| Hotline: 0983.970.780

Cúm gia cầm tung hoành đất Hà Tĩnh

Thứ Năm 09/08/2012 , 10:42 (GMT+7)

Sau hơn 2 tuần xuất hiện dịch CGC, đến nay, tại 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) dịch bệnh đang lây lan ra diện rộng với tốc độ chóng mặt.

Sau hơn 2 tuần xuất hiện dịch CGC (23/7), đến nay, tại 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) dịch bệnh đang lây lan ra diện rộng với tốc độ chóng mặt. Đã có hơn 8 nghìn con gia cầm thuộc 11 xã bị ốm, chết phải tiêu huỷ.

Khó kiểm soát

Theo thống kê của 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, tính đến nay đã có hơn 8 nghìn con gia cầm thuộc 11 xã bị ốm, chết phải tiêu huỷ. Trong đó, gà hơn 2.000 con, vịt 6.000 con, gia cầm khác 129 con.

Chúng tôi về xã Thạch Tân khi cán bộ xã này đang phối hợp với người dân thống kê đàn vịt bị bệnh chuẩn bị đưa đi tiêu huỷ. Chị Trần Thị Nga, thôn Mỹ Triều cho biết, chiều tối ngày 2/8 đàn vịt 500 con của gia đình chị có hiện tượng bỏ ăn, ngồi ủ rũ rồi chết. Ngay sau đó chị lên trình báo với thú y xã, đến chiều 3/8 tiến hành tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm. “Mất đàn vịt này biết là rất xót của nhưng cũng không thể để dịch lây lan nên tui đã đi trình báo với xóm, xã” - chị Nga than thở.


Chị Nga thống kê số vịt bị bệnh chuẩn bị đem đi tiêu huỷ

Trái ngược với chị Nga, nhiều hộ dân trong xã Thạch Tân vì nhận thức về dịch bệnh hạn chế nên khi có gia cầm bị ốm, chết họ không báo với thú y mà tự cho gia cầm vào túi nilon, bao bì đem đi vứt ở các bờ kênh, khe suối, không hề quan tâm tới việc dịch bệnh sẽ lây lan sang các hộ dân khác.

Được biết, ngoài xã Thạch Tân, địa bàn Thạch Hà đã có thêm 5 xã gồm Thạch Hương, Thạch Đài, Thạch Lâm, Thạch Thắng, Thạch Xuân dính dịch với hơn 4.700 con gia cầm phải tiêu huỷ.

Rời Thạch Hà chúng tôi đến xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, địa phương giáp ranh thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ. Đây là một trong nhưng xã dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với 4 hộ dân có gia cầm bị dịch. Điều đáng nói công tác dập dịch ở địa phương này còn rất chủ quan, lơ là nên nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng rất cao.

Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên lo lắng: “Hiện nay, dịch CGC trên địa bàn Cẩm Xuyên đang tăng lên từng ngày, chúng tôi không biết làm cách nào để kiểm soát tình hình. Mặc dù huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc nhưng do các xã thiếu nhân lực, vật lực và thực hiện thiếu bài bản nên hiệu quả dập dịch chưa cao”.

Cũng theo ông Hà, ngoài 3 xã Cẩm Thạch, Cẩm Quan, Cẩm Duệ, trong ngày 3/8 đã có thêm 2 xã Cẩm Vịnh, Cẩm Hoà thông báo có gia cầm ốm, chết hàng loạt, nâng tổng số gia cầm toàn huyện bị ốm, chết, phải tiêu huỷ lên gần 4.000 con.


Một số chốt kiểm dịch lập nên nhưng lại không hề có người trực

Cần giải pháp dập dịch triệt để

Tổng hợp của Chi cục Thú y Hà Tĩnh thì chỉ mới 6 xã có dịch nhưng theo báo cáo của các huyện với chúng tôi, đã có 11 xã có gia cầm ốm, chết. Như vậy số lượng gia cầm bị bệnh có thể gấp nhiều lần con số 8 nghìn con đã tiêu huỷ.

Nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh ngoài vấn đề thời tiết, thiếu vắcxin, ý thức chống dịch của người dân hạn chế, hiện nay việc chỉ đạo dập dịch từ trên xuống dưới đang biểu hiện rất nhiều lỗ hổng.

Ông Trần Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh nói: “Sau khi phân cấp trạm thú y về các huyện, TP, thị xã quản lý, công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ chúng tôi không trực tiếp chỉ đạo lực lượng thú y trạm nên việc tổng hợp, báo cáo, chỉ đạo phải thông qua huyện. Trường hợp huyện, xã vào cuộc không quyết liệt thì chúng tôi cũng đành bó tay”.

Được biết, dịch CGC xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu ở các ổ dịch cũ, do xử lý không dứt điểm nên mầm mống bệnh vẫn tồn tại âm ỷ, đến chu kỳ dịch lại bùng phát trở lại.


Dù dịch CGC đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng nhưng người chăn nuôi ở Thạch Đài vẫn vô tư thả vịt đi ăn như thế này

Trở lại xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà vào chiều 3/8, ngay từ đầu xã một chốt kiểm dịch được dựng lên, cũng có cán bộ ngồi trực gác nhưng khi tôi hỏi: Thạch Hương đang có dịch CGC phải không bác? Ông một mực khẳng định: Xã tui làm gì có dịch, chỉ có mấy xã dưới kia (Thạch Tân, Thạch Đài) bị dịch thôi.

Đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phát gần 2.000 lít hoá chất và 3.800 kg vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại; cung ứng 150.500 liều vắc xin CGC tiêm phòng bao vây các ổ dịch.
Để kiểm chứng lời khẳng định của vị cán bộ này chúng tôi lần theo bờ kênh dẫn vào trung tâm xã. Tại xóm 8, người dân địa phương khẳng định trong xóm đã có hàng trăm con gà, vịt của nhiều hộ chăn nuôi bị chết từ hơn chục ngày lại nay.

Ông Võ Tá Sáng, xóm 8, nói: “Cách đây 2 tuần đàn vịt hơn 100 con của gia đình tui bỗng nhiên bỏ ăn, ốm rồi chết dần. Khi vịt chết tui không báo thú y mà ra mua thuốc về tiêm cho những con đang sống còn lại mong vớt vát đồng vốn nhưng cuối cùng đàn vịt cũng chết gần hết”. Ngoài gia đình ông Sáng, hộ anh Tòng, chị Hường, ông Liệu cũng có gia cầm chết.

Gia cầm ở Thạch Hương ốm, chết sờ sờ như vậy nhưng địa phương này vẫn một mực giấu dịch, đến cả cán bộ thú y huyện cũng chẳng nắm được Thạch Hương đã dính dịch CGC. Ngược lại, trong báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh cho biết, Thạch Hương đã bị dịch CGC vào ngày 30/7.

Với cách quản lý, chỉ đạo dập dịch theo kiểu “trên chờ dưới, dưới chờ trên” như hiện nay, nếu không có giải pháp dập dịch triệt để, nguy cơ đại dịch CGC ở Hà Tĩnh là khó tránh khỏi.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm