| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp nông nghiệp và hành trình Net Zero

Cùng nông dân giảm phát thải trong sản xuất lúa

Thứ Sáu 07/07/2023 , 06:40 (GMT+7)

Sản xuất lúa các bon thấp theo quy trình SRP cùng những giải pháp khác đã được Lộc Trời áp dụng trong những năm qua nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên đạt 100 điểm SRP trong sản xuất lúa. Ảnh: Thanh Sơn.

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên đạt 100 điểm SRP trong sản xuất lúa. Ảnh: Thanh Sơn.

Làm lúa giảm phát thải khí nhà kính

The Sustainable Rice Platform (SRP) là một liên minh đa đối tác toàn cầu, được thành lập vào tháng 12/2011 bởi Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), với mục đích khuyến khích sự phát triển bền vững và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên trong chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, nhận thấy sự tương đồng trong mục tiêu của SRP và sứ mệnh của tập đoàn là cùng hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, vào năm 2017, Lộc Trời đã chính thức tham gia diễn đàn SRP.

Theo đó, Lộc Trời tiên phong thử nghiệm bộ tiêu chí SRP trong mô hình sản xuất lúa gạo bền vững, thực hành 41 tiêu chí thuộc 8 nhóm chủ đề quan trọng đảm bảo quy trình canh tác, quản lý đồng ruộng, tiết kiệm nước, đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động và thúc đẩy bình đẳng giới.

Sau nhiều năm liên tục hoàn thiện mô hình, vào vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, Tập đoàn Lộc Trời lần đầu tiên đạt 100 điểm SRP trên vùng canh tác khoảng 100ha của 13 nông dân tiên tiến tại An Giang và Đồng Tháp. Kết quả này được xác nhận bởi Control Union - đơn vị kiểm định độc lập được ủy quyền bởi SRP. Như vậy, Lộc Trời đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt kết quả hoàn hảo về thực hiện tiêu chuẩn SRP. Không dừng ở đó, Lộc Trời đang tiếp tục duy trì kết quả 100 điểm SRP trong 3 năm liên tục (2020 - 2022).

Điều đáng chú ý là bên cạnh việc giảm chi phí canh tác và tăng năng suất lúa, mô hình SRP mà Lộc Trời thực hiện đã giúp giảm phát thải khí nhà kính thông qua các phương pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước hết là giải pháp kỹ thuật tưới tiêu ướt - khô xen kẽ. Kỹ thuật này giúp giảm phát thải khí metan thông qua việc đồng ruộng được thoát khí khi rút nước trong giai đoạn cây lúa sinh trưởng.

Áp dụng cơ giới hóa trên một cánh đồng của Lộc Trời. Ảnh: Thanh Sơn.

Áp dụng cơ giới hóa trên một cánh đồng của Lộc Trời. Ảnh: Thanh Sơn.

Việc giảm sử dụng phân bón và không đốt rơm rạ sau thu hoạch giúp giảm phát thải khí nhà kính từ vật chất hữu cơ dư thừa trên đồng ruộng. Rơm rạ có thể dùng làm phân bón hoặc thức ăn ủ chua cho bò bê, giúp tăng tuần hoàn hữu cơ trong đất và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mùa vụ tiếp theo.

Từ thực tiễn tổ chức mô hình SRP 100 điểm, Lộc Trời ghi nhận kết quả bước đầu là thực hành SRP giúp giảm đáng kể phát thải khí metan so với các quy trình canh tác thông thường. Chính vì vậy, Tập đoàn đang làm việc cùng với IRRI để nghiên cứu thí điểm cơ chế kiểm kê khí nhà kính theo quy trình SRP, đồng thời thảo luận cùng Ngân hàng Thế giới về các chương trình tín dụng các bon nông nghiệp. Lộc Trời cũng sẵn sàng tham gia các dự án của UBND tỉnh An Giang và Bộ NN-PTNT về trồng lúa các bon thấp.

Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mở rộng quy trình SRP tại vùng nguyên liệu, Lộc Trời đã, đang hợp tác cùng IRRI để đào tạo 100 nhân viên của Tập đoàn trở thành người hướng dẫn SRP (SRP Authorized Trainer). Đây là nhóm nhân sự chủ chốt để triển khai các tiêu chí SRP đến nhiều hợp tác xã hơn nữa và được ủy quyền để xác nhận điểm SRP cấp độ hai (đánh giá từ đối tác trực tiếp).

Trước đây, nông dân có tập quán đốt rơm rạ sau thu hoạch, vừa làm ô nhiễm không khí vừa làm mất lượng hữu cơ đáng kể từ đồng ruộng và làm tăng phát thải khí nhà kính.

Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) đã và đang thực hiện nhiều nghiên cứu nâng cao hiệu quả xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Các công trình này tập trung vào những phương pháp tận dụng nguồn rơm dồi dào tại Đồng bằng sông Cửu Long để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm dưỡng chất hữu cơ … 

Giảm 1 triệu lít hóa chất đổ xuống đồng ruộng

“Cùng nông dân phát triển bền vững” là một chương trình mà Tập đoàn Lộc Trời đã bền bỉ thực hiện liên tục suốt từ năm 2011 đến nay nhằm từng bước xây dựng vùng nông thôn đáng sống.

Với quyết tâm thực hiện cam kết nói trên, Lộc Trời đã đề ra mục tiêu tiến tới giảm thiểu 1 triệu lít hóa chất đổ xuống đồng ruộng Việt Nam hàng năm, thông qua đồng bộ cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Lộc Trời giảm lượng thuốc BVTV nhờ sự dụng drone để phun thuốc. Ảnh: Thanh Sơn.

Lộc Trời giảm lượng thuốc BVTV nhờ sự dụng drone để phun thuốc. Ảnh: Thanh Sơn.

Việc phát triển sản xuất theo bộ tiêu chuẩn SRP đang giúp Lộc Trời giảm đáng kể lượng hóa chất sử dụng. Cụ thể, về phân bón, một lượng lớn phân hóa học đang được thay bằng phân hữu cơ. Sau khi thu hoạch lúa, nguồn rơm rạ trên đồng ruộng được phun chế phẩm sinh học Trichoderma, rồi dùng máy cày cày vùi vào đất, sẽ từng bước phân hủy thành phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất và cây lúa vụ sau.

Về sử dụng thuốc BVTV, do đã quy hoạch được diện tích, quản lý được mùa vụ, nên tình hình sâu bệnh, dịch hại trên các cánh đồng sản xuất theo tiêu chuẩn SRP được cán bộ kỹ thuật nắm vững và theo dõi thường xuyên. Điều này giúp giảm lượng thuốc phun xịt. Bên cạnh đó, việc áp dụng drone vào phun thuốc BVTV trên các đồng lúa đã giúp cho Lộc Trời giảm đáng kể lượng thuốc so với phun thủ công. Bằng việc đồng bộ cơ giới hóa và sản xuất theo bộ tiêu chuẩn SRP, nông dân đã giảm được 30% lượng phân hóa học và giảm 20 - 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Một ưu điểm nổi bật của SRP là quy trình hướng tới sự cân bằng giữa 3 yếu tố hữu cơ, sinh học và hóa học, qua đó, giúp Tập đoàn tiến tới mục tiêu giảm 1 triệu lít hóa chất đổ xuống đồng ruộng. Lộc Trời đã cam kết với Cục BVTV là đến 2030, sản phẩm sinh học, hữu cơ sẽ chiếm tới 40% trong bộ sản phẩm thuốc BVTV của Tập đoàn.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tất cả các hoạt động trong hệ sinh thái Lộc Trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông sản quy mô lớn, đồng bộ và liên tục thông qua các hợp tác xã có diện tích ít nhất 1.000ha. Tập đoàn ứng dụng tri thức nông nghiệp vào quản lý mùa vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp theo các giải pháp cân bằng hóa học, sinh học và hữu cơ, tiến đến giảm hóa chất trong nông nghiệp. Tập đoàn tiếp tục triển khai cơ giới hóa đồng bộ và dùng drone trong tất cả các khâu canh tác nhằm tăng hiệu quả và tiết giảm chi phí, hướng đến sản xuất với giá thành ổn định và đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài cho nông dân tham gia liên kết. Qua đó, tạo ra các sản phẩm lúa, gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng những tiêu chí ngày càng chặt chẽ của thị trường thế giới.

Tập đoàn tiếp tục thúc đẩy các dự án, chương trình và sáng kiến hướng đến phát triển bền vững tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, nhằm góp phần thiết thực cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.