hữu Thú đang cân "cám cò" cho khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cụ Thú là thợ cả, cầm đầu một tốp thợ mộc chuyên đi kiếm cơm khắp thiên hạ. Lấy sào mực của căn nhà gỗ kẻ chuyền là khó nhất bởi nó quyết định toàn bộ hệ thống xà dọc xà ngang, vì kèo mà cụ làm dễ cứ như không. Những ngôi nhà gỗ ba gian, bốn gian, năm gian tốp thợ cụ làm trong vùng có nhiều cái vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay.

Lấy vợ cùng tuổi, sinh hạ được 4 người con, cụ chọn sống với anh con út là Phạm Trường Hiền ở trong làng. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thấy kinh tế khó khăn quá anh Hiền mới ra mặt đường chợ Nồn (một ngôi chợ cổ tuổi đời cả trăm năm ở xã Trường Sơn nhưng mấy năm rồi làm nông thôn mới, ngành văn hóa về khuyên nên đổi tên vì dễ gây nhầm lẫn nên nay đã đổi là chợ Trường Sơn - PV) dựng một túp lều tranh, vách đất để hành nghề sửa xe đạp, bán chè, bán trứng vịt lộn…

Chợ Nồn họp theo ngày chẵn âm lịch, 1 tháng 15 phiên, dân tứ Trường là bốn xã Trường Minh, Trường Trung, Trường Giang, Trường Sơn và tam Tượng là ba xã Tượng Sơn, Tượng Lĩnh, Tượng Văn thuộc vùng bốn của huyện Nông Cống kéo đến bày bán hàng trên một bãi đất trống, dựng tạm vài cột tre, lợp lá kè che nắng che mưa. Đến năm 1990 anh Hiền dành dụm được ít tiền mua mảnh đất, dựng nhà, trở thành người đầu tiên ra định cư tại chợ Nồn, rồi đón bố mẹ đến ở cùng.

Empty

Cụ Phạm Hữu Thú cân bột ngô cho khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cánh cửa chính, cửa sổ của ngôi nhà ấy đều có dấu ấn tài hoa của tay người thợ mộc là cụ Thú, năm đó đã ngót 70 tuổi. Khi anh bắt đầu mở lĩnh vực mới là bán “cám cò” - tức thức ăn chăn nuôi công nghiệp bên cạnh bán hàng tạp hóa thì cụ Thú xin được bán cùng. Có nhiều loại “cám cò” rồi là cám ta, ngô, máng ăn, máng uống nhưng cụ tính nhẩm chẳng mấy khi nhầm.

Cô con dâu lấy cái túi đựng áo mưa buộc thêm sợi dây dài cho bố chồng đeo vào người, cứ thế mà bỏ tiền vào, tối cụ lại đưa hết cho rồi bảo đùa rằng: “Tau cho mi vay, lúc mô tau chết thì trả”. Cụ Thú dần trở nên thích thú với việc buôn bán này. Trí tuệ của người thợ cả năm nào từng cầm sào mực làm nhà gỗ nay dành toàn tâm, toàn ý cho cái nghề mới phôi thai.

Empty

Kiểm đếm tiền trước khi cho vào cái túi luôn đeo theo người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điều đặc biệt là xưa cụ Thú không được đi học, qua lớp i tờ mấy ngày rồi đi bộ đội chống Pháp mà chỉ cần nghe người ta đánh vần là tự khắc nhập tâm, ngay cả các phép tính nhẩm nhanh “thần sầu” cũng học mót như thế.

Bí quyết trường thọ và minh mẫn

Ngồi bán hàng bên này cụ luôn ngó mắt sang cái nhà kho bên kia đường, cách đó chừng 20m, hễ có bóng ai thì lại gọi to lên: “Dung (tên con dâu) ơi, có khách”. Khách mà đi vào cửa hàng thì cụ luôn đi theo, đứng kề bên hòm tiền để đề phòng. Lúc vắng thì cụ lại dỗ dành và chơi với đám chắt (hiện cụ đã có 12 cháu, 21 chắt).

Ngoảnh đi ngoảnh lại thấm thoắt đã 30 năm, người dân ở vùng bốn huyện Nông Cống đã quen thuộc hình ảnh một cụ ông đứng bán hàng ở chợ Nồn cho đến khi đại dịch Covid tràn tới. Vì đề phòng dịch nên con trai không cho bố bán hàng nữa, dựng cả hàng ghế để cách ngăn làm  cụ vùng vằng: “Tau có phải là con nít mô mà mi cấm, mi ngăn như rứa?”. Thế rồi cụ bỏ ăn khiến cho cô con dâu phải dỗ dành: “Bố ơi, ăn đi, con mà không đeo khẩu trang chồng cũng không cho ra ngoài bán hàng đâu”, mãi rồi cụ mới nguôi ngoai.

DSC_2051

Mừng thọ cụ năm 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi thử mấy phép tính cộng, trừ, nhân chia, cụ Thú đều nhẩm nhanh còn hơn cả cô con dâu bấy lâu nay vẫn phụ thuộc vào cái bút và quyển sổ. Thấy thức ăn chăn nuôi từ năm ngoái tới năm nay hơn chục lần tăng giá, cụ rền rĩ: “Nhà nước cứ để lên giá như thế này thì bà con chăn nuôi còn khổ đến bao giờ?”.

Khi cơn sóng Covid đi qua, được con cho phép ra ngoài bán hàng như cũ, cụ Thú vui mừng hớn hở vì được nhìn thấy người quen, vì được làm công việc mà mình thích. Anh Hiền kể, hồi trẻ bố mình nóng tính nhưng càng về già lại càng hiền lành, thương con, thương cháu. Bạn bè nghỉ hưu của mình, nhiều người lương 8-10 triệu/tháng nhưng anh đều bảo, không ai sướng như bố tôi vì thích ăn gì thì ăn, quần áo đã có con cháu giặt nhưng tắm táp thì không phải nhờ ai, xem bóng đá, đọc chữ không phải đeo kính. 

Tuy đã dư 100 tuổi nhưng cụ Thú cũng rất hay tếu táo. Có cô mua hàng xong, gắng sức xách bao cám mà vẫn không đặt lên nổi yên xe, liền kêu: “Ông ơi, đỡ đít cháu với!” là cụ chạy ra bợ tay định đỡ vào…mông. Người ta phản ứng, cụ cười: “Thì chị kêu tôi đỡ đít chứ có phải đỡ đít bao cám đâu nào?”.

Empty

Ngày nào cũng hai bữa cá biển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cụ than, thời gian giờ đây sao nhanh thế, mới Tết xong mà đã hơn 7 tháng rồi, vợ tôi mới mất ngày nào, vẫn còn nhớ rõ mặt mà nay đã 12 năm có lẻ. Chị Phạm Thị Dung - con dâu cụ kể: “Tôi về làm dâu trong nhà đã 40 năm, bố chồng thấy vất vả nên rất thương. Ông vẫn bảo: “Tau mà chết thì mi khổ lắm, không ai bán hàng cho là phải chạy thường xuyên. Chứ cứ mỗi khi kêu: “Dung ơi, nhà có khách” thì mi lại vừa đi vừa chạy. Giờ tôi hỏi bố thích ăn cái gì nhất để con mua thì ông bảo: “Cái chi tau cũng thấy đủ rồi”.

Trước ông nghiện thuốc lào, rượu mỗi ngày uống cả chai nhưng hơn 10 năm trước đi khám, bác sĩ bảo đau mạch vành cơ tim, vậy là bỏ luôn một lúc. Giờ ông chỉ thích uống “bò húc” nhưng tôi chỉ cho 2 ngày/1 lon, còn hàng ngày ngoài bữa sáng ăn mì hay cháo, bữa trưa, bữa tối ông ăn 1 bát cơm, 1 khúc cá biển kho, nếu có thì thêm ít thịt băm hay trứng và đều đặn phải có 2 - 3 quả chuối, vài lát khoai lang ghế cơm.

Xưa ông thích ăn cá trích nhưng mấy chục năm nay chỉ chọn mỗi cá tô vôi (một loại cá dòng cá nục -PV) vì nó nạc, ít xương”. Lời chị Dung nói như vậy khiến cho tôi tò mò lần ra cái chợ ven biển, mua thử vài con cá tô vôi về để ăn, vì biết đâu đấy, sẽ học được một bí quyết trường thọ mà minh mẫn như cụ Thú…

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Bình luận mới nhất