Ông Azharuddin, cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia. Ảnh: Freemalaysiatoday. |
"Suốt 4 năm qua, tôi đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 và tôi quyết tâm tìm ra câu trả lời mà tất cả chúng ta đều muốn có đối với thảm họa này. Tôi rất buồn khi ra đi trong hoàn cảnh này", Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia (CAAM) Azharuddin Abdul Rahman nói trong tuyên bố từ chức ngày 31/7, theo CNN.
Quyết định của Azharuddin được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Malaysia vừa hoàn thành báo cáo cuối cùng về vụ MH370, trong đó nêu rõ họ không thể tìm ra nguyên nhân chiếc máy bay biến mất, nhưng chỉ ra sơ suất của bộ phận kiểm soát không lưu trong việc tuân thủ quy trình vận hành.
Theo ông Azharuddin, dù báo cáo không đổ lỗi cho CAAM, có chứng cứ cho thấy Trung tâm điều khiển không lưu Kuala Lumpur (KLATCC) đã "không tuân thủ các quy trình hoạt động tiêu chuẩn" trong thảm kịch này. Quyết định từ chức của ông sẽ có hiệu lực sau 14 ngày nữa, tức là vào giữa tháng 8.
Kok Soo Chon, người đứng đầu nhóm điều tra, ngày 31/7 cho biết chiếc máy bay MH370 đã bị điều khiển bằng tay để bay vòng trở lại trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, nhưng chưa xác định được thao tác này do phi công thực hiện hay có sự can thiệp phi pháp. Chon bác bỏ các nhân tố có thể khiến máy bay biến mất như tình trạng sức khoẻ tâm thần của phi công, sự cố hay hệ thống điều khiển từ xa là nguyên nhân khiến máy bay mất tích.
Giới chức vẫn chưa tìm thấy xác chiếc máy bay MH370 cùng 239 hành khách và phi hành đoàn trong khu vực tìm kiếm rộng 120.000 km2 tại Ấn Độ Dương, khi cuộc tìm kiếm đa quốc gia lớn nhất lịch sử hàng không do chính phủ Australia dẫn đầu đã kết thúc vào tháng 1/2017.
Theo báo cáo chính thức về thảm họa MH370 của chính phủ Malaysia, chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines có thể đã cố tình bay lệch lộ trình và hướng về phía nam Ấn Độ Dương. "Máy bay có khả năng thực hiện các thao tác như vậy là do hệ thống được điều khiển bằng tay", báo cáo viết. Không có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay muốn tránh radar giám sát hoặc các thành viên phi hành đoàn có thái độ kỳ lạ.
Báo cáo cũng cho biết các bộ phận quan trọng của hệ thống điện trên máy bay vẫn hoạt động tốt suốt hành trình. Tuy nhiên, do không tìm thấy hộp đen máy bay, các nhà phân tích chỉ có thể phỏng đoán về những giây phút cuối cùng trong buồng lái. Theo phân tích của chính phủ Australia, bên tham gia tìm kiếm MH370, máy bay đã hết nhiên liệu trước khi lao xuống nước.
Chính phủ Malaysia sẽ công khai báo cáo của nhóm điều tra vào ngày 6/8. Tới nay mới chỉ có ba mảnh vỡ được xác nhận thuộc về máy bay MH370 và đều được tìm thấy ở bờ biển phía tây Ấn Độ Dương.