| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp nông nghiệp và hành trình Net Zero

Giảm phát thải từ trang trại đến tiêu dùng

Thứ Ba 04/07/2023 , 06:00 (GMT+7)

Là công ty sữa đầu tiên có cả nhà máy và trang trại đạt trung hòa các bon, Vinamilk đang hành động tích cực để giảm phát thải hướng tới Net Zero vào năm 2050.

Một trang trại bò sữa của Vinamilk. Ảnh: Thanh Sơn.

Một trang trại bò sữa của Vinamilk. Ảnh: Thanh Sơn.

Trang trại, nhà máy cùng đạt trung hòa các bon

Sau quá trình hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022,  vừa qua, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014, trong khoảng thời gian từ 1/1 - 31/12/2022.

Theo các báo cáo được công bố và xác nhận, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17.560 tấn CO2, tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh. Đây là kết quả của “hành động kép” trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Giám đốc Bureau Veritas - đơn vị xác nhận trung hòa các bon cho Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An, khẳng định “việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới Net Zero trong ngành sữa là rất thách thức, đặc biệt với các trang trại bò sữa có quy mô lớn. Mục tiêu này đòi hỏi việc đầu tư cho các giải pháp công nghệ, chuyển đổi năng lượng xanh, vận dụng kinh tế tuần hoàn… một cách toàn diện. Có thể nói, các kết quả của Vinamilk đạt được là rất đáng ghi nhận và có giá trị khích lệ rất lớn cho tiến trình Net Zero của ngành sữa nói chung”.

Tính đến nay, Vinamilk đã trải qua hơn 10 năm đi vào phát triển bền vững. Năm 2010, Vinamilk chuyển sang sử dụng hơi Biomass thay cho năng lượng truyền thống trong sản xuất ở các trang trại. Đến năm 2012, công ty chính thức áp dụng và báo cáo Chương trình Phát triển bền vững theo chuẩn GRI. Ngay sau đó, vào năm 2013, Vinamilk sử dụng năng lượng từ khí nén CNG thay thế cho lò hơi đốt dầu DO/FO ở chuỗi nhà máy, qua đó giúp tiết kiệm nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.

Sau quá trình khảo sát, thí điểm, từ năm 2020, Vinamilk bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ở tất cả các trang trại bò sữa. Đến nay, 13 trang trại của công ty đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với tổng công suất 11 triệu kWh/năm.

Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An đã đạt trung hòa các bon năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An đã đạt trung hòa các bon năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn.

Trong 2022, Vinamilk cũng đã hoàn thiện nhân rộng mô hình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho hệ thống nhà máy và trụ sở văn phòng chính. Một trong các hệ thống điện mặt trời mới nhất được lắp đặt có công suất 3.394 kWp tại Nhà máy Sữa Việt Nam. Hệ thống này sử dụng 7.542 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, 27 inverters 110 kW cùng khung phụ trợ và dây dẫn đạt chất lượng cao, độ bền thiết kế trên 25 năm.

Nhà máy Sữa Việt Nam còn được gọi là siêu nhà máy "Mega factory" do có công nghệ tự động hiện đại, công suất cực lớn 800 triệu lít/năm (khoảng 2,2 triệu lít/ngày) và sẽ được nâng lên hơn 1 tỷ lít sữa/năm trong tương lai gần. Năng lượng sạch từ hệ thống điện mặt trời đang được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy, từ đó tiết kiệm lượng lớn năng lượng truyền thống, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững, giảm dấu chân các bon trong hoạt động sản xuất.

Đến năm 2022, 100% trang trại bò sữa của Vinamilk đã triển khai kiểm kê khí nhà kính và 100% nhà máy đã hoàn thành kiểm kê khí nhà kính. Cũng trong năm 2022, Vinamilk đã trở thành đại diện đầu tiên của ngành sữa Việt Nam tham gia Sáng kiến ngành sữa toàn cầu về Net Zero, được sáng lập bởi Liên đoàn Sữa thế giới (IDF), Khung Phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform …

Net Zero vào 2050

Trong nỗ lực để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cam kết Chính phủ tại COP26, Vinamilk với vai trò là doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, cũng vừa chính thức công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050" (Vinamilk hướng đến Net Zero 2050).

Theo đó, Vinamilk đưa phát triển bền vững trở thành mũi nhọn chiến lược phát triển trong giai đoạn 2022 - 2026. Cụ thể là đẩy mạnh lộ trình phát triển bền vững theo các mô hình thành công của ngành sữa thế giới; ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và sản xuất theo hướng bền vững; gia tăng năng lượng tái tạo và trồng cây xanh để trung hòa khí nhà kính. Công ty xây dựng chương trình hành động tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững - Sản xuất xanh - Logistics thân thiện môi trường - Tiêu dùng bền vững.

Một trang trại Green Farm của Vinamilk. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một trang trại Green Farm của Vinamilk. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lộ trình cụ thể của Chương trình hành động "Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050" là: Cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Tại Lễ công bố lộ trình tiến đến Net Zero, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk chia sẻ: “Nhìn lại hành trình đã đi của công ty theo định hướng phát triển bền vững, Vinamilk nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn và đã đưa ra các quyết định từ rất sớm. Việc công bố chương trình hành động Vinamilk hướng đến Net Zero năm 2050, ngoài việc thể hiện cam kết của công ty đối với cộng đồng và người dân Việt Nam, Vinamilk còn hy vọng sẽ góp phần truyền tải mạnh mẽ những thông điệp tích cực đến với cộng đồng doanh nghiệp, chung tay cùng chính phủ trên hành trình sứ mệnh Net Zero - một hành trình cho 1 tương lai xanh, bền vững hơn cho chính chúng ta và thế hệ mai sau”.

Bà Nguyễn Đình Minh Tâm, đại diện của tổ chức BSI (Viện tiêu chuẩn Anh) - đơn vị cấp chứng nhận trung hòa các bon cho nhà máy sữa Nghệ An, đã đánh giá cao định hướng giảm phát thải khí nhà kính một cách bài bản của Vinamilk, khi là một trong số ít các đơn vị đã bắt đầu từ việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính chính xác, kĩ lưỡng từ sớm, từ đó xây dựng các lộ trình giảm phát thải. Bà Minh Tâm tin rằng với sự cam kết mạnh mẽ của Vinamilk với mục tiêu Net Zero 2050, sẽ sớm có thêm nhiều đơn vị của Vinamilk đạt được mục tiêu trung hòa các bon trong tương lai gần.

Để chuẩn bị cho tương lai, từ năm 2012 đến 2020, Vinamilk và Bộ Tài Nguyên - Môi trường đã phối hợp triển khai Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam. Đến hết năm 2020 đã hoàn thành trồng hơn 1,1 triệu cây xanh. Chương trình đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, qua đó, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa ý nghĩa của việc trồng cây, phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho đất nước, nâng cao đời sống của người dân.

Tiếp nối hành trình xanh nói trên, năm 2022, Vinamilk cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường tái khởi động dự án mang tên "Hoạt động trồng cây để trung hòa các bon hướng đến Net Zero". Đây là dự án nhằm hưởng ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.