Đường trăm tỷ ‘đi lạc’ vào nhà dân
Tháng 4/2024, anh Khuất Tiến Quân (sinh năm 1988, trú huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) có kế hoạch xây dựng nhà trên thửa đất rộng hơn 160m2 mà anh nhận chuyển nhượng tại xã Xuân Đài (huyện Tân Sơn) từ hơn 2 năm trước. Thế nhưng, khi kiểm tra mặt bằng đất của mình, anh vô cùng bất ngờ khi thấy một con đường mới được thi công đè lên phần đất của mình, toàn bộ hiện trạng cũ của thửa đất bị biến dạng.
Tìm hiểu, anh càng bất ngờ hơn khi biết đây là dự án đường giao thông trọng điểm, tổng đầu tư hơn 150 tỷ đồng do UBND huyện Tân Sơn làm chủ đầu tư. Thiết kế thi công tuyến đường cũng không đi vào phần đất của do anh sở hữu, bản thân anh không nhận được bất kỳ thông báo nào từ chính quyền sở tại về việc dự án đường thi công vào thửa đất của mình.
Không riêng trường hợp đất của anh Khuất Tiến Quân, 3 hộ liền kề với thửa đất của anh cũng ở tình trạng tương tự. Phần công trình đường “đi lạc” này kéo dài 45 mét, sâu 3 mét, tổng diện tích bị xâm hại khoảng 200 m2.
Điều đáng nói, 4 thửa đất bị xâm hại nằm tiếp giáp với con suối chảy trên địa bàn xã Xuân Đài, khá dốc và chênh lệch độ cao. Phần diện tích đất bị con đường lấn chiếm còn lại của những thửa đất này trở nên rất hẹp… khiến các hộ dân không thể xây dựng công trình.
Ngay sau đó, các hộ dân có đất bị tuyến đường xâm phạm đã có Đơn kiến nghị gửi UBND huyện Tân Sơn, UBND xã Xuân Đài phản ánh sự việc. Ngoài ra, các hộ cũng gửi đơn Khởi kiện đơn vị thi công thi công công trình có hành vi lấn chiếm đất đai ra Tòa án nhân dân huyện Tân Sơn yêu cầu nhà thầu trả lại phần diện tích đất của mình.
“Gia đình tôi mua thửa đất tại Khu Thang và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, quá trình đơn vị thi công làm đường đã tự ý lấn chiếm, làm rãnh thoát nước trên phần đất của tôi và các gia đình khác mà không hề thông báo hay thông tin thoả thuận gì” – anh Quân cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng chia sẻ: “Tháng 4/2024, gia đình tôi mua một thửa đất diện tích 161,9m2, đến khi gia đình dự kiến xây nhà. Khi đo đạc lại, chúng tôi phát hiện Công ty Phương Nam đã lấn chiếm một phần đất để xây dựng đường mà không có bất kỳ thông báo hay đàm phán nào. Tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND xã Xuân Đài giải quyết, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được hoàn trả mặt bằng”.
Tại hiện trường xảy ra việc tranh chấp đất đai, các chủ sở hữu đã tiến hành dựng rào tre để phân định ranh giới trong lúc chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Họ cũng yêu cầu dừng thi công cho tới khi sự việc có phương án giải quyết.
Ngày 22/10/2024, đại diện UBND xã Xuân Đài, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Sơn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, và Công ty Phương Nam đã làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng. Biên bản làm việc cho thấy, cả 4 hộ dân nói trên đều không nằm trong ranh giới, mốc giới thu hồi của dự án. Kết luận buổi làm việc cho thấy, Công ty Phương Nam đã tự ý thi công vào đất của 4 hộ dân nêu trên và yêu cầu tạm dừng thi công.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – một trong 4 hộ có đất bị xâm phạm cho biết: “Gia đình tôi bị lấn vào khoảng 50m2 đất. Sau khi làm việc đã xác định rõ và có kết luận, thế nhưng Công ty Phương Nam vẫn tiếp tục thi công, không có động thái hỏi han hay hoàn trả mặt bằng cho chúng tôi. Cho dù lỗi do thiết kế, lỗi do đơn vị tư vấn giám sát hay chủ đầu tư đi nữa thì điều đó không thay đổi được việc họ cần bồi thường hoặc hoàn trả lại diện tích đất cho chúng tôi”.
“Sai sót thuộc về chúng tôi!”
Ngày 10/12/2024, UBND xã Xuân Đài một lần nữa tổ chức buổi làm việc giữa các bên để thống nhất giải pháp. Theo đó, nhà thầu sẽ phải hoàn trả lại diện tích đất ban đầu cho các hộ dân, đồng thời chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến thi công sai thiết kế và phục hồi mặt bằng. Thời gian hoàn thành đến ngày 12/12/2024.
Chủ tịch UBND xã Xuân Đài Hà Ngọc Tín xác nhận: phản ánh của các hộ dân là đúng và hoàn toàn có cơ sở pháp lý căn cứ theo sơ đồ thửa đất đã được xác lập trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tọa độ thửa đất... Việc thi công đường lấn vào đất của các hộ dân, lỗi này thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị thi công, nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn, giám sát…
“Trong quá trình thi công, nhà thầu đã không tìm hiểu nguồn gốc đất, không thông báo và phối hợp giải quyết tranh chấp phát sinh. Tại các cuộc họp với các hộ dân, chúng tôi đều thừa nhận và xin lỗi các hộ. Để xảy ra sai sót này cũng có lỗi của chính quyền xã vì không nắm rõ được vị trí thi công tuyến đường. Cho đến ngày 09/10, UBND xã tiếp nhận đơn phản ánh của các hộ đã tiến hành xác minh thực địa, đối chiếu với bản đồ thửa đất thì đúng vị trí đất đã được cấp bìa. Ngay sau đó, xã đã lập biên bản báo cáo lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo. Qua xác minh là đúng như thế, huyện nhận sai, công ty nhận sai và cũng đưa ra phương án, bàn để giải quyết” - Chủ tịch xã Xuân Đài phân trần.
Cũng theo chủ tịch xã Xuân Đài, dự án đường Tân Phú - Xuân Đài đi qua xã Xuân Đài có chiều dài 4,8km, ảnh hưởng đến 54 hộ dân và khoảng 4ha đất. Trước đây đã có nền đường cũ, nên hiện tại chỉ mở rộng thêm, nhiều hộ gia đình cũng đã hiến đất để làm đường.
Ông Phan Thế Khang, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Sơn khẳng định: “Nhà thầu sai thì phải khắc phục. Tuy nhiên, nếu người dân không đồng ý hiến đất để mở rộng đường, tuyến đường sẽ phải thu hẹp và điều chỉnh tốc độ tối đa. Hiện chúng tôi đang phối hợp với đơn vị thiết kế để tìm phương án phù hợp nhất”.
Đáng chú ý, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng cho một tuyến đường dài gần 10km, với nhiều gói thầu có giá trị lớn được thực hiện chặt chẽ như: Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình; Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát (bước thiết kế bản vẽ thi công); Tư vấn giám sát công tác khảo sát (bước thiết kế bản vẽ thi công); Tư vấn trích đo địa chính, lập hồ sơ thu hồi đất và cắm mốc phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Tư vấn lựa chọn nhà thầu công trình; Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình; Thi công xây dựng công trình; Bảo hiểm xây dựng công trình; Rà phá bom mìn…
Với nhiều hạng mục, nhiều chi phí như vậy, nhiều người dân đặt câu hỏi liệu mức đầu tư này có hợp lý khi chất lượng quản lý dự án lại xảy ra sai sót nghiêm trọng như hiện tại. Đặc biệt, tình trạng thi công sai thiết kế, thi công lấn vào đất người dân, và phải hoàn trả sau phát hiện là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém trong khâu chuẩn bị và thực hiện dự án.
Vụ việc tại dự án đường Tân Phú - Xuân Đài cho thấy cách quản lý và triển khai các dự án đầu tư công còn nhiều tồn tại. Việc bàn giao mặt bằng không rõ ràng, giám sát lỏng lẻo, và sự phối hợp kém giữa các bên đã dẫn đến chồng chéo trách nhiệm, gây ra nhiều chi phí và mất nhiều thời gian giải quyết.
Dự án đường Tân Phú - Xuân Đài giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những công trình trọng điểm với mục tiêu cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối các xã phía Tây Nam huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, với Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Đối với Gói thầu số 07 - Thi công xây dựng công trình, sau quá trình nộp hồ sơ và tham gia đấu thầu, Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam (Công ty Phương Nam) là đơn vị duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 126,317 tỷ đồng (giá dự toán 126,339 tỷ đồng), số tiền tiết kiệm là 21,7 triệu đồng, tương đương với mức tiết kiệm 0,01%.