| Hotline: 0983.970.780

Cửa hàng lương thực huyện

Thứ Sáu 08/01/2021 , 06:09 (GMT+7)

Phải công nhận sức hút từ cửa hàng mua bán lương thực này thật mãnh liệt. Những gạo hẩm, cám mốc nơi đây vẫn hơn những chói chang mà đói nheo đói nhóc ngoài kia.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xưa, thị trấn, thị tứ, phố huyện, được coi là sầm uất, sang trọng là phải có sự hiện diện của Cửa hàng bách hóa vải sợi - sau này đổi tên thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp - và Cửa hàng lương thực huyện, thêm vài cơ quan hành chính cùng cái chợ con con họp 2 bên đường lộ, phục vụ dân phố và cho cánh cán bộ trong mấy cơ quan này.

Có những làng quốc lộ chạy qua, tiện đường sá cho vài xã lân cận huyện nhà cũng xây cửa hàng lương thực, cửa hàng bách hóa, thế là quãng đường ngắn ngủi có khi chưa đầy cây số ấy cũng có thể được người làng gọi là phố. Lâu dần mà thành quen, người trong làng hãnh diện vì làng mình có phố, người trong huyện cũng gọi theo mà không bao giờ hỏi tại sao quãng đường đó lại được gọi là phố. Phố làng nơi huyện lị, tỉnh lẻ nhiều khi được bắt đầu như thế.

Cứ đến ngày đầu tháng bán gạo theo sổ là cánh thoát ly xã trên, xã dưới tấp nập về đây. Những cuốn Sổ mua lương thực ghi tên chủ hộ và người ăn theo được cầm chắc chắn trong tay, một số đàn ông thì để trong túi áo ngực. Cuốn sổ quan trọng đến mức mà từ khi nó ra đời không lâu sau đã có cụm từ gắn với những gương mặt buồn lo, nghệt ra "sao như mất sổ gạo thế"?

Cuốn sổ này ghi rõ, suất người lớn 13kg gạo 1 tháng, trẻ con tùy theo lứa tuổi cũng có mức quy định. Cũng từ đây mới có câu "dạy toán, học văn, ăn thể dục". Nói như thế có nghĩa là, dạy toán hay học văn thì nhàn, còn ăn thể dục thì trong khi các ngành nghề khác chỉ được 13kg gạo 1 tháng thì người dạy thể dục được 18kg gạo 1 tháng.

Cửa hàng lương thực đơn giản, tuềnh toàng hơn cửa hàng bách hóa nhiều. Phần sân cửa hàng thường chẳng có tường bao, ăn lấn với vỉa hè quốc lộ. Xe đạp, xe thồ, xe máy của người đi đong gạo cứ xếp đấy, khóa lại, còn chủ nhân thì vào trong mà xếp hàng chờ đến lượt. Đầu tháng cuối tháng là những ngày cửa hàng rất đông, người ta tối mắt vào lo bao tải gạo nhà mình.

Cô bán hàng người đâu mà cấm cẳn, quanh năm ngày tháng từ lúc gái tân cho đến lúc vài ba con lúc nào cũng cau có, cũng sưng lên, ít khi thấy niềm nở. Người thì bảo đất này không lành, người lại bảo "cái giống này nó thế". Ý chừng cậy là nhiều người cầu cạnh mà khinh khỉnh. Nói thế thôi, nhưng người ta vẫn phải ngọt nhạt, chứ mấy người dám vặc lại. Và dẫu thế nào thì các cô vẫn đắt chồng, mà chồng cũng là cánh thoát ly, cán bộ huyện chứ không phải đám canh nông. Vị trí này thường phải con cái nhà ai trong số cán bộ huyện, cán bộ tỉnh và máu mặt thế nào mới được chỗ thơm thế, chứ đâu phải ai học cao đẳng, trung cấp cũng được về mà ngồi vào đây.

Lại phải nói kĩ hơn về cái hộp giật trong cửa hàng lương thực. Gạo mậu dịch chứa trong kho, tường kho đục 1 ô vuông để gạo chảy ra khu vực cân trong cửa hàng. Ô ấy được chắn chặn bằng 1 vuông gỗ, có then cài như then cửa, nối với 1 cần dài ngay chỗ cân bàn. Khi cô bán gạo muốn gạo chảy ra chỉ việc giật cái cần, vuông gỗ nhấc lên, gạo sẽ chảy ra. Khi đủ lượng gạo trên mã cân cô buông tay, ô vuông được đóng lại. Có lẽ vì thế mà nó có tên hộp giật.

Cô bán hàng thường căn rất chuẩn, nếu gạo có chẳng may thừa, cô chỉ việc xúc ra cái thúng bên cạnh, cân cho chủ hộ xong cô lại đổ vào phễu, cân mã tiếp. Người ta xếp hàng nối nhau, khi người trước ngoắc miệng túi vào đáy phễu, mở nắp chắn cho mã gạo của mình chảy ra vào miệng bao dưới cái hố trụ xi măng thì người sau đến lượt. Đôi khi vãi dăm hạt, tích lại trong cái hố đặt bao ấy. Thời khó khăn, có người mang theo túi nhỏ vét nốt cả gạo trong cái hố nhỏ ấy. Người ta nhìn nhau, có ánh mắt xem thường, có ánh mắt thông cảm.

Phải công nhận sức hút từ cửa hàng mua bán lương thực này thật mãnh liệt. Những gạo hẩm, cám mốc nơi đây vẫn hơn những chói chang mà đói nheo đói nhóc ngoài kia, đến tiếng con gà buổi trưa eo óc cũng thê lương. Chẳng nói đâu xa mà mấy nhà gần cửa hàng lương thưc này thường nuôi gà, cứ 1 con mái dắt theo đàn gà con ra kho gạo kiếm mồi cũng khiến gà mái béo nung núc, đàn con thì mổ gạo nhanh thoăn thoắt. Có gia chủ gần cửa hàng thường sang quét tước cửa hàng hộ cô bán hàng, nếu nhiều có khi được đôi cân gạo vãi, ít cũng được dăm vốc gạo cho gà ăn thỏa mái những ngày mưa không thả. Chẳng thế mà nhiều nhà ở xa ghen vẫn nói mỉa nhà gần cửa hàng gạo này là "chịu khó hầu cô đến con gà cũng no".

Lại có những khi kho nhập về chỉ thấy bột mì và mì hạt, đến tháng đi đong ai nấy đều méo mặt. Thời khốn khó nhìn đâu cũng nghi hoặc, người ta nghĩ cô bán hàng này nói dối, gạo trong kho còn đầy mà không bán, bắt dân ăn độn, dành bán cho cánh người quen… Nhiều khi ông thủ kho phải ra mặt đối chất rằng bấy nay thóc kho cuốn của huyện đã hết, không có phát xay, nên gạo không về, chỉ có bột mì và mì hạt về nên mọi người thông cảm đong theo suất theo phần và tỉ lệ quy đổi. Người ta vẫn không tin, ông thủ kho phải lấy chìa khóa, cho vài người đại diện vào kho gạo xem.

Chuyện tưởng không có hồi kết, nhưng sau những năm khoán quản - tức là khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, cửa hàng lương thực huyện và công ty thương nghiệp huyện không còn có giá như xưa. Hàng cơm, hàng phở trong phố mở ra khiến cái cửa hàng ăn uống của huyện với cái bếp than đắp nguội lạnh. Phố huyện, phố làng, thị trấn, thị tứ đều đã thay da đổi thịt với một nhịp sống khác.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.